Monday, April 23, 2018


CÓ MỘT NƠI NHƯ THẾ Ở SÀI GÒN




Nhà thờ Hạnh Thông Tây (góc đường Quang Trung và Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp) thường vắng vẻ. Bên trong thánh đường, một vài người thợ sửa sang lại những chỗ hư hỏng. Một vị nữ tu quét dọn bụi trên bàn thờ. Lác đác chỉ có vài tín đồ vào cầu nguyện.
Hai bên hông thánh đường nổi bật lên trước mắt mọi người những pho tượng đầy giá trị nghệ thuật và vô cùng sống động. Phía bên trái là bức tượng người phụ nữ quỳ trên gối, hai tay cầm hai bó hoa huệ ôm choàng lấy tấm bia mộ. Đầu bà để trần, tóc búi cao, đầu hơi chếch hướng vào ngôi mộ phía sau. Chiếc áo dài trên người bà bình dị. Trên cổ bà đeo sợi dây chuyền có mặt ngọc, dưới chân mang dép mũi hài.
Tượng trông như người thật khiến ai nhìn cũng ngẩn ngơ. "Quý vị có biết pho tượng này là ai không?". Cụ già trông nom nơi thánh đường này cho biết, người phụ nữ ôm tấm bia là bà Trần Thị Thơ. Bà Thơ là vợ ông Lê Phát An - người nằm trong ngôi mộ phía sau. Từ đây nhìn thẳng sang phía đối diện, một người đàn ông đầu đội khăn đóng, mặc áo dài quỳ trên gối. Trước gối quỳ có đặt bó hoa. Ông có ria mép và đôi mày rậm. Hai bàn tay ông không chắp lại mà lại đan vào nhau. Nét mặt ông thành kính, đôi mắt nhìn vào tấm bia như muốn thì thầm trò chuyện. Cả hai pho tượng đều được làm bằng đá cẩm thạch trắng và mộ bằng đá hoa cương.
Tác giả của hai pho tượng và công trình bia mộ này là hai nghệ sỹ nổi tiếng của Pháp thời đó là kiến trúc sư Andre Contenay (1903-1992) và nhà tạc tượng Paul Ducuing (1867-1949). Hai nghệ sĩ tài danh về kiến trúc và điêu khắc đã thể khắc hiện rõ nét đặc trưng miền Nam qua chân dung của ông bà. Hai bức tượng -người vợ trước mộ chồng và người chồng trước mộ vợ - đã thể hiện rất đẹp tình cảm của hai người. Trước mộ ông có tượng bà mặc áo dài quỳ gối dâng bó hoa và cầu nguyện cho ông. Bên mộ bà có tượng của ông mặc áo dài quỳ phục dâng bó hoa và cầu nguyện cho bà. Với nét tạc tượng điêu luyện, hai pho tượng nhìn vào rất sống động và toát lên được những tình cảm mà người thực hiện muốn phục dựng.
Sinh ra trong gia đình giàu có nhất Đông Dương, ông Lê Phát An (1868-1946) là một phú hộ nổi tiếng thập niên 1930-1940 ở miền Nam. Cha ông là Lê Phát Đạt, còn gọi là Huyện Sĩ, là người đứng đầu của bốn người giàu nhất Nam kỳ trong câu "Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa". Ông Huyện Sĩ có cách giáo dục con cái rất nghiêm. Những người con của ông dù trai hay gái đều là những người thông minh, hiểu biết và biết phát huy tiềm lực kinh tế của gia đình. Ông Lê Phát An từng được gia đình cho du học bên Pháp. Sau khi về nước, ông đã cùng vợ chồng người em là Lê Thị Bính lên Đà Lạt mở đồn điền trồng trà và cà phê. Người em này có một cô con gái vừa xinh đẹp vừa giỏi giang.
Trong thời gian ở Đà Lạt, ông nhận được giấy mời của Đốc lý thành phố Đà Lạt là ông Darle. Ông Darle mời ông An và cô cháu gái xinh đẹp đến dự dạ tiệc ở khách sạn Palace, có vua Bảo Đại tham dự. Cháu gái ông - Nguyễn Hữu Thị Lan - không muốn dự nhưng được ông thuyết phục cũng đã miễn cưỡng đồng ý đến. Cô trang điểm nhẹ và mặc chiếc áo dài bằng lụa đến dự tiệc. Nhờ được học lễ nghi chỉnh chu, cô Lan đã đến trước mặt hoàng thượng trang trọng bái yết. Vừa lúc ấy điệu nhạc tango vang lên, Nhà Vua mời cô cùng nhảy. Đến năm 1934, Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Hoàng hậu Nam Phương.
Ngày cưới - cậu của hoàng hậu - ông An đã gởi đến cháu món quà mừng một triệu đồng bạc Đông Dương. Số tiền này tương đương với 20.000 lượng vàng. Sau đó, Vua Bảo Đại đã phong tước An Định Vương, tước hiệu cao quý nhất của triều đình và chỉ phong cho một người duy nhất ở miền Nam thuộc hàng dân dã cho ông Lê Phát An. Tuy có tước hiệu của triều đình nhưng ông An vẫn là một điền chủ. Ông được cha giao cho cai quản một khu đất rộng lớn ngày nay thuộc Gò Vấp. Nhờ biết làm ăn, ông đã đưa vùng đất này phát triển đến mức cực thịnh. Những việc làm của ông luôn được người dân đồng tình và ủng hộ. Vì là người có tước hiệu cao nhất trong triều đình, ông gặp nhiều thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách đổi mới nhằm đưa mức sống của người dân lên cao.
Năm 1921, ông bỏ tiền ra thuê nhà thầu Baader và nhà thầu Lamorte xây dựng nhà thờ Hạnh Thông Tây, làm trong ba năm mới hoàn thành. Năm 1932 bà Trần Thị Thơ mất, 14 năm sau là năm 1946, ông Lê Phát An qua đời. Để ghi lại công ơn của họ, ông bà được an táng ngay bên trong thánh đường nơi nhà thờ này.
Tấm lòng họ dành cho nhau đã trở thành bất tử. Hai pho tượng này thuộc hàng những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất từ thời Pháp còn lại ở nước ta cho tới ngày nay.

{ st}

No comments:

Post a Comment