Saturday, January 10, 2015

Buổi Ra Mắt Sách SAU CƠN BINH LỬA tại Khu-Hội Bắc CA   .

Song Vũ
Song Vũ



Thấy gì Sau Cơn Binh Lửa?
(RMS Sau Cơn Binh Lửa tại Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị San Jose, 04/19/2014)
        Ngày 19 tháng 4 năm 2014, Bút ký Sau Cơn Binh Lửa của tác giả Song Vũ Ngô Văn Xuân được ra mắt tại Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị San Jose với khoảng 200 chiến hữu và đồng hương tham dự, là một thành công đáng kể.
        Là một phi công ngành Quan sát, chỉ tham dự hành quân không yểm trên khắp vùng trời Quân khu I và Quân khu II, sau khi đọc xong bút ký, tôi cảm nhận ngay sự may mắn đã dành cho ngành của chúng tôi trong cuộc chiến và tôi cũng thấy thương xót cho thân phận những người lính bộ binh với một chút hổ thẹn là vì mình đã không thật sự chia xẻ sâu xa những tận cùng gian khổ của người chiến sĩ Cộng hòa.
        Một điều khẳng định là từng chữ từng dòng chân thật nồng nàn của bút ký đã lôi cuốn tôi đến trang cuối và mang đến cho tôi lòng ngưỡng mộ nhân cách của người lính trận Ngô Văn Xuân. Vậy tôi đã thấy gì Sau Cơn Binh Lửa?
        Tập sách dày 517 trang, gồm 21 bài viết rời trong suốt 18 năm (1996-2014), nay gom lại để in thành sách, bìa màu xanh nhạt, dung dị và đơn giản như cuộc đời của tác giả, một lính trận, xuất thân Khóa 17 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam năm 1963, thăng cấp Trung tá tại mặt trận năm 1972, từ một Trung đội trưởng đi lần lên chức vụ sau cùng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44/ Sư Đoàn 23 Bô Binh. Nội dung Sau Cơn Binh Lửa cũng tuần tự đi theo mốc thời gian đó, qua các trận đánh cấp Đại đội tại Vùng 4 Chiến thuật, cấp Sư đoàn tại Vùng 2 Chiến thuật, liên tục từ năm 1963 cho đến ngày 30 tháng 4/1975, cả một Quân lực buông súng, buông cả miền Nam chìm ngập trong chia lìa tang tóc, uất hận và tù đày. Từ đó cho tận ngày nay.
        Sau khi gấp sách lại, tâm trí tôi như còn ẩn hiện nhiều điều về con đường binh nghiệp của tác giả, sự lợi hại của các đơn vị trinh sát của các Sư Đoàn BB của ta, những trận đánh đẫm máu từ đồng bằng đến cao nguyên, cách huấn luyện xử dụng B40, B41 tịch thu của địch để diệt tăng địch, tạo nên một Kontum kiêu hùng trong mùa hè đỏ lửa 1972, những mưu toan trong hiệp định Ba lê, những sai lạc trong kế hoạch phòng thủ và tái chiếm Ban Mê Thuột đưa đến những oan nghiệt trên Liên tỉnh lộ 7B ngày nào, chuyện cơ hàn và kiết lỵ trong trại tù cộng sản, đức tin và ông Phật Dược Sư, chuyện lưu lạc xứ người và sau cùng là nổi lo sợ về dã tâm từ phương bắc, v.v..
        Qua biết bao sự kiện bi hùng và gian truân như vậy, trong tâm tưởng của tôi in đậm một nén tâm hương của người lính trận Ngô Văn Xuân dành cho đồng đội của mình và nỗi đau quặn của tác giả về họa phương bắc đối với Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
        Vâng, tình đồng đội là nỗi day dứt và thương cảm bất tận trong tâm tư của tác giả qua các bút ký Trung đoàn 44 trong mùa hè đỏ lửa (p53), Sông Mao, những ngày tháng cũ (p105), Viết về các chiến hữu của tôi (p129), Đồng đội (p159) và Trời mưa nhớ bạn (p171 )v.v...: “Máu đồng đội của tôi đã tô thắm mãnh đất quê hương điêu linh khốn khổ này để cho chúng tôi, những người lính sống sót trong cuộc chiến còn có dịp viết và nói về họ. Thời gian sẽ trôi qua rất nhanh nhưng hình ảnh các đồng đội của tôi sẽ còn mãi mãi trong tâm tư những người còn lại hôm nay và sẽ được biết tới và tri ân bởi các thế hệ con cháu kế tiếp” (p126).
        Theo năm tháng, nỗi thương cảm ngày càng xót xa về thân phận người lính chiến QLVNCH: “Đời lính chiến là cuộc hành trình vòng tròn: trại lính – mặt trận – nhà thương. Cái chết đối với lính có khi là một cách giải thoát” (p184).
        Vì cùng chung một màu cờ, một nghĩa vụ, một sợi chỉ mành bất trắc đang rình rập và một kẻ thù hung hiểm, nên người lính sống là sống thật với mình và đồng đội của mình, do đó, tình đồng đội trong Sau Cơn Binh Lửa là có thật, sống động, và tận cùng, chứ không bị giới hạn bởi tính cục bộ như nguồn gốc quân trường, quan hay lính...Một Võ Thừa Tự, đồng môn K17 của tác giả, “đã ôm mặt khóc nức nở khi nhìn tôi nằm bất động chờ tản thương, máu thấm đầy ngực áo trong trận đánh trên kinh Một Thước Đồng Tháp năm 1965 ngày nào “Vũ ơi, mầy đừng có chết nghe” (p162) đến một Võ Ân, K12 Võ khoa Thủ Đức, từng chiến đấu can trường tại mặt trận Cao nguyên, đặc biệt trong trận giải vây Ban Mê Thuột, bổng đột ngột qua đời tại miền Tây bắc Mỹ, gây xúc động sững sờ và tác giả nhớ lại những ngày sống chết bên nhau, với cảm nhận hết sức trung thực và công bình về vị Trung tá Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 53BB nầy: “Anh là một trong những anh hùng quân đội thực sự làm tôi kính phục. Can trường, bình dị, thẳng thắn là đặc tính của anh” (p145).
        Là một cựu tù chính trị, đã trải qua các trại tù ngoài Bắc cũng như trong Nam với tác giả, chúng tôi đã chứng kiến biết bao tình cảnh bạo ngược, uất nghẹn, đôi khi dở khóc dở cười. Một tên cai tù tập họp tù nhân để phát thư nhà, hỏi: anh nào là người nhà của Hé lè ne? (p355). Tôi hỏi lại, anh nào là người nhà của He lè ne? Dĩ nhiên là không có tiếng trả lời. Nhưng khi tên cai tù nhìn lại phong thư rồi lẩm bẩm: Sao kỳ vậy, rõ ràng tên người gởi như vậy, người nhận là Nguyễn Văn Tuấn đây nầy, tức thì người tù cựu Đại úy Nguyễn Văn Tuấn đứng ra nhận thư của vợ mình tên là Hélène, từ Pháp gởi vô trại giam thăm chồng!
        Những kẻ ngây ngô như vậy đã thắng trận, họ thắng không phải bằng chính nghĩa, mà bằng sự ngu muội, dối trá tàn ác, thế mới có chuyện tháng Tư đen. Theo Song Vũ thì “Tháng tư nào từ sau năm 1975 cũng là một tháng tư buồn cho dân tộc. Nó là khởi điểm của một tiến trình mất nước thực sự” (p272) và tác giả đã thốt lên “Quê hương ơi, hãy khóc lên đi, một lần thương cho thân phận mình. Bởi vì biết đâu, mai đây cả tiếng khóc nghẹn cũng sẽ bị cấm đoán”(p273).
Dù vậy, tác giả Sau Cơn Binh Lửa vẫn tự hào về những người con thân yêu của Tổ quốc. Ông viết: “Cũng còn may cho chúng ta trong những giờ phút bi tráng nhất của lịch sử dân tộc trong tháng Tư năm ấy. Chúng ta cũng đã có những gương hy sinh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong quân sử VNCH, chúng ta sẽ mãi mãi tự hào về những tướng lãnh vị quốc vong thân trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến: Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú và những sĩ quan, hạ sĩ quan binh sĩ khác được biết đến tên tuổi hoặc vô danh”. (p131).
        Người lính trận Song Vũ Ngô Văn Xuân, đã từng sống chết với đồng đội của mình, đã tận trung với lý tưởng bảo quốc an dân, ba lần bị thương, hai lần thăng cấp mặt trận, dù vậy, khi thua trận mất nước, người lính vẫn nhận trách nhiệm của mình: “...toàn thể những ai còn nhận mình là người quốc gia đều có lỗi. Lỗi nặng nhẹ tùy tùy theo vị trí và vai trò của mình trong hàng ngủ chiến đấu” (p130).
        Lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm lúc nào cũng được trân quý. Và tôi tin rằng, những cựu chiến sĩ Quân lực VNCH và gia đình họ nói chung, những chiến hữu từng tham dự các trận đánh ở đồng bằng cũng như cao nguyên nói riêng, cũng sẽ trân quý Sau Cơn Binh Lửa, vì đó là xương thịt, là máu huyết, là tim óc và nhất là, tính nhân bản của người chiến sĩ QLVNCH, cách riêng, của cựu SVSQ K17 Ngô Văn Xuân, tác giả bút ký.
KQ võ ý
Corona, CA, 04/19/2014
*****************************************
 Song Vũ và bút ký “Sau Cơn Binh Lửa”

Cuộc chiến đã chấm dứt gần bốn mươi năm. Thời gian đủ để chôn xóa tất cả mọi dấu tích bom đạn trên quê hương, nhưng vẫn chưa mờ nhạt trong ký ức và làm lành được vết thương trong lòng những ai từng tham dự hoặc chịu nhiều hệ lụy từ cuộc chiến ấy. Đặc biệt, những người lính miền Nam, một thời chiến đấu can trường, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, để rồi bất ngờ phải nhận chịu thân phận kẻ bại trận trong đớn đau tức tưởi.

Từ nỗi oan khiên đó, trong suốt thời gian qua , đã có đông đảo những người lính trong mọi quân binh chủng viết về cuộc chiến, phân tích các nguyên nhân thắng bại hoặc kể lại những năm tháng hào hùng với biết bao chiến công hiển hách, ngỡ như không thể có ngày phải bàng hoàng buông súng. Đa số trong họ không phải là nhà văn, hoặc muốn trở thành nhà văn. Họ cầm bút chỉ để viết ra, giải tỏa những điều ẩn ức theo tháng năm đè nặng trong lòng. Viết để chia sẻ với những đồng đội cũ hầu cùng nhau tìm lại những kỷ niệm kiêu hùng của một thời trai trẻ, sẵn sàng chết cho quê hương. Viết để phân tích tìm hiểu những nguyên nhân nào đã đưa cuộc chiến đến một kết thúc đau lòng. Và cũng để cho con cháu – thế hệ ít nhiều bị hệ lụy từ cuộc chiến ấy – hiểu được tinh thần và khả năng chiến đấu của cha ông, nhưng vì sao đã có một ngày 30 tháng 4 buồn thảm.

Trong số nhiều cây bút ấy, thỉnh thoảng chúng ta đọc được một số bài viết của tác giả Song Vũ. Một cái tên còn khá xa lạ, nhưng có lẽ ai cũng rất thích thú và nhận ra những giá trị đặc biệt ở các bài viết của ông. Không phải chỉ ở cách hành văn, mà còn ở sự trung thực, sống động cùng những nhận định sâu sắc, độc đáo mà chúng ta không tìm được ở nhiều tác giả khác. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công: tác giả là người trong cuộc, luôn có mặt trong các trận chiến với những quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp. Vì vậy, ngoài tính trung thực được xác tín, tâm hồn tác giả cũng chan hòa theo từng dòng chữ, từng sự kiện, đã tạo cái hồn cho các bài viết.

Song Vũ là bút hiệu của cựu Trung Tá Ngô Văn Xuân, tốt nghiệp Khóa 17 Võ Bị QGVN. Trong suốt 13 năm binh nghiệp, ông đều ở các đơn vị tác chiến, và liên tục trải qua hầu hết các chức vu chỉ huy từ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, ngoại trừ những thời gian theo học các khóa tham mưu, dưỡng thương và gần một năm giữ chức vụ Trưởng Phòng 3 (Hành Quân) Sư Đoàn. Trước tháng 4/1975, ông là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44/ SĐ23BB, đơn vị ưu tú đã tạo nhiều chiến tích lẫy lừng, góp phần giữ vững được Kontum -Tây Nguyên trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Ngoài khả năng lãnh đạo chỉ huy, đảm lược, ông còn nổi tiếng là một vị chỉ huy trẻ đạo đức, thanh liêm, bình dị, luôn được tất cả mọi thuộc cấp thương yêu, kính phục. Ông sống chết cùng đơn vị cho tới giờ phút cuối cùng. Sau khi miền Nam thất thủ, bị giam cầm trong nhà tù CS trên 13 năm, ông sống còn qua nhiều cơn bệnh thập tử nhất sinh, nhờ vào tình thương yêu của bạn tù và ông tin có sự nhiệm mầu nào đó.
Qua tập bút ký dày 510 trang, người đọc sẽ nhìn thấy rõ hơn con người và cả tâm hồn, cũng như lòng trắc ẩn của tác giả.
 
Mở đầu cuốn sách, tác giả đã mượn lời của Erich Maria Remarque, lời tựa trong tác phẩm All Quiet On The Western Front ( Mặt Trận Miền Tây Yên Tĩnh) để nói lên suy nghĩ và mục đích khi khai sinh tác phẩm của minh:“Cuốn sách này không phải là sự buộc tội, cũng không phải là sự thú tội, lại càng không phải là một cuộc phiêu lưu; bởi vì những ai đã từng đối mặt với cái chết thì chẳng ai phiêu lưu đi tìm nó cả. Cuốn sách chỉ đơn giản là nói về một thế hệ những con người, cho dù đã thoát ra khỏi lằn tên mũi đạn, cũng đã bị hủy diệt mất rồi.”

Và trong “Lời Thưa” thay cho lời tựa, tác giả cũng “thưa” thêm:

Tuổi đời chồng chất, sức khỏe và những hăng say của tuổi thanh xuân ngày càng nguội dần. Tôi thấy cuộc sống mình hụt hẫng hoang mang. Mỗi năm lại vắng thêm đồng đội và rồi một ngày nào đó, cũng sẽ tới lượt chính mình. Điều tự nhiên đó, thực chất chẳng phải là nỗi ưu tư bởi vì đó là quy luật. Nhưng điều làm tôi suy ngẫm là ý nghĩa về cuộc đời của chính mình, thế hệ của chúng tôi, qua những việc đã làm, những đau thương đã trải, thực sự là gì? Hoặc chẳng là gì hết ?
Những băn khoăn đó là cảm hứng cho tôi viết tiếp một số bút ký tiếp theo có mặt trong cuốn sách này. Dĩ nhiên đây vẫn chỉ là những cảm nhận của riêng tôi và việc viết ra là mong muốn chia sẻ biết đâu chẳng là một việc hữu ích cho những thế hệ tiếp nối?

Ngoài “Lời Thưa” và “Lời Cảm Tạ” ở các trang đầu và cuối sách, tập bút ký gồm 21 bài viết. Mỗi bài là những mảnh đời của tác giả ghép lại, lồng trong các đơn vị tác giả đã từng phục vụ, trong các trận chiến mà ông đã từng chỉ huy, tham dự. Tâm hồn của ông chan hòa trong tình đồng đội và số phận thăng trầm cùa quê hương đất nước. Ở đó, gần như trong bất cứ trang sách nào, người đọc cũng sẽ thấy phảng phát hình ảnh của những người lính chiến thực thụ, trách nhiệm hiểm nguy và số phận nghiệt ngã của họ cùng với tình huynh đệ mà họ đã dành cho nhau trong suốt cuộc chiến cũng như sau ngày buông súng.

Nếu là người đã từng phục vụ cùng đơn vị hoặc bị giam giữ cùng tù với tác giả, đọc những bài viết của ông, sẽ có cảm giác thời gian như đang quay ngược lại, để được nhìn thấy khuôn mặt, dáng dấp của hầu hết bạn bè, sẽ có cảm xúc từ hãnh diện đến đau đớn xót xa. Mỗi trang, mỗi chữ trong bài viết như thắm đẵm máu, nước mắt và cả nghĩa tình đồng đội, những người còn sống hay đã hy sinh.
Sau những kỷ niệm vui buồn của tác giả từ ngày bước chân vào “Con đường binh nghiệp” rồi ” Vào nơi gió cát” là các bài viết sống động về các trận chiến Kontum mùa hè 1972 và Mặt trận Cao Nguyên tháng 3/75. Ở đây độc giả sẽ đọc được nhiều điều mới lạ, hiểu thêm về nguyên nhân mất Ban Mê Thuột dẫn đến “triệt thoái Cao Nguyên” để cuối cùng mất cả miền Nam.

Song Vũ đã viết về cuộc chiến không chỉ bằng nhãn quan, tâm trạng mà còn bằng máu của một người lính chiến trường thực thụ trong hơn 13 năm binh nghiệp. Sau đó ông còn có 13 năm tù, một lượng thời gian tương đương binh nghiệp. Mười ba năm ấy, là thời gian tác giả có thể gặp gỡ hầu hết bạn bè cùng cấp, những tướng lãnh có trách nhiệm trong nhiều mặt trận cũng như ở các bộ tham mưu đầu não, giúp ông có thêm nhiều dữ kiện chính xác. Thời gian 13 năm ấy cũng đủ để ông suy ngẫm và cho chúng ta những nhận định có giá trị. Vì vậy những phân tích thắng bại, ngoài tính chuyên nghiệp còn bằng những trải nghiệm, hiểu biết thực tiễn và sâu sắc .

Điều đặc biệt là ông không hề qui trách nhiệm cho các lực lượng đồng minh hay một bàn tay ngoại nhân nào, mà trước hết là ở chính chúng ta.
Trong cuối bài dich thuật tiểu phẩm Raid at Entebbe (Cuộc đột kich tại Entebbe) của tác giả Ira Peek, tường thuật lại cuộc đột kích thần kỳ của Lực lượng Do Thái vào phi trường Entebbe /Uganda, vào tối ngày 3 rạng ngày 4/7/1976, giải cứu 103 con tin bị bọn khủng bố PFLP bắt cóc, Song Vũ đã viết :
Qua câu chuyện về chiến công kỳ diệu này, tôi nghĩ đã có thể nhìn thấy nguyên do đó. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, phe thắng trận ít nhất cũng phải có được một yếu tố nổi bật: Một nhóm chỉ đạo chíến lược thật sự tài năng hơn kẻ thù. Từ yếu tố này sẽ mang đến những hệ quả tất nhiên – sự tổng hợp sức mạnh cần thiết để đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi sau cùng. Dân tộc Do Thái có yếu tố ấy còn chúng ta thì không.

Các tướng lãnh, sĩ quan Do Thái sống chết với lính, còn hơn thế nữa, các lãnh tụ chính trị của họ đồng kham cộng khổ với dân, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng tư cho lợi ích chung của đất nước.
Tôi không chia sẻ quan điểm của một số người khác cho rằng, một ngày nào đó khi Do Thái không còn cần thiết cho lợi ích của Hoa Kỳ, họ sẽ bị bỏ rơi, nhưng tôi tin chắc rằng, chính phủ Hoa Kỳ không thể bắt một dân tộc đồng minh diệt vong khi dân tộc ấy có đủ tài trí và khả năng để tự sinh tồn.
Thực tâm tôi không muốn khơi dậy một vết thương chưa lành trong nỗi đau chung của những thế hệ trong trang lứa chúng tôi, một thế hệ đã lãnh đủ mọi tai ách, hy sinh mà không hoàn thành được sứ mạng bảo vệ đất nước, dân tộc mình. Nhưng nếu cứ mãi đổ vấy cho sự thất bại ấy là do sự tráo trở của đồng minh, tự coi mình là một thứ lính đánh thuê thì theo tôi, sự hy sinh của thế hệ chúng tôi trong cuộc chiến vừa qua là một điều rất đáng buồn!”

Tác giả Song Vũ ( khi còn là SVSQ)
 
Là một sĩ quan tốt nghiệp từ quân trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, được đào tạo để “không cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm” như lời dạy của vị Chỉ Huy Trưởng năm nào, tác giả Song Vũ đã làm hết khả năng và tâm huyết, kể cả việc sẵn sàng hy sinh tính mệnh, nhưng cuối cùng đã phải đớn đau xót xa trước số phận của mình và vận nước.
 
Người viết ngưỡng mộ tác giả và rất tâm đắc khi đọc qua tập bút ký Sau Cơn Binh Lữa, nhưng không có đủ khả năng trình bày hết các đặc điểm cùng những phân tích sâu sắc của tác giả và cả cảm xúc của chính mình. Cách tốt nhất, xin mời quí vị tìm đọc để có thể hiểu rõ giá trị của tác phẩm. Đây cũng là một cách chia sẻ và khích lệ dành cho tác giả.

Tháng ba 2014,
Phạm Tín An Ninh

No comments:

Post a Comment