Wednesday, January 4, 2017

"NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU"


Vào những năm của đầu thập kỷ 60, báo chí Sài Gòn xôn xao vụ ly dị của vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương - Khánh Ngọc. Có thể nói rằng sự tan vỡ của một gia đình tiếng tăm thời bấy giờ được dư luận quy cho một cuộc tình vụng trộm giữa ca sĩ Khánh Ngọc với một nhạc sĩ nổi tiếng.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Sau này, đi hát với ban Hợp ca Thăng Long, ông lấy tên Hoài Bắc.
Cụ thân sinh ra nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cụ Phụng sinh được 2 con trai tên là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ sau lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương, còn Phạm Đình Viêm tức ca sĩ Hoài Trung, trong ban hợp ca Thăng Long như đã nói. Người vợ sau tức mẹ ruột Phạm Đình Chương sinh 3 người, gồm trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng vợ nhạc sĩ Phạm Duy; con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Ca sĩ Khánh Ngọc nổi danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, với biệt hiệu “ngọn núi lửa” do sức quyến rũ của cô mang lại. Không những vậy, Khánh Ngọc còn là diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh,… Khán giả ngày hôm nay có thể không biết đến cô, nhưng trong ký ức những khán giả miền nam trước năm 1975, và nhất là những khán giả tuổi 60-70 thì Khánh Ngọc là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn. Khánh Ngọc thường đóng cặp với nam tài tử Lê Quỳnh trong các bộ phim do người Mỹ thực hiện trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
 Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, trước khi đâm đơn ra tòa, Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh Khánh Ngọc ngoại tình, nhưng vì tình yêu sâu đậm, ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những nguồn tin “lá cải” ấy. Và như thế vào một buổi tối định mệnh, Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân "bắt tại trận" cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè - Gia Định.
Trời đất như sụp đổ dưới chân người nhạc sĩ tài hoa, anh gần như đứng không vững, bạn bè dìu quay trở lại nhà, nơi đứa con thơ dại đang ở nhà một mình ngóng chờ ba mẹ về. Tiếng cười, tiếng hát im bặt.
Ngay lập tức sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng của các báo được phát hành và "cháy số", đắt đỏ nhất là tờ "Nhật báo Sài Gòn mới" của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" được tung ra với những hình ảnh rất "thời sự" của các thành viên trong gia đình Phạm Đình Chương.
Cả Sài Gòn gần như biết hết !
Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra phóng sự nhưng "hoạ vô đơn chí" trong cuộc đời này cái gì càng dấu diếm bao nhiêu càng được "bùng nổ" và thêu dệt lên bấy nhiêu. Tan nát !
Không còn cách nào khác Phạm Đình Chương gạt nước mắt đau thương nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 4-5 tuổi.
(Năm 1961, Khánh Ngọc sang Hoa Kỳ để học thêm về ngành điện ảnh và gặp một du học sinh Việt Nam, hai người đã kết hôn và có được ba người con. Hiện Khánh Ngọc sống với gia đình ở Los Angeles.
Nhờ khả năng diễn xuất của mình, Khánh Ngọc trình bày những bản nhạc rất hấp dẫn. Khi hát bản "Cerisier Roses et Pommiers Blances" lời Việt vào câu đầu : "Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây lòng ta...", Khánh Ngọc lim dim mắt thở dài, tay đè lên quả tim. Cô mở mắt liếc khán giả, nở một nụ cười vừa lẳng lơ vừa khả ái làm khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt...).
Sau cơn dư chấn, Phạm Đình Chương sống những ngày im lặng và gần như cắt đứt mọi mối quan hệ xã hội. Ông rời bỏ ngôi nhà lớn trên đường Bà Huyện Thanh Quan, cùng các thành viên còn lại (trừ ca sĩ Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy), dọn về một căn nhà nhỏ trên đường Võ Tánh. Ông chỉ tiếp xúc với một vài bạn hữu. Từ một thần tượng của giới trẻ thời đó, ông không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tắt ngấm nụ cười, kiệm lời, thậm chí cáu gắt. Nhà văn Mai Thảo kể: “Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng. Nhưng số anh em thân vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười…”.
Một đêm mưa tầm tã ở Sài Gòn, tình cờ gặp lại Khánh Ngọc trên một sân khấu Đại Nhạc Hội, ông có nhã ý muốn đưa cô vợ đã li dị về nhà nhưng khốn thay ông bị từ chối. Trong mưa rơi ông lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm một thời sống cùng Khánh Ngọc nhìn qua màn mưa trắng xoá nhớ về những ngày hạnh phúc giờ đang trôi theo dòng nước. Phạm Đình Chương quyết định quyên sinh và giã từ cõi đời này, nơi đã đem đến cho ông quá nhiều nỗi bất hạnh.
May thay tiếng khóc như xé lòng của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Từ đáy tâm thức một lời nhắn nhủ khuyên ông hãy cố gắng sống tiếp quãng đời còn lại để nuôi đứa con thơ dại. Ông bừng tỉnh và từ bỏ ý định tự tử.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, bài Nửa Hồn Thương đau viết xong vào năm 1970, tại phòng trà Đêm Mầu Hồng, đường Tự Do, theo yêu cầu của ông Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, dùng làm nhạc cho bộ phim Chân Trời Tím (đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Ca từ toàn bản nhạc do chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lời, duy hai câu cuối bài phổ từ bài Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền. (Nhạc sĩ Cung Tiến cũng đã phổ bài thơ này thành ca khúc cùng tựa đề.)
Khi nhắc tới Phạm Đình Chương, người ta lại nghĩ ngay đến “Nửa hồn thương đau” bởi trong ca khúc này là sự chung thủy tuyệt vời của một người đàn ông:
“Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời”.
Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà Nửa Hồn Thương Đau lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết: “Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim Chân trời tím, Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho Nửa Hồn Thương Đau không nhiều lắm. Nghĩ thời hạn “nộp bài” còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm mầu hồng’ đòi nợ ! Bảo, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ê kíp quay đã ‘bấm máy’. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi, tối đa, hai ngày ! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó ! May sao, khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi, lại có bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau’, thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và, tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…” (theo trang của thi sĩ Du Tử Lê)
Sau này, khi nhìn lại những sáng tác của giai đoạn “hậu bi kịch”, người ta thấy những nhạc phẩm của Phạm Đình Chương đều không có một ca từ nào là oán trách hay nguyền rủa. Ông bao dung và độ lượng:
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi…”
Cuộc đời của Phạm Đình Chương là muôn trùng câu hỏi ? Có ai trả lời giúp khi điều còn lại của tình yêu chỉ là những giọt nước mắt muộn màng. Ngay cả ca khúc “Người đi qua đời tôi”, ông còn luyến tiếc đến nao lòng:
“…Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người,
Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời.
Người đi qua đời tôi, đường xưa đầy lá úa,
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.
Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em ?”
Tài hoa như thế, bạc tình đến vậy nhưng nhân cách của Phạm Đình Chương còn lớn lao hơn những gì người ta ngợi ca về ông. Cõi người, suy cho cùng, chỉ là phù du như chính “Đêm màu hồng”, nơi Phạm Đình Chương khai sinh Ban Hợp Ca Thăng Long và cũng là nơi kết thúc một cuộc tình. Bởi thế, khi Khánh Ngọc bội bạc, ông vẫn còn đau đáu về một tình yêu đã đi xa…
“…Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau.
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Em ở đâu?
Anh ở đâu?…”
Gần 50 năm trôi qua, trong góc khuất nào đó của cuộc đời, nghe người em gái của ông, ca sĩ Thái Thanh, hát ca khúc này, chúng ta mới thấy được nỗi đớn đau tột cùng của người nhạc sĩ tài hoa, bất hạnh và đầy nhân cách này.
NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
(Thơ Thanh Tâm Tuyền)
Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau.
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Em ở đâu?
Anh ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu.
Nhắm mắt, chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
Đôi khi anh muốn tin.
Đôi khi anh muốn tin.
Ôi những người ôi những người.
Khóc lẻ loi một mình...
* Chúng ta cùng nghe lại ca khúc này qua giọng ca của Y Phương, một giọng ca đã có rất nhiều tiến bộ trong những năm gần đây. (Có dịp sẽ viết bài giới thiệu về sự xuất hiện của Y Phương trong làng ca nhạc và sự tiến bộ rất đáng khích lệ của cô.
( FB Hồng Vũ Lan Nhi )

No comments:

Post a Comment