Sunday, November 30, 2014

   Người ta có thể sống tử tế với nhau   .

Ngô Nhân Dụng

Bài trước trong mục này viết về Nguyễn Tuấn, một người Việt Nam 53 tuổi qua đời vì tai nạn xe hơi khi đang ngồi uống cà phê trong quán bánh ngọt ở thành phố Los Angeles. Sau khi bài trên đây lên Người Việt Online, nhiều người đọc đã góp ý kiến với ký giả, với tòa báo hoặc trên facebook của mình. Một độc giả, ký tên Phương Quỳnh, tình nguyện sẽ liên lạc với những người có thẩm quyền để xem có thể đưa tro của Nguyễn Tuấn về một ngôi chùa và làm lễ cầu siêu cho anh hay không. Một độc giả khác hứa sẽ cầu nguyện cho anh ở nhà thờ. Giờ này, chắc Nguyễn Tuấn đã bay về tới Biển Ðông, đi tìm hương linh cha mẹ anh.
Nhiều người đã tìm trên mạng bài báo của David Montero, “Who was Tuan Nguyen?” đăng trên nhật báo Los Angeles Daily News ngày 25 Tháng Mười. Ký giả viết mục này đã có ý đề nghị quý vị nên đọc bài của David Montero trước khi đọc bài Bình Luận trước, để được nghe David kể chuyện theo lối văn của ông ta. Ðể được thưởng thức một bài báo đầy công phu, viết rất khéo, chứa đựng một tấm lòng từ bi rất đáng mến.

Hàng trăm độc giả của nhật báo Los Angeles Daily News cũng viết thư khen ngợi David Montero, sau khi đọc bài “Who was Tuan Nguyen?” Họ đều khen ngợi người viết, và không quên chúc Tuan Nguyen an giấc ngàn thu. Một người ký Green Coffee viết: “Cảm ơn David, đã dành thời giờ vinh danh tưởng niệm người đàn ông này bằng một bài báo rất hay. Xin Tuan Nguyen được an nghỉ, RIP.” Nhiều độc giả coi bài báo là một lời vinh danh người quá cố (to honor this man's memory hoặc a way to honor Mr. Tuan Nguyen).

Một độc ký tên Larry Morgan, đặt câu hỏi: “Tại sao một người nhân từ và có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ngoài đường?” Tại sao anh ta không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Relief) của chính phủ? Có người bạn nào ở khu thương mại đó giúp anh tìm một chỗ ở hay không? Tại sao anh ta không chia phòng với ai cả?” Larry còn nhận xét: “Tấn thảm kịch trong câu chuyện này là một người có giá trị như anh ta (Nguyên Tuân) lại phải sống một cuộc đời đáng lẽ anh không phải sống như thế suốt 30 năm. Tôi không hổ thẹn thú nhận rằng đọc chuyện Tuan Nguyen xong tôi đã khóc. Trong đất nước chúng ta (nước Mỹ), dù chỉ một người phải sống vô gia cư cũng là điều không thể tha thứ được.”

Ký giả David Montero đã trả lời Larry. Ông viết rằng theo ông được nghe thì Nguyễn Tuấn là người không muốn sống bằng tiền trợ cấp của xã hội. Nhiều người đã tìm cách giúp Tuấn, họ là những người nhân từ và có ý thức (kind and conscientious people), nhưng anh thích sống không nhà. Có người đã giúp anh tắm táp sạch sẽ, đưa anh tới một khu nhà dành cho người vô gia cư tạm trú, nhưng mấy tuần sau đó anh lại ra đường sống. Khi nhà hảo tâm hỏi anh tại sao, anh trả lời rằng anh đã quen sống trong khung cảnh đó rồi, có thể đó là nơi duy nhất mà ai cũng tử tế với anh ta (he said that this was where he belonged, maybe this is the only place people were kind to him). Nhiều người vẫn chọn sống không nhà, chứ không phải vì bất đắc dĩ. Ký giả viết mục Bình Luận này biết có một người đàn ông ở Montréal, Canada, là một người có nghề nghiệp và bằng cấp, đã ở với gia đình, một hôm đã từ giã tất cả để ra đường sống, mấy chục năm nay rồi. Anh ta không giấu diếm ai là mình “homeless,” gặp bạn bè cũ vẫn chào hỏi, chuyện trò mà không mặc cảm. Lâu lâu để dành đủ tiền anh còn về Việt Nam chơi.

Trong thư trả lời Larry, David Montero gợi ý: “Tôi nghĩ đây chỉ là câu chuyện bi đát của một người không quên được các thảm kịch mình đã trải qua rồi sau đó không còn muốn trở về với đời sống thực tế nữa.” Một độc giả khác, bạn của Larry Morgan, đồng ý: “Tôi đoán trong chuyến vượt biển cái chết của cha mẹ anh kinh khủng lắm nên anh mới thành một con người khác hẳn chúng ta.” David Montero kết luận: “Chắc chúng ta đều có thể bị rớt xuống như vậy nếu không nhờ ơn sủng thiêng liêng và có những người chung quanh săn sóc cho chúng ta để chúng ta không bị rơi vào hố thẳm.” Một độc giả, ký tên LSK, cảm ơn David đã kể chuyện Nguyễn Tuấn, và cũng cầu nguyện: “Mong mọi người chúng ta hãy tiếp tục mở đôi mắt và trái tim mình với những người sống chung quanh, và cầu nguyện Mr. Nguyen an nghỉ ngàn thu.”

Trong bài trước, ký giả chỉ muốn viết để kể về cuộc đời và cái chết của Nguyễn Tuấn để nhấn mạnh rằng một người như anh, vượt biển khi mới 14 hay 15 tuổi, lớn lên ở một đất nước xa lạ, sống không nhà trong ba chục năm, nhưng vẫn giữ được tư cách đàng hoàng, tử tế, khiến người chung quanh kính trọng. Chúng ta thấy anh đã được hưởng một nền đạo đức từ gia đình, từ cả xã hội Việt Nam trước ngày vượt biên, và anh giữ mãi di sản văn hóa đó. Chúng ta phải hãnh diện truyền thống văn hóa Việt Nam đã đào tạo nên những đứa con như Nguyễn Tuấn.

Khi nói đến việc bảo vệ văn hóa Việt Nam, nhiều người nghĩ đến những chuyện lớn. Nhưng văn hóa một dân tộc được thể hiện ngay trong cuộc sống mỗi ngày, trong cách đối xử giữa người với người. Trong mục này, ký giả đã nhiều lần kể chuyện kinh nghiệm chứng kiến những dân tộc có văn hóa, có đạo lý. Ở Thụy Sĩ, thấy bên lề đường trong một làng có một cái bàn bày bán hoa, với một cái hộp đựng tiền, ai mua bỏ vào, mà không có ai đứng trông coi. Ký giả đã tới làng đó hai lần, cách nhau ba bốn năm, vẫn thấy “gánh hàng hoa” y như vậy. Ở Thành phố Dubuque, tiểu bang Iowa, ký giả cũng tới mua táo, khoai tây và mật ong ở một căn trại nhà nông; tất cả các món bày trên bàn ghi rõ giá cả, với cái hộp đựng tiền, và một cái cân để người mua tự tính tiền lấy. Cũng không thấy ai “coi cửa hàng” cả. Ðúng là những nơi người ta sống có văn hóa, có đạo lý.

Một lần ký giả gặp hai em bán bánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, chừng 12, 13 tuổi. Các em mời, bèn mua vài cái bánh, đem mời bạn bè cùng đi du lịch ăn. Ðang đi, bỗng có người níu áo, ngoảnh lại thì thấy một trong hai em bé đem trả lại số tiền lẻ còn dư. Các em lương thiện, không lấy tiền của người ngoại quốc, dù có lấy cũng không ai biết.

Một người bạn mới kể năm ngoái anh đi Miến Ðiện, Myanmar. Một hôm anh vào khu thương mại lớn, chắc là khu Bogyoke Aung San, ghé ăn cơm trưa rồi đi dạo coi hàng hóa. Anh bỗng thấy một cô hầu bàn chạy tới, kêu lên: “Tìm mãi mới thấy ông! Ông bỏ quên cái này nè!” Té ra anh đã bỏ quên cái điện thoại di động, loại đắt tiền. Chính ký giả này cũng gặp chuyện tương tự ở Myanmar. Một lần tới KyaikhTiyo thăm ngôi tháp xây trên tảng đá mà sách du lịch hay gọi là The Golden Rock, ký giả vào quán ăn trưa, bữa ăn chỉ tốn một ngàn đồng ky át, tương đương với một đô la Mỹ. Vào nhà vệ sinh, đi ra đã thấy mấy người đứng xếp hành chờ. Bước đi được mấy chục bước, lại có một người chạy theo, đưa cho mấy đồng tiền đã đánh rơi. Mấy tờ giấy bạc chỉ đáng có mấy đô la, nhưng đây là một xứ mà còn rất nhiều người dân sống với lợi tức một đô la mỗi ngày. Dân Myanmar quả là một dân tộc lương thiện.

Nhưng ở nước ta cũng không thiếu gì những người sống lương thiện. Ngày 13 Tháng Mười Một năm 2014 vừa rồi, trên chuyến xe từ Hà Nội về huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, anh phụ xe Trần Duy Tư đã thấy có hành khách bỏ quên một bọc tiền lớn đựng trong túi ni lông. Anh đã tìm ra được chủ nhân bọc tiền để trả lại. Số tiền 150 triệu đồng Việt Nam đó là vốn liếng làm ăn của ông khách, đến khi nghe báo mới biết mình đã bỏ quên. Nhân tin trên, báo chí cũng kể lại những chuyện nghĩa hiệp khác. Ngày 7 Tháng Mười Một, một bà đi taxi ở Sài Gòn cũng bỏ quên tiền, 110 triệu đồng, vị khách đi taxi sau đó, một người Nhật Bản, đã báo cho anh tài xế tên Quang biết. Anh Quang đã đem tiền về trụ sở công ty Taxi Vinasun để trả lại cho chủ nhân. Anh tài xế Trần Văn Kiên ở thành phố Phủ Lý cũng thấy một túi tiền khách bỏ quên, anh gọi điện thoại về tổng đài hãng Mai Linh Hà Nam báo tin; lúc đó người khách mới biết.

Người Việt Nam vẫn sống tử tế với nhau, không khác gì người dân Miến Ðiện, Thụy Sĩ hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ðây là điều chúng ta có thể tin tưởng, và nhất định bảo vệ. Hơn 30 năm trước, đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm một bộ phim mang tên Chuyện Tử Tế nổi tiếng, trong phần mở đầu, ông viết: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó đặt lên bàn thờ tổ tiên, hay lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc, có chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn...” Trong một cuộc phòng vấn gần đây, Trần Văn Thủy nói thêm: “Xét cho cùng ‘đường ăn nhẽ ở’ là cái hồn vía, cái cốt cách của cuộc sống... Ngày nay, vì đạo đức xã hội đi xuống nên bây giờ chúng ta thấy những chuyện không tử tế như: bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông, hôi của người gặp nạn trên đường... Tệ hại hơn, bệnh nói dối, bệnh thành tích, tham nhũng, mua quan chức... đã ăn sâu trở thành ung nhọt. Từ đó nảy sinh ra bao nhiêu hệ lụy cho xã hội... Trách nhiệm đầu tiên phải nói đến người quản lý, điều hành xã hội.”
Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, ở Australia, cũng mới viết trên blog của ông: “Tất cả những cái dốt, cái ngu, cái tham, cái ác và cái vô liêm sỉ trong chế độ cũng như trong xã hội Việt Nam hiện nay không phải vì “cái nước mình nó thế.” Trong lịch sử, nước mình không thế...”

Xây dựng hay dựng lại văn hóa dân tộc, chúng ta có thể bắt đầu trong đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể sống tử tế với nhau, đó là một cách trả ơn tổ tiên, bảo vệ truyền thống.

Ai muốn đọc bài viết của ký giả David Monterro về Tuấn Nguyễn xin vào địa chỉ này:
 

Saturday, November 29, 2014


Hình ảnh đã đăng

   Lưu Luyến   .

Ngày nào vang tiếng cười
Bước chân dạo khắp nơi
Ao sen hồng tình thắm
Lòng nhẹ nhàng thảnh thơi

Huế Thương quán ba miền
Khách ra vào thường xuyên
Đậm đà hương vị quê
Mỗi ngày thay đổi món

Về phiá vùng trời xanh
Hưởng không khí trong lành
Êm đềm nhưng sâu lắng
Đẹp như một bức tranh

Tao ngộ rồi chia tay
Còn nhau trong phút nầy
Với bao niềm lưu luyến
Đừng để tình nhạt phai

Sao Linh

Thursday, November 27, 2014

    Lịch Sữ Ngày Lễ Tạ Ơn 



Viết bởi Mục sư Tiến sĩ Christian Phan Phước Lành

Khi những chiếc lá vàng cuối cùng rơi và khí trời càng trở lạnh cũng là lúc cả đất nước Hoa Kỳ đang chuẩn bị bước vào những ngày lễ trọng đại và thiêng liêng. Một trong những ngày lễ quan trọng đó là Lễ Tạ Ơn .

Lễ Tạ Ơn
như đem những người sống trên đất nước Hoa Kỳ trở về với những ngày đầu của tổ tiên họ… Vào ngày 6 tháng 9, 1620, có 102 người, vừa đàn ông, đàn bà, trẻ con cùng một số vật dụng bước lên con tàu Mayflower rời Anh Quốc, vượt đại dương để tiến về Tân-thế-giới. Họ ra đi và mang trong lòng một nỗi khao khát: tìm tự do tôn giáo (seeking religious freedom). Họ được gọi bằng tên mới “Những người hành hương” (Pilgrims). Một vài nhà sử học coi đây là Lễ Tạ Ơn đầu tiên mặc dầu không có tiệc tùng, ăn uống, vui chơi…

Mùa đông đầu tiên quá
lạnh, thật vô cùng khắc nghiệt, đến với họ. Thực phẩm lại thiếu thốn trầm trọng. Tháng 12 năm ấy sáu người qua đời, qua tháng Giêng có tám người, tháng Hai tăng lên 17 người, và 13 người qua đời trong tháng Ba. Những người này đã âm thầm chôn cất những thi hài trong đêm tối vì sợ Thổ Dân (Native Indians) biết được có thể tấn công họ chăng! May mắn thay, không có một xung đột nào đáng kể giữa Người Da Đỏ và Người Hành Hương như họ dự đoán. Trái lại Thổ Dân rất thân thiện và tận tình giúp đỡ những Người Hành Hương trong cuộc sống mới về việc dạy cách trồng tỉa, săn bắn, nấu nướng các thứ hoa quả lạ…

Tháng Tư họ cùng nhau
trồng bắp dưới sự chỉ dẫn của một Người Da Đỏ tên là Squanto. Những luống bắp nầy quyết định sự sống còn của họ trong mùa Đông sắp tới. Họ vui mừng vì mùa Xuân và mùa Hè năm 1621 thật quá tuyệt đẹp! Bắp lên tươi tốt hứa hẹn một vụ mùa no nê như lòng họ mơ ước. Mùa Đông lại về, nhưng bây giờ không còn là một đe dọa nữa. Mùa màng đã gặt hái xong, họ có dư thực phẩm để sống qua những ngày đông giá rét. Cũng không còn sợ lạnh vì đã làm được 11 cái nhà vững chắc đủ chỗ để quây quần sum họp. Họ quyết định tổ chức một Hội Ngày Mùa (Harvest Festival) để tạ ơn Thượng Đế cho họ sống sót qua mùa đông đầu tiên. Đó là lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ. Ngày tháng chính thức của "First Thanksgiving" nầy không được chép lại, chỉ biết đầu tháng 11 năm 1621.

Thực phẩm chính trong Lễ Tạ Ơn nầy gồm: Bắp, bí đỏ, chim, vịt, ngỗng và gà tây.
Họ cũng mời khách là các Thổ Dân. Tù trưởng Massasoit dẫn 90 dũng sĩ đến dự "party" và cũng đem biếu Thống Đốc của nhóm Người Hành Hương lúc bấy giờ là Bradford năm con nai nhân ngày Lễ Tạ Ơn đó. Họ ăn uống vui chơi suốt một tuần lễ.

Lịch sử ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ cũng thăng trầm, trôi nổi theo vận nước
của họ. Các tiểu bang thuộc địa đầu tiên không thống nhất được ý kiến chung về một ngày Lễ Tạ Ơn. Họ giữ ngày lễ tùy ý mà họ cho là thích hợp. Khi cuộc cách mạng giành độc lập từ tay Người Anh thành công họ mới nghĩ đến một Lễ Tạ Ơn chung cho 13 tiểu bang. Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington, kêu gọi dân chúng giữ ngày thứ năm 26 tháng 11 năm 1789 làm ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên cho toàn quốc (First National Thanksgiving). Nhưng sau đó lễ tạ ơn cũng không được mọi người công nhận theo một ngày tháng nhất định. Dầu vậy, càng ngày càng có nhiều người đưa ra ý kiến nên có một ngày nhất định, đưa lễ Tạ Ơn thành quốc lễ (National Holiday) và đưa quyền quyết định cho chính phủ Liên-Bang.

Một trong những người có công trong việc thúc đẩy việc thành hình ngày Lễ Tạ Ơn
là bà Sarah Josepha Hale. Vào năm 1837 bà Sarah trở thành chủ bút của một tạp chí phụ nữ nổi tiếng có tên "Godey's Lady's Book". Bà đã viết hàng trăm thư gởi đến các nghị sĩ Quốc Hội và những người có thế lực lúc bấy giờ hầu vận động đưa ngày Thanksgiving vào quốc lễ. Trong thời kỳ nội chiến (Civil War) năm 1861, bà viết một tâm thư kêu gọi hai phe buông súng một ngày để giữ Lễ Tạ Ơn, nhưng không phe nào chịu nghe cả. Bà thất vọng!

Mãi đến năm 1863, Tổng
thống Abraham Lincoln nhận thấy chiến tranh đã đến hồi kết thúc nên chỉ định ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn cho toàn quốc. Chẳng may ông bị ám sát, Andrew Johnson lên làm Tổng Thống, tiếp tục truyền thống cũ, nhưng đổi lại ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm Lễ Tạ Ơn. Rồi trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến 1941, Tổng Thống Franklin Roosevelt chỉ định ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba trong tháng 11 làm lễ Tạ Ơn thay vì thứ năm trong của tuần lễ thứ 4. Nhưng lần nầy Roosevelt bị các thương gia và các đảng viên Đảng Cộng Hòa chống đối dữ dội, cho rằng Tổng Thống đã đi ngược lại truyền thống cũ. Hai năm sau Tổng Thống Roosevelt rút lại quyết định và đặt ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn cho toàn quốc mãi cho đến ngày hôm nay.

Lễ Tạ Ơn
là dịp để chúng ta đếm các ơn lành Trời ban. Nhìn lại những ngày tháng tại quê nhà, cuộc hành trình tị nạn đầy gian nan vừa qua và những thành quả mà Người Mỹ Gốc Việt đạt được ngày hôm nay để chúng ta dâng lên Thượng Đế lời Tạ Ơn sâu xa nhất. Tạ ơn Trời vì Ngài đã ban cho ta sự sống, hơi thở, sức khoẻ và bao nhiêu là ân huệ. Chúng ta cũng nên cảm ơn nhau. Cảm ơn thân quyến, bạn bè, những người thân quen và ngay cả những người chưa từng biết về sự chan hòa của họ trong cuộc sống của mỗi chúng ta trong cộng đồng nhân loại.

Kính chúc mọi người, mọi nhà một kỳ Lễ Tạ Ơn tràn đầy ý nghĩa!
   .

Wednesday, November 26, 2014

    Trần Trung Đạo: Cám ơn nước Mỹ   .

Faneuil Hall, Boston 
Faneuil Hall, Boston

Trong cuộc sống đa đoan và nhiều thăng trầm, trắc trở của tôi, biết bao nhiêu kỷ niệm, biến cố đã trôi qua trong đời kể từ ngày tôi bám vào chiếc xe ba bánh, xa ngôi làng Mã Châu, xã Xuyên Châu, Quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thân thuộc.

Những vui, buồn, hy vọng, tuyệt vọng đã đến và đi trong đời sống nhiều đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.

Trong trí nhớ của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh chiếc Boeing của hãng Northeast bay ngược chiều kim đồng hồ đưa chúng tôi từ Manila đến phi trường Chicago vào một ngày cuối tháng 11 năm 1981. Giọng người nữ tiếp viên hàng không êm ái cất lên lời tạm biệt. Tôi không hiểu hết nhưng đại khái biết rằng cô ta vừa chào mừng chúng tôi sắp đặt chân lên đất Mỹ. Tôi tự nhủ, “quãng đời lưu vong thật sự sắp bắt đầu”. Bên ngoài trời đẹp nhưng xa lạ.

Như lời bà hướng dẫn viên người Phi dặn dò trước khi lên máy bay, chúng tôi, tay cầm chặt chiếc túi đựng hồ sơ tỵ nạn có chữ ICM thật lớn, sắp một hàng dài dọc theo hành lang phòng đợi để khỏi bị lạc.

Người đầu tiên ra đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt trẻ đẹp, có lẽ còn là sinh viên và đang làm việc cho cơ quan thiện nguyện. Một ông Mỹ già đẩy đến cho cô ta một thùng áo quần và lặng lẽ bỏ đi. Theo lịch trình đã được ấn định trước, tại Chicago chúng tôi sẽ được cấp phát áo ấm mùa đông trước khi chuyển máy bay về địa điểm định cư cuối cùng trong hành trình tỵ nạn. Trạm cuối của tôi là Boston.Tôi biết và kính trọng thành phố Boston văn hóa lịch sử, qua nhiều môn học, nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ là nơi tôi gửi gắm phần đời còn lại của mình.

Người con gái đẹp mà tôi không dám hỏi tên, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tất cả đều cùng một cỡ như nhau. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc áo ấm dày cộm rộng thùng thình hoàn toàn tương phản với bầu trời nắng chang chang bên ngoài.

Hiểu ý, với giọng Huế nhẹ nhàng, người đẹp dạy cho chúng tôi, những lưu dân đến từ vùng nhiệt đới, bài học đầu tiên về thời tiết nước Mỹ: “Ngó vậy mà không phải vậy đâu. Trời gạt mấy anh đấy. Ra ngoài không áo ấm vài phút là chết cóng”. Ngừng một chút, nàng cười tinh nghịch: “Ai không tin bước ra thử thì biết”. Nghe cô ta nói vui vui, tôi cũng định đáp lại bằng vài lời tán tỉnh nhưng chợt nhớ ra đây không phải là quán cà-phê trên đường Duy Tân cây dài bóng mát mà là thân phận hẩm hiu của một người tỵ nạn chân vừa chạm đất quê người, nên đành im lặng.

Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông dài rét buốt.

Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ, không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ.

Người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa. Tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách.

Tôi thường gọi đất Mỹ nầy là đất tạm dung, trạm dừng chân của tôi và hàng triệu đồng bào tôi, trên quãng đường dài lưu lạc. Tôi trả thuế cho nước Mỹ căn cứ vào những lợi tức mà tôi thu nhập được. Đó không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng theo kiểu “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã đóng góp được gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country) của cố TT Kennedy. Nước Mỹ không phải là “country” của tôi. Tôi trả thuế nhưng đó không thể gọi là đóng góp. Đóng góp hàm ý nghĩa thiêng liêng, tự nguyện trong lúc trả thuế là một điều luật pháp bắt buộc tôi phải làm nhằm trang trải cho các khoản chi dùng công cộng.

Ngày tôi đưa tay tuyên thệ làm một người Mỹ vừa được công dân hóa sau năm năm thường trú, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui, tủi thẹn nhiều hơn tự hào. Một tên Mỹ da vàng không quê hương, không tổ quốc, ngơ ngơ ngác ngác giữa quê người, có gì đáng để mừng vui.

Viên thư ký sở nhập tịch hỏi tôi theo thủ tục có muốn thay cái tên cúng cơm của tôi bằng tên Mỹ. Tôi lắc đầu. Nhiều người đã chọn đổi tên. Một số người làm như thế chỉ để dễ kiếm công ăn việc làm nhưng cũng một số khác để chứng tỏ mình biết hội nhập vào đời sống Mỹ. Việt Nam, với nhóm người sau, đã đồng nghĩa với một thời quá vãng.

Tự  do, vâng, tôi may mắn tìm được tự do nhưng đó chỉ  là tự  do cho chính bản thân mình. Ngồi trên thềm tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau giờ tuyên thệ tôi làm bốn câu thơ lục bát để kỷ niệm ngày thành công dân Mỹ:

Mặt mày hớn hở vui tươi
Sao lòng nghe thẹn làm người tự do

Của nầy là của trời cho

Của ta đánh mất không lo đi tìm.

Năm 1999, vợ chồng tôi quyết định dời sang một tiểu bang khác nếu công ăn việc làm thuận tiện hơn. Tôi được một công ty chuyên về Internet ở miền Tây Nam phỏng vấn bằng điện thoại. Kết quả rất khả quan. Họ hứa hẹn rất nhiều, từ việc giúp chúng tôi di chuyển cho đến việc tạm cư trong thời gian đầu. Quyết định rời khỏi tiểu bang Massachusetts, về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, là một quyết định lớn của gia đình tôi. Sau này tôi không rời tiểu bang mà chỉ dời sang thành phố khác cũng thuộc Massachusetts. Dù sao chúng tôi cũng quyết định bán căn nhà ở Dorchester cho một người quen. 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên tôi khám phá ra rằng nước Mỹ với tôi không phải là đất tạm dung. Cảm giác đêm cuối cùng, cách đây gần 20 năm khi tôi xa Sài Gòn, đã trở lại với tôi lần nữa. Tôi sắp sửa rời xa một căn nhà, một nơi chốn thân thương. Căn nhà trên đường Thornley Street là nhà của tôi, Dorchester là thôn xóm của tôi và Boston là thành phố của tôi. Nước Mỹ đã cho tôi nhiều hơn tôi trả lại cho nước Mỹ.

Ân huệ mà đất nước nầy đã cho tôi không phải chỉ là tự do nhưng còn là cơ hội và hy vọng, những điều tôi đã không tìm thấy trên quê hương ruột thịt của mình. Hy vọng không phải là giấc mơ huyền ảo mà là một điều có thực và là chất sống cần thiết để nuôi dưỡng một con người phải không ngừng tranh đấu để sống còn như tôi. Nước Mỹ gắn bó với cuộc đời tôi nhiều hơn tôi gắn bó với nước Mỹ.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên, tôi nghĩ về đất nước đã cưu mang tôi trong suốt gần 20 năm nhiều thay đổi của đời tôi với một tấm lòng biết ơn và trân trọng chân thành.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi nằm nhớ lại bàn tay người lính hải quân Mỹ của chiến hạm USS White Plains vói xuống để nhấc thân hình ốm o, đói khát của tôi lên khỏi chiếc cầu dây đong đưa bên thành tàu.  Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương.

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi mới sực nhớ ra rằng, tôi chưa bao giờ nói một tiếng cảm ơn những thủy thủ đã cứu vớt tôi trong đêm hãi hùng trên biển Đông năm ấy. Lẽ ra, ít nhất mỗi năm một lần, tôi nên gởi một tấm thiệp Giáng Sinh kèm theo lời cảm ơn về địa chỉ của chiến hạm USS White Plains ở bộ Hải Quân Mỹ. Tôi tệ đến nỗi một việc làm đơn giản như thế mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn chưa làm được.

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ tôi nằm ôn lại một khoảng đời 20 năm, từ hai bàn tay trắng đến khi có được một gia đình êm ấm. Nỗ lực của chính tôi không thể nào thành đạt nếu không có những cơ hội đã được mở ra từ xã hội Mỹ. Nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và mọi người đều có quyền có một American Dream.

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi nghĩ về con đường Dorchester mà tôi mỗi ngày mấy bận đi qua. Giống như đường Santa Clara ở San Jose, Bolsa ở Nam California, Colonial ở Orlando, đường Dorchester là xương sống của xóm Dorchester chúng tôi. Bao nhiêu người đã ăn nên làm ra cũng nhờ vào con đường nầy, mặc dù không phải ai cũng biết ơn nó, không phải ai cũng nhớ tới nguồn gốc của chính mình, không phải ai cũng nhớ đến những ngày đầu tiên đi sắp hàng mua từng vỉ cánh gà, từng gói mì ăn liền bằng Food Stamps trong cái rét căm căm của miền Đông Bắc.

Trên con đường đó mỗi buổi sáng tôi đã gặp hàng trăm em bé Việt Nam sắp hàng ở góc đường chờ xe bus đưa đến trường. Những chiếc xe bus màu vàng nối đuôi nhau đưa các em đến tương lai huy hoàng của nước Mỹ. Nói như cựu tổng thống Bill Clinton, các em là chiếc cầu của tương lai hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Các em may mắn quá. May mắn lớn nhất không phải chỉ vì các em được làm công dân của một cường quốc nhưng quan trọng hơn, các em không phải sống trong những ngày cháo rau khoai sắn như hàng triệu đứa trẻ cùng thế hệ các em bên kia bờ trái đất. Các em sẽ không bao giờ hiểu thế nào là “kế hoạch nhỏ”, “trồng cây, trồng người”. Các em sẽ lớn lên, vươn lên trong cuộc đời một cách hiên ngang, không sợ hãi.

Nhà văn Trần Hoài Thư đến Boston nhiều lần và cũng đã yêu mến một cách say mê con đường Dorchester như chính tôi đã và đang yêu mến. Anh Trần Hoài Thư có lần viết về thành phố Boston: “Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hóa Việt Nam. Và một khu Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn bão bùng. Bạn hữu mấy thằng trôi thất tán. Mấy thằng đợi một chuyến đò ngang…Cái mẫu số chung ấy là mẫu số của bất cứ người tị nạn nào trong chúng ta…Cám ơn Boston với những con tim kỳ diệu. Nếu không có những con tim này, tôi nghĩ, chắc chắn sẽ không có Trần Trung Đạo”.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ có một quê hương. Ngoài quê hương Quảng Nam Đà Nẵng ở Việt Nam, tôi còn có một quê hương khác, quê hương Boston trên nước Mỹ này.

Trần Trung Đạo
(viết ngắn lại từ bút ký Hai Gánh Quê Hương)

***************************





Tuesday, November 25, 2014

Có ai biết Nguyễn Tuấn không?
 

Ngô Nhân Dụng

Chắc quý vị không ai biết Nguyễn Tuấn. Anh qua đời khi đang ngồi trong quán bánh ngọt tên là Jolly Donuts nằm ở góc Đại lộ Roscoe và Đường De Soto trong thành phố Los Angeles, nước Mỹ. Một chiếc xe hơi SUV cao và lớn đâm thẳng vào tiệm bánh lúc anh đang uống cà phê, khoảng 10 giờ đêm ngày 4 tháng Mười năm 2014.
 
Khi chết đi, trong túi Nguyễn Tuấn chỉ có mấy tấm vé sổ số cũ, 350 đô la tiền mặt, và một điện thoại di động. Thi hài anh được đưa vào nhà xác thành phố, tạm ghi tên là John Doe No. 278. John Doe là cái tên chung đặt cho những người không biết rõ họ, tên. Giống như lối người Việt gọi những người không rõ họ tên Nguyễn Văn Mỗ. Anh là tên Nguyễn Văn Mỗ thứ 278, trong số mấy trăm di hài vô thừa nhận trong nhà xác Los Angeles, một thành phố dân số gần 10 triệu.

Sở giảo nghiệm (Coroner) chắc đã nhờ cảnh sát hỏi nhân viên làm trong quán cà phê mà đêm nào anh cũng tới, biết người ta gọi anh là “Tuan,” họ “Nguyen.” Vậy chắc tên anh là Nguyễn Tuân hay Nguyễn Tuấn. Nhưng vì anh không mang giấy tờ nào, cũng không thấy thân nhân nào đến nhận diện, cho nên họ vẫn ghi cái tên John Doe No. 278. Dấu tay anh được đưa cho cảnh sát tìm thêm, nhưng họ tìm không thấy trong các hồ sơ lưu trữ. Cả đời anh chưa bao giờ bị bắt vì phạm tội. Có người cho biết tuổi anh, chắc sinh vào năm 1961. Sở Xe tự động (DMV) cho chạy tên Tuan Nguyen 1961 trong máy vi tính, hy vọng tìm ra các chi tiết khác. Máy cho biết có 623 người họ, tên tương tự. Nếu tìm trong hồ sơ của Sở Di trú chính phủ Mỹ, chắc có thể thấy những dấu tay giống của anh; vì khi một di dân vào nước Mỹ thế nào cũng được lấy dấu tay. Nhưng trước đây gần 40 năm chưa có máy vi tính để chứa được nhiều dữ kiện trong hồ sơ các di dân như vậy. Cuối cùng, trước pháp luật, anh chỉ là John Doe No. 278, vô danh.

Thi hài Nguyễn Tuấn đang được giữ trong phòng lạnh của thành phố, với vài trăm người khác. Người ta sẽ lấy mẫu sinh học DNA từ người anh, lưu giữ để sau này cần sẽ dùng. Trong thời gian từ ha đến sáu tháng, nếu không ai đến nhận, anh sẽ được hỏa thiêu, rồi đưa về cất tại nghĩa trang của Quận Los Angeles. Trong vài năm, nếu vẫn chưa ai tìm, tro của anh sẽ được đem chôn. Mỗi năm, vào tháng Mười Hai, thành phố sẽ làm một lễ cầu nguyện cho tất cả những người được chôn chung như anh. Tôi viết bài này để xin báo Người Việt đăng ngày 22 tháng 11 năm 2014, nhân dịp 49 ngày Nguyễn Tuấn. Để xin quý vị cùng cầu nguyện hương linh anh bước vào một cõi bình an vĩnh cửu.
Tôi biết đến Tuan Nguyen nhờ đọc ký giả David Montero, tác giả bài “Who was Tuan Nguyen?” Tuan Nguyen là ai? trên tờ Los Angeles Daily News, số ngày 25 tháng Mười. Anh Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, đã gửi bài ký hay cho tòa soạn cùng học hỏi. Montero đã tìm thêm, biết Tuan Nguyen là một người Việt trong số những thuyền nhân, “boat people” chạy khỏi nước Việt Nam trước đây hơn 30 năm.

Những người đầu tiên Montero phỏng vấn chắc là các nhân viên tiệm bánh, ai cũng nhớ Tuan Nguyen. Họ cho biết mỗi buổi tối anh đều tới quán đúng 9 giờ, trả một đô la mua ly cà phê. Anh cho rất nhiều đường và chỉ quấy sữa bột, không bao giờ dùng sữa lỏng. Anh ngồi ở một cái bàn nhất định, nếu chỗ đó có ai ngồi thì anh chờ tới lúc bàn trống mới vào. Lý do vì cái bàn đó gần chỗ cắm điện để anh “chạc” máy điện thoại di động. Vì cái máy đó mà mỗi đêm anh đến quán cà phê “chạc” điện. Buổi tối anh qua đời, cái máy vẫn còn chạc chưa đầy. Chắc anh chỉ dùng cái cell phone để chơi “games,” các trò chơi điện tử. Trong máy không ghi lại một số điện thoại của người nào. Cũng không thấy số điện thoại nào gọi tới mà không gặp. Anh có rất nhiều bạn trong khu này; nhưng chắc anh không gọi cho ai bao giờ.
 
Tuan Nguyen sống không nhà, một người “homeless.” Mỗi ngày anh đi lượm lon, bán lấy tiền sống. Tối ngủ quanh quẩn trong công viên Canoga Park hay Winnetka Park. Ký giả Montero đã hỏi chuyện bà Lori Huynh, 77 tuổi. Bà biết Tuấn đã 20 năm nay; thân với nhau vì cùng trải qua cảnh vượt biển. Bà Huỳnh đi năm 1980 khi chồng bà còn nằm tù trong trại “cải tạo.” Chiếc thuyền chở 300 người chạy trốn chế độ cộng sản; tới được một hòn đảo ở Indonesia, bà đã sống ở đó sáu tháng. Bà Huỳnh kể lại nhiều cảnh hãi hùng. Năm 1986 bà mua lại một tiệm làm Nails. Thấy một anh da vàng hay đi qua lại, bà làm quen, mời anh ly cà phê. Hai năm sau Tuấn mới thổ lộ, kể rằng cha mẹ anh đã chết hết trên biển; anh là người duy nhất còn sống sót.

Không biết gia đình Nguyễn Tuấn vượt biển năm nào. Năm nay anh 53 tuổi thì chắc lúc đến nước Mỹ anh đã hơn 13 rồi. Tuấn kể với bà Huỳnh rằng cha mẹ anh từng làm việc tại “cơ quan điện nước” ở thành phố Sài Gòn. Gia đình sống trong khu chúng cư, một khu nhà đẹp đẽ thuộc lớp trung lưu, của sở. Anh đã học Trung học Petrus Ký lúc trường chưa bị đổi tên; vậy trước 1975 anh đã hơn 10 tuổi. Anh kể khi đi học anh giỏi toán. Nhiều người cũng nhớ lại trong túi đeo vai của anh lúc nào cũng có một cuốn sách, lâu lâu anh lại ngồi xuống vẽ các đồ biểu hay hình học.
 
Nhà báo Montero cũng gặp Ben Massaband, chủ nhân một tiệm giặt khô trong 32 năm qua, nằm bên cạnh tiệm Nails của bà Huỳnh. Lâu lâu Tuan Nguyen vẫn giúp ông đem thùng rác ra cho xe đổ rác lấy. Ông nói, “Tôi gặp Tuan Nguyen nhiều hơn gặp vợ con.” Cô Kate Leone là chủ nhân một tiệm thẩm mỹ gần đó; cô kể có lần Tuan Nguyen đã giúp cô mà không cho cô biết. Một tối Chủ Nhật cô Kate đóng cửa tiệm mà không vặn khóa. Tiệm nghỉ ngày Thứ Hai, đến sáng Thứ Ba cô tới mới biết mình đã quên. Sau khi kiểm soát khắp chỗ, thấy không mất gì cả, cô vào coi lại trong máy truyền hình tự động. Trong cuộn phim cô nhìn thấy anh Tuan Nguyen đã đứng gác trước cửa tiệm giúp cô cả ngày Thứ Hai; có lúc anh đi khỏi, khi quay về lại kiểm soát xem có ai mở cửa vào tiệm hay không. Cô Maria Avila là thợ hớt tóc, biết Tuan Nguyên rất nhiều, mỗi năm cô cắt tóc cho anh hai lần. Cô kể mỗi lần lại bảo cô cắt cho anh không lấy tiền, nhưng lần nào anh cũng từ chối, nhất định trả đủ 10 đô la. Cô vừa nói vừa khóc: “Tuan Nguyên nghĩ chúng tôi săn sóc anh ấy, nhưng thực ra chính anh đã chăm sóc cho chúng tôi.”

Một người bạn “homeless” của Tuan Nguyên là bà Brooke Carrillo, 42 tuổi. Năm ngoái bà bị mất nhà, vì mất việc rồi không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Mỗi Thứ Năm bà đến nấu nướng giúp nhà thờ, cung cấp bữa ăn cho những người vô gia cư khác. Tuan Nguyên tuần nào cũng tới, lần chót là hai ngày trước khi anh mất. Bà còn nhớ anh thích ăn mì spaghetti kiểu Ý và nước trái cây. Bà biết anh thường ngủ ở công viên Winnetka Park hoặc một chỗ kín đáo trên con đường đó. Bà Carrillo đang sống trong cái xe hơi cũ của mình, trên nóc xe chất đầy đồ, phủ mền kín. Hàng ngày bà cũng đi lượm lon. Bà cần tiền đổ xăng, vì phải di chuyển chiếc xe hơi trong những ngày đường cấm đậu xe. Bà nhớ lại có lần hết tiền mua xăng, Tuan Nguyên cho. Bà cũng khóc, “Anh ta là một người nhân từ, hào hiệp, không bao giờ làm phiền ai cả.”

Bà Huỳnh vượt biển đã bán tiệm Violet Nails từ năm 2007, sau khi quen Nguyễn Tuấn 20 năm. Bà đã giặn dò người chủ mới “phải trông nom cho Tuấn” như một điều kiện khi bán tiệm. Và những người chủ mới vẫn giữ lời; nghe tin anh chết, ai cũng khóc. Họ đem hoa tới đặt tại nơi xẩy ra tai nạn. Cách đây ít lâu, Tuan Nguyên trúng vé số, được 800 đô la. Anh đã đi mua hoa đến tặng tiệm Violet Nails và mua nước hoa tặng các cô nhân viên.

Ký giả David Montero, dưới tựa bài “Who was Tuan Nguyen?” đã viết thêm một dòng tự nhỏ: “Bạn bè kể lại niềm bí ẩn của người vô gia cư chết tai nạn xe hơi ở LA” (Friends unravel mystery of homeless man killed in LA accident).
 
Nhưng nhiều bí ẩn khác trong cuộc đời Nguyễn Tuấn sẽ không bao giờ được kể lại.

Tại sao anh phải sống không nhà suốt mấy chục năm qua, trong khi nhiều thiếu niên cùng tuổi với anh đến tị nạn ở Mỹ một mình, các em đó vẫn sống được, nhiều người đã thành công? Anh đã chứng kiến những thảm cảnh nào trong chuyến vượt biển, lúc 14, 15 tuổi Nguyễn Tuấn chỉ kể chuyện đời mình với bà Huỳnh sau hai năm quen biết, và bà kể lại rất ít chi tiết. Có phải vì anh vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lạ quá khứ hay không? Cái chết của cha mẹ anh, và bao nhiêu người khác trong chuyến đi đã ảnh hưởng tới tâm não anh thế nào? Anh đã trông thấy những gì, nghe những âm thanh nào trên mặt chập trùng gào thét? Nguyễn Tuấn mang theo những niềm bí ẩn đó xuống tuyền đài. Chắc hương hồn anh đã bay ngay lập tức về Biển Đông tìm gặp lại cha mẹ anh. Dân tộc Việt đã vác cây thánh giá trong bao nhiêu năm, hết cuộc chiến tranh lại đến chế độ độc tài tàn ác khiến mấy trăm ngàn người phải chết chìm trên biển cả khi chạy tị nạn. Nguyễn Tuấn vẫn một mình vác cây thánh giá đó bao nhiêu năm, cho đến ngày 4 tháng Mười năm 2014.
 
Nhưng có một điều rõ ràng, minh bạch, không bí ẩn trong cuộc đời Nguyễn Tuấn: Anh qua đời, tất cả những người quen biết anh đều thương tiếc – như David Montero kể. Không một ai nói một kỷ niệm xấu nào. Một người “không bao giờ làm phiền ai cả” như bà Carrillo nói về anh, đã khó kiếm. Nhưng Nguyễn Tuấn còn đáng ngợi khen hơn thế nữa. Anh nhân từ, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người chung quanh. Thấy có thể giúp được ai, là giúp, như một Hướng Đạo sinh tuân theo lời hứa thứ hai. Giúp một người chủ tiệm quên khóa cửa cho tới một người bạn homeless thiếu tiền đổ xăng; và chắc còn bao nhiêu người khác mà ký giả Montero không gặp. Nguyễn Tuấn sống một mình nhưng không cô đơn, vì lúc nào anh cũng nghĩ đến người khác. Anh sống vô gia cư nhưng có cả một gia đình lớn, là những người gặp gỡ hàng ngày, ai cũng quý mến anh. Anh tận tình giúp người mà không muốn nhờ vả ai, không chờ ai đền đáp. Anh giữ tư cách, không nhận người khác bố thí cho mình, dù chỉ là công cắt tóc trị giá 10 đồng. Khi có tiền, 800 đô la là một món tiền lớn đối với anh, anh không hưởng một mình mà đem chia sẻ niềm vui chung với những người tử tế quanh mình.
Nguyễn Tuấn đã theo một quy tắc cư xử mà loài người vẫn dậy nhau mấy ngàn năm nay: Sống đàng hoàng tử tế; người khác sẽ tử tế với mình. Cứ thế, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới gồm những người tử tế.

Một thiếu niên bơ vơ nơi đất khách quê người, không thân thích, không nơi nương tựa; chắc anh đã trả qua những thất bại lớn trong đời nên sống vô gia cư mấy chục năm nay. Nhưng khi qua đời anh vẫn được người khác kính trọng. Anh sống ở Mỹ, nhưng nếu sau khi vượt biển anh có lưu lạc đến xứ Zambia hay Equator thì chắc tư cách đàng hoàng của anh vẫn không thay đổi. Cha mẹ anh đã dậy dỗ thế nào để đứa con giữ được tư cách như thế? Họ đã học hỏi từ đâu mà truyền lại cho anh các đức tính kể trên? Cha mẹ anh chỉ dậy anh theo truyền thống dân Việt. Nền luân lý mấy ngàn năm để lại, cùng nền nếp xã hội trước năm 1975 tạo môi trường đào luyện những con người như Nguyễn Tuấn.
Có ai biết Nguyễn Tuấn không? Chúng ta vẫn có hàng triệu, hàng chục triệu những Nguyễn Tuấn đang được cha mẹ người Việt Nam làm gương và dậy bảo. Để các em sẽ trở thành những con người nhân từ, hào hiệp, sống tư cách đường hoàng như Nguyễn Tuấn. Dù còn ở trong nước hay đang sống khắp bốn phương trời, những Nguyễn Tuấn vẫn mang theo truyền thống luân lý của tổ tiên làm hành trang cho cả cuộc đời.

Nguyễn Tuấn mang trong mình một di sản văn hóa anh đã nhận được từ cha mẹ, ông bà, từ những người cùng sống trong xã hội chung quanh từ lúc anh sinh ra đời. Anh đã sống di sản văn hóa đó suốt cuộc đời một người vô gia cư. Cuộc sống càng gian nan, các đức tính anh thể hiện càng sáng lên rực rỡ.
Đọc xong bài báo của David Montero, nhiều người không cầm được nước mắt. Nhưng không cần ai thương xót Nguyễn Tuấn. Chúng ta có thể còn hãnh diện về Nguyễn Tuấn. Vì mình là một người Việt Nam như anh. Tôi muốn dậy các con tôi tấm gương của anh: Dù gặp cảnh cùng quẫn đến đâu nữa cũng giữ vững vàng tư cách xứng đáng của một người Việt Nam.
   Kỷ Niệm   

Ngẩn ngơ tôi bên bảng phấn
Nhớ em bẽn lẽn xa vời
Áo dài hở làn da ngấn
Hồn tôi lãng đãng chơi vơi

Áo em đẹp bài thơ trắng
Bài thơ vương mực tím than
Gửi tôi gửi vào xa vắng
Ý dài tâm sự ngổn ngang

Thương em một thời áo trắng
Nhớ tôi một thủa thương người
Sân trường nhìn từ chỗ vắng
Áo em ngập trắng hồn tôi

Nhớ chân em đầy luống cuống
Nhớ tôi không dám cười em
Trên bàn hồn tôi nhìn xuống
Hàng trăm đóa mắt êm đềm

Tung tăng em vui đường vắng
Áo người thơ thẩn đường quê
Trên cao trời mừng mây trắng
Mắt tôi lặng dõi em về

Đừng quên áo dài em nhé
Cho tôi giữ vẹn câu thề
Ghé em thì thầm khe khẽ
Áo em trắng quá tôi mê

BT
 
********************
 
   Thương Ngày Cũ   

Dặn chị cùng em mặc áo dài
Khi trời hơi thoảng gió heo may
Ánh vàng tha thướt vương chân chị
Tâm sự vơi đầy theo lá bay

Chị mới may thêm chiếc áo dài
Mặc vừa xinh xắn mới khoe ai
Lại thương ngày ấy hoa trên áo
Tím cả muà xuân chị nhớ hoài

Em theo chân chị vui làm thơ
Thấp thỏm như xưa đứng ngóng chờ
Tan trường nhẹ bước em cùng chị
Vần theo xóm nhỏ nhạc như mơ

Áo đã bao năm chẳng nhạt mầu
Xa nhà chị nhớ thức đêm thâu
Thương về manh áo nghèo quê cũ
Tà đã tơi theo mảnh vải nhầu

BT
 
 

   Nhớ Sài Gòn   .

Sài Gòn nắng sáng chiều mưa
Con đường đi học đón đưa đợi chờ
Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ
Hốn nhiên áo trắng ngây thơ thuở nào


Sài Gòn vạt nắng lao xao
Tháng năm hoa nở ngạt ngào sắc hương
Sài Gòn nỗi nhớ niềm thương
Biết bao kỷ niệm vấn vương vui buồn


Sài Gòn hoa lệ một thời
Còn trong ký ức một đời không quên

   
Sao Linh

***************
 

Nắng Mưa

Sài Gòn sáng nắng chiều mưa
Cali cũng thế
nắng trưa mưa chiều
Lòng người
viễn xứ đìu hiu
Niềm thương nỗi nhớ
chắt chiu trong lòng


Sao Linh

Monday, November 24, 2014

Khi bạn qua tuổi 60 hay hưởng thụ những gì mình yêu thích
 
 .bạn không còn nhiều thời gian ở phía trước nữa ,và bạn cũng không thể mang đi những gì bạn đã có được ,sẽ là vô ích nếu bạn vẫn bận tâm đến kiếm tiền và dành dụm.
 
Bởi thế ,bạn hãy chi tiêu những đồng tiền mà bạn đã cất giữ để đi du lịch ,mua sắm thứ bạn thích và cho đi những gì bạn có thể và đừng quan tâm đến nhận lại.
 
Đừng nghĩ là phải để lại tất cả những gì bạn đã kiếm được cho các con cháu ,chẳng phải thế sao ? vì bạn không hề muốn chuyển giao lại cho những kẻ sống ký sinh ,những người đang nóng lòng chờ đợi ngày chết của bạn .
 
Bạn cũng không cần lo lắng về những điều sẽ xảy ra cho các con bạn, hay việc bạn sẽ bị đánh giá thế nào ,bởi vì khi chúng ta trở về với cát bụi rồi thì ta không còn nghe thấy bất kỳ lời khen hay tiếng chê nào nữa.Thời gian mà các bạn sống vui vẻ trên đời ,thời gian để tìm kiếm của cải bằng biết bao gian khó sẽ chấm dứt .
 
Bạn đừng lo lắng nhiều đến mối quan hệ với con cái ,bởi lẽ chúng có số phận riêng của chúng,và chúng sẽ tìm được ,chắc chắn là như vậy ,con đường của chúng trong cuộc đời .
Chớ làm nô lệ cho con cái bạn .Hãy giữ quan hệ với chúng ,yêu thương chúng và giúp đỡ chúng khi chúng cần, nhưng đồng thời hãy bằng lòng với số của cải bạn đã dành dụm cho chúng .
Cuộc sống dài hơn cuộc đời lao động. Hãy nghĩ đến việc nghỉ hưu sớn nhất khi bạn có thể và bằng lòng với cuộc sống .
 
kỳ vọng quá nhiều vào con cái bạn .Đa phần ,chúng đều yêu quý cha mẹ ,nhưng chúng quá bận với công việc và những ràng buộc khác mà chúng cần quan tâm nhiều hơn .
có những đưa con bất cẩn ,chúng có thể cãi nhau về của cải của bạn ngay cả lúc bạn đang còn sống và có thể là chúng muốn bạn chết sớm hơn để thừa hưởng nhà cửa và của cải của bạn .
Nói chung ,con cái đều cho rằng chúng đương nhiên được thừa hưởng tất cả những gì bạn đang sở hữu trong khi bạn chẳng có quyền gì với tiền bạc của chúng .
 
Vì thế ,sau tuổi 50-60 bạn không cần phí sức, không cần phải hao tổn thêm sức khỏe để đổi lấy số của cải nhiều hơn mà phải làm việc đến lúc xuống mồ .Rất có thể là tiền bạc của bạn chẳng có chút giá trị nào trước mặt thần chết .
Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền ? Bao nhiêu thì đủ ? Một trăm ngàn ? Một triệu ? Mười triệu ? 
 
Từ hàng ngàn hecta ruộng đất bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì mỗi ngày ; từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông cho bạn : một chỗ ngủ ,một chỗ nghỉ ngơi ,một chỗ tắm và một chỗ làm bếp .Với chừng ấy thời gian mà bạn cần một chỗ ở ,một số tiền để ăn ,để mặc và một số vật dụng cần thiết khác …thế là bạn đã sống tốt rồi .Chỉ cần sống vui vẻ hạnh phúc là được.
 
Gia đình nào cũng có vấn đề ,bất luận là ở chế độ xã hội nào. Bạn đừng so sánh với người khác về phương diện tài chính, Đừng quan tâm đến việc ai có nhiều của cải hơn ,hoặc con cái ai thành đạt hơn về vật chất ,mà hãy đi chơi nhiều hơn , đến các bar ,kể cả đi du lịch nước ngoài .
Hãy nhanh chóng đặt lên bàn cân để so sánh xem ai có nhiều thời gian rỗi hơn ,ai hạnh phúc hơn ,ai khỏe mạnh và sống lâu hơn .
 
Đừng bận tâm đến những điều mà bạn không thể thay đổi .Nó chẳng giúp gì cho bạn ,mà trạng thái tinh thần không tốt còn đẫn đến bệnh tật .Hãy tạo cho mình một trạng thái thường xuyên ổn định ,và hãy xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc .
Với chừng ấy thời gian bạn sống khỏe mạnh và vui vẻ ,bạn hãy lên cho mình một kế hoạch ,rồi nóng lòng chờ đợi những ngày tiếp theo .
 
Một ngày sống mà không có phút giây nào vui vẻ là một ngày mất đi . Một ngày có dù chỉ một giây phút vui vẻ là một ngày được lợi .Một tâm hồn lạc quan thì chữa khỏi bệnh tật nhanh chóng. Nhưng một tâm hồn hạnh phúc thì không có căn bệnh nào phải chữa ,bởi nó không quen biết bệnh tật …
Hãy giữ cho bạn một trạng thái tinh thần tốt ;hãy di chuyển ,ra ngoài thường xuyên ,đi dưới nắng mặt trời ,ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất ,và hãy vượt qua mọi trở ngại để sống thêm 30-40 năm với thể lực và sức khỏe dồi dào .
 
Hãy bằng lòng với những gì bạn đang có và những gì có ở xung quanh bạn .
 
Và đừng quên bạn bè .Họ chính là sự giàu có của cuộc đời bạn. Hãy giữ mối quan hệ bạn bè lâu dài ,hãy tôn trọng một số nguyên tắc cơ bản : chịu khó nghe và đừng ngắt lời ; hãy nói chuyện chứ đừng nhạo báng ; hãy cho đi mà không bận tâm đến nhận lại ; hãy trả lời câu hỏi chứ đừng phản đối ; hãy tha thứ chứ đừng trách cứ , và đã hứa thì không được quên .
 
Như thế bạn sẽ không bao giờ cô đơn .
 
Chúc bạn có một cuộc sống dài lâu và đầy đủ !
Cao văn Kỳ dịch

Sunday, November 23, 2014

  


Mùi Hoa Phượng   .


Còn nhớ không em chút mùi hoa Phượng
Vẫn còn hoài trong sân vắng ngày xưa
Nắng lung linh nhưng nắng chỉ đến vừa
Môi em thắm hôn cành hoa không vướng

 

Gió nhẹ thổi hoa cho mùi thoang thoảng
Hương dịu êm ngòn ngọt đến môi em
Chắc nụ hôn ngon lắm để anh xem
Mà thôi nhé sợ có người choáng váng

 

Em nhớ không Phượng mang mùi nhơ nhớ
Tuy không thơm nhưng thấm mãi vào hồn
Bao đổi thay vẫn thoảng lúc hoàng hôn
Nắng đi mất nhớ thương người dạo đó

 

Nhớ nụ hôn xưa không biết có vừa
Tình sân vắng ngập ngừng chưa dám ngỏ
Em về đâu Phượng buồn xo nằm đó
Hương bay rồi có nhớ lúc xa xưa

 

Tsl

Nhớ Muì Hoa Phượng

Em vẫn còn nhớ mùi hoa phượng vỹ
Không thơm nồng như hoa lý hoa lan
Nhưng ngất ngây như hoa lúc chiều tàn
Còn sót lại trong sân trường ngày ấy

Em vẫn nhớ con đường tinh chung lối
Tan trường về cùng sánh bước bên nhau
Ngắm phượng rơi lòng xao xuyến dạt dào
Tim thổn thức khi ve sầu trổi khúc

Em vẫn còn nhớ mùi hoa phượng vỹ
Hương nhẹ nhàng như gió thoảng qua nhanh
Như cánh hoa phút chốc đã lìa cành
Rồi lặng lẽ phơi mình trong nắng hạ

Em vẫn nhớ kỷ niệm đầu gặp gỡ
Dẫu nhạt nhoà vì lớp buị thời gian
Dẫu mai đây hương sắc có phai tàn
Mùi phượng vỹ dư âm còn nhớ mãi

Sao Linh


   Bình Yên   .

Một đêm dài thao thức
Trăn trở bởi vì đâu
Hồn lạc lõng phương nào
Giấc ngủ thôi chìm sâu

Bóng đêm đã dần tàn
Ngoài trời không trăng sao
Chỉ riêng ta một bóng
Ngồi đếm thời gian trôi
Buồn vẫn mãi triền miên
Sao buông được lụy phiền
Giọt sầu còn chất đọng
Đến bao giờ bình yên


Sao Linh

Friday, November 21, 2014



Click here to enlarge

Thì Thôi

Dù biết chắc vẫn cho là ảo tưởng
Rứa mà sao vẫn cứ mãi kiếm tìm
Để những khi hồn chợt say ngất ngưởng
Thả thơ vào khua gõ nhịp đập tim

Thì thôi nhé chuyện tình xưa đành lỡ
Chẳng dìu nhau đi hết đoạn đường đời
Gặp gỡ nhau vẫn là không duyên nợ
Hai phương trời ôm mảnh vỡ sầu rơi

Thì thôi nhé huyền thoại tình đã lỡ
Không nợ nhau hai đường thẳng không cùng
Song song mãi đôi bờ luôn cách trở
Ở hai đầu hai nỗi nhớ buồn thương

Em bên ta áo dài bay trên phố
Mắt long lanh điểm nhẹ má phấn hồng
Ta kiêu hùng mà sao vướng buồn khổ
Còn thương em ray rứt vết thương lòng

Hôm nay lại ôn chuyện tình ôi đẹp
Là sợi tơ hay tóc đã phai mầu
Đêm nhắn gió gởi nụ hôn dần khép
Cho êm đềm môi mắt những niềm đau

Hoài thương mãi thời gian không ngừng lại
Để cho ta nhớ lại những ước thề
Tình em đó trong ta là đẹp mãi
Mà cam đành lỗi hẹn mộng phu thê

Thì thôi nhé em ơi đừng lần lựa
Dây tơ chùng rối mãi những nợ duyên
Thì thôi nhé để vấn vương vụn rữa
Tiếc mà chi ai phụ bạc thêm phiền
 
HT
5/13/14
 
Thì Thôi Nhé!

Thì thôi nhé cứ cho là ảo tưởng
Để thôi buồn thôi nhung nhớ từng đêm
Cho ước mơ như giâc mộng êm đềm
Khi tỉnh giấc ngỡ ngàng cơn huyền thoại

Thì thôi nhé tình muộn màng ngây dại
Không nợ duyên nên lỡ một chuyến đò
Chiếc lá rơi cuốn bay theo chiều gío
Tím mảnh đời nhuộm kín bóng chiều trôi

Thì thôi nhé đường đời chia hai lối
Tiếng thở dài giọt lệ măn bờ môi
Giấu niềm đau lời chia tay rất vội
Lạnh sầu riêng đếm năm tháng đợi chờ

Thì thôi nhé nhịp tim đừng trăn trở
Lỡ kiếp nầy xin hẹn lại kiếp sau
Đừng đắng cay cho tan nát lòng nhau
Đừng than thở cho tình êm đẹp mãi

Sao Linh
    Những vần thơ kỷ niệm   .

Kỷ niệm ngày xưa


Tôi đã gặp em một sớm mai
Ngày nào năm ấy gió thu bay
Bếp hồng nồng ấm môi em thắm
Ta đã có nhau những tháng ngày

Phố nhỏ ngày xưa ngập bước chân
Em đên bên tôi chẳng ngại ngần
Liêng thoắng liú lo như chim sáo
Em đó tôi đây bỗng thấy gần

Không hiểu vì sao luôn vấn vương
Bồi hồi khi thấy quán bên đường
Tiếng ai thánh thót nghe đâu đó
Thấp thoáng từ xa bóng mến thương

Kỳ niệm ngày xưa đẹp như thơ
Người đi bến cũ vẫn mong chờ
Gặp gỡ làm chi rồi ly biệt
Để lại mình tôi với ước mơ…

Sao linh


Vệt nắng ngoài sân sương mới tan
Chiều nao trong gió khóm hoa vàng
Bếp xưa tình ấm nồng em đến
Vội vã tình ai bay đến nhanh
 

Phố cũ rộn vang chim Yến Oanh
Dăm ba con én liệng trên cành
Mùa xuân chợt đến đời tươi nở
Thi quán dựng nhanh trong nắng hanh

Tự hỏi lòng ta sao vấn vương
Mỗi khi chuông Khánh rộn bên đường
Ngân vang lảnh lót Mây phiêu lãng
Hoà tím trời xưa chút nhớ thương

Ngày xưa kỷ niệm đẹp như tờ
Thanh tâm giấy trắng tựa như mơ
Góp gom ngày tháng xưa thành cổ
Kết một giải tơ tình thật thơ


.

Thursday, November 20, 2014

Ý Nghĩa Cuộc Đời    
   Sống ngày nào, vui ngày nấy ! Đó là giải thoát !

1-Thời gian : Vô Thường

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới Qua một ngày vui một ngày.sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày mất một ngày.
Vui một ngày lãi một ngày.

2-Hạnh phúc : Vô Thường

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

 3-Tiền : Vô Thường

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó (Khó lắm !?!?)

4- Đời sống : Vô Thường

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

5-Thế Gian : Vô Thường

-Tiền bạc là của con ( không chắc lắm) Tài sản có thể bị mất vì các nguyên nhân:1-Thiên tai, 2-Hỏa hoạn, 3-Pháp lênh của vua hay chính quyền tich thu, quốc hửu hóa, 4-Trộm cướp, 5-Con cái )
- Địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
-Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
-Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
-Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
-Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
 -Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
 -Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.
-Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm.

 Chân lý của Đạo, thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già. 

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống…).
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh).
Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh… Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.

Sống ngày nào, vui ngày nấy ! Đó là giải thoát !

 (sưu tầm)