Monday, June 5, 2017

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TÔI GẶP TRÊN CẦU.

Càng về xa thì sông càng rộng. Ðến đường chân trời thì mở ra bát ngát như một cái hồ. Chỗ hẹp nhất có một cây cầu lớn. Xe cộ tấp nập ngày và đêm, nhưng cứ đến khoảng gần tối, khi dãy đèn hai bên thành cầu vừa bật sáng thì cầu vắng hoe, họa hoằn mới có vài chiếc xe qua. Vào giờ này gió nhiều, gió xa về ngùn ngụt. Tôi hay đi dạo trên cầu vào lúc này. Ði để nghĩ vớ vẩn, hay là không nghĩ gì .
Hôm ấy, chạng vạng tối, tôi đứng vịn thành cầu nhìn dòng nước phản chiếu ánh đèn mầu phố xá hai bên bờ. Một người đàn bà đi ngược chiều, dừng lại sau tôi, tiếng gọi khẽ:

– Anh … 

Tôi quay lại. Người đàn bà ngập ngừng rồi nói rất nhanh, như thể nếu nói chậm sẽ không còn can đảm để nói:
– Mình đi chơi đi anh. Tiền phòng một giờ năm chục, còn anh muốn cho em bao nhiêu tùy anh...

Tiếng nói yếu đuối, mệt nhọc, lẫn với hơi thở. Không trả lời, tôi quan sát nhanh. Gần 50 tuổi, tóc khô, vài sợi bạc, đôi mắt lớn buồn thảm, nhiều nếp nhăn với quầng thâm u uẩn, miệng nhỏ, sống mũi cao thanh nhã. Một nhan sắc rơi rớt từ dĩ vãng xa lắc lơ.

Tiếng nói vẫn nhanh, yếu và ngượng ngùng:

– Nếu anh không đi thì giúp em chút. Em… khổ quá.

Tôi không biết nói gì, cho tay vào túi sau, móc ra mấy tờ giấy bạc nhàu, vuốt thẳng, thành kính đưa về phía trước bằng cả hai tay. Không hiểu sao tôi lại có thái độ trịnh trọng như thế. Người đàn bà nhận những tờ giấy bạc cũng bằng hai tay cùng với lời cám ơn thì thầm như kinh nguyện. Hai đôi mắt gặp nhau, im lặng. Một thoáng, tôi thấy tôi và người này là hai tín đồ đang cử hành thánh lễ của một tôn giáo quái dị. Tôn giáo phụng thờ Ðau Khổ và Khốn Cùng. Gió bắt đầu lạnh, gió phần phật thổi chiếc áo trắng mỏng ép sát vào thân hình gầy gò người đàn bà với hai gò ngực lép, nhấp nhô. Chào nhau rồi đi, đi về hai phía khác nhau. Một cảm giác nhói đau như là lần từ biệt sau cùng trong đoạn kết của một chuyện tình.
Hôm sau, cũng vào giờ đó, tôi lại đi trên cầu. Ði và nghĩ đến người đàn bà gặp ngày hôm qua. Một chiếc xe gắn máy dừng lại gần chỗ tôi, phía trước. Trên xe bước xuống hai người đàn bà còn trẻ. Quần đùi, áo thun. Một tóc ngắn và một tóc dài. Họ dựng xe, ngồi xuống lề đường. Tóc Ngắn vén tay áo lên bóp bóp chỗ khuỷu tay, Tóc Dài rút trong túi quần ra một vật gì nhỏ, trăng trắng. Tôi đến gần hơn. Ma túy. Thấy tôi nhìn, Tóc Dài quắc mắt:

– Nhìn gì cha nội!

Hình xăm bông huệ tím trên vai và ống tiêm với đầu mũi kim nhỏ như răng rắn độc làm tôi ơn ớn. Không nói gì, tôi đi tiếp. Ði và nhớ đến người đàn bà tôi gặp hôm qua, so sánh với hai người đàn bà tôi gặp hôm nay và cũng lẩn thẩn so sánh với cuộc đời mình. Chẳng khác nhau là mấy. Gió bắt đầu lạnh. Thôi về.
Đêm ấy tôi mơ thấy tôi nằm bên người đàn bà có đôi mắt quầng thâm buồn thảm trong một căn phòng lớn ngập ánh trăng chiếu từ cửa sổ. Đôi mắt vẫn chớp, nước mắt vẫn chảy, nhưng trái tim đã ngưng đập và tấm thân gầy gò đã lạnh ngắt tử thi. Cạnh giường, ả ma túy đứng trần truồng, tóc phủ đầy mặt, đôi mắt trắng dã và trên tay cầm lăm lăm một ống kim tiêm. Từng cơn gió lạnh thổi lộng suốt giấc mơ. 

Ngày hôm sau nữa, khi vừa bước lên cầu vài thước, đầu óc còn váng vất vì giấc mơ đêm qua. Một bà cụ chống gậy lom khom, trước ngực đeo một cái túi vải, chìa ra trước mặt tôi một xấp vé số:

– Ông mua giúp cho vài tờ. Chiều mai xổ.

Tôi không thích mua vé số, nhưng bà cụ này có gương mặt và thân hình hao hao giống mẹ tôi. Cũng thấp bé, giọng Bắc nhỏ nhẹ. Lòng tôi chùng xuống, lấy hai tờ, trả tiền, nhìn bà cụ một thoáng rồi đi. Ði và nghĩ đến mẹ. Ngày ấy, ở một miền đất nắng cháy mưa dầm, đói ăn và sốt rét, mẹ tôi như một con gà mái già xòe đôi cánh xơ xác ôm lấy những đứa con trong những tháng năm khốn khó. Nếu mẹ tôi còn sống, không biết bà có phải sớm khuya lang thang kiếm sống như bà cụ này không. Nhìn vào hai tấm vé số, tôi sững người, dừng lại. Vé số xổ rồi, cách đây hai ngày. Không biết hôm nay bà cụ đã lừa được bao nhiêu người và tôi là người thứ mấy bị lừa. Quay đầu nhìn lại. Từ xa, tôi vẫn thấy bà cụ đang chống gậy lần từng bước lom khom qua đường. Lúc này không gì cần hơn là một tiếng thở dài.

Hôm nay tôi lên cầu đi dạo sớm hơn mọi ngày. Vẫn đi và nghĩ vớ vẩn. Một chiếc xe tang chở những người áo tang khăn tang qua cầu. Xe chạy nhanh, trên xe không có áo quan. Hình như vừa chôn cất xong, về từ nghĩa địa. Có lần tôi đọc ở đâu đó rằng khi tẩm liệm, xác chết được đặt nằm ngửa, ngay ngắn. Nhưng nhiều năm sau, khi cải táng, người ta thấy bộ xương nằm co quắp, nằm nghiêng, trên nắp áo quan có dấu móng tay cào. Có phải là người chết đã sống lại trong áo quan? Và trong phút hồi sinh ghê rợn ấy người chết đã làm gì? Ðưa tay cào nắp áo quan? Phải chăng tôi cũng đã chết, đã chết lâu rồi, và thế giới quanh tôi chính là một cái áo quan? Một phút bằng 60 giây, Thuyết thời gian tương đối gi gì đó cho rằng 60 giây cũng có thể bằng 60 năm? Trong 60 năm hay là 60 giây ấy tôi đã làm gì? Ðắm đuối, đam mê, vắt cạn sức lực để chiến đấu cho những khát vọng này nọ, chẳng qua cũng như là xác chết đưa tay cào nắp áo quan? Lại nghĩ vớ vẩn rồi… không sao, tôi là vậy đấy. Nghĩ tiếp. Và tôi nghĩ đến một đoạn thơ của Chim Hải, cũng là một người đàn bà tôi gặp trên cầu nhưng gặp trong tâm thức khi đang đi dạo:

tôi hoang vu mịch lặng cõi người
tôi mắt ráo nhìn tôi lùi mấy mùa thơ rớt
vắt cạn đam mê đuối / đắm cõi tôi
cào xước hòm đời
........
Tiết tấu chênh vênh, ngôn từ lạ lùng, ý tưởng táo bạo, và tính sáng tạo đã làm cho những câu thơ này trở nên rất kén người đọc, nghĩa là không phải ai cũng có thể đọc, nhưng đã đọc được rồi thì thấm thía tận cõi lòng…Vậy đấy, hết nghĩ chuyện xác chết tỉnh dậy cào xước hòm rồi lại lan man sang chuyện văn chương thi phú. Và tôi còn tiếp tục nghĩ vớ vẩn nữa nếu không nghe thấy tiếng chào:

– Chào ông.

Người đàn bà tay cầm quyển sách nhỏ đứng bên thành cầu tự giới thiệu:

– Tôi là người trong ban truyền giáo hội thánh Tin Lành. Tôi thấy ông vẫn thường đi qua đây vào giờ này. Nhìn dáng đi và nét mặt ông, tôi đoán biết ông có nhiều chuyện buồn.
Tôi nói:
– Dạ.
– Mai Chủ Nhật, vào lúc 5 giờ chiều, mời ông đến chia sẻ với chúng tôi tại nhà thờ, chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Ðấng Cứu Thế, người đã chết rồi và sống lại sẽ nâng đỡ gánh nặng cho ông.

Giọng nói ân cần, hiền hậu. Không hiểu sao, tôi thấy người đứng trước mặt tôi bỗng dưng đẹp lạ kỳ, đẹp xán lạn. Vẻ đẹp của thánh thiện và lòng tin. Vẻ đẹp làm hồn tôi nhẹ lâng như một cánh lông chim bay trong gió. Tôi đang sống trong những trang thần thoại. Thần Linh đã sai người này đến gặp tôi với ơn thiêng cứu chuộc. Nhớ đến một câu hát của Phạm Duy:“Gặp nhau trong vinh dự đời người. Gặp nhau dưới đức tin bao la phơi phới”. Tôi hỏi nhà thờ ở đâu. Nhìn theo ngón tay người đàn bà, tôi thấy ở phía xa bên kia sông một thập giá mờ mờ in hình lên bầu trời một ngày sắp tàn.

Tôi không còn ở thành phố có cây cầu ấy nữa. Nhưng một hôm về ngang ở lại một đêm, đến tối, tôi lại ra cầu đi dạo. Ðêm ấy không ai gọi tôi dừng lại. Tôi đứng nhìn dòng nước, nhớ đến những người đàn bà tôi đã gặp trên chiếc cầu này. Mỗi người đã đi về mỗi phía, sống nốt đời mình. Dòng nước dưới chân cầu vẫn chảy, vẫn phản chiếu ánh đèn mầu phố xá hai bên dòng sông, khi gió lớn, lung linh như thiên đường.
_________________
nguyễn quang tấn. (post lại theo yêu cầu của ng.)

No comments:

Post a Comment