Sunday, September 18, 2016

Đọc bài này cũng không ngac nhiên:

Hôm trước, một anh bạn học ở Văn Học ghé nhà tặng cho một kỷ yếu, đánh dấu 40 năm anh ta, gia đình và thân hữu ở vùng Virginia, dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam gốc Việt vào mùa hè. Ở Cali, các hội đoàn dạy tiếng Việt cho con cháu người gốc Việt vào cuối tuần, vùng Virginia chỉ dạy vào mùa hè.
Có dạo đồng chí gái kêu chở xuống thăm thằng con đang học ở UCSD thì thấy cuốn sách dạy tiếng Việt của anh bạn soạn, tặng thằng con mấy năm trước khi cả gia đình ghé sang Virginia thăm bạn bè. Lâu lắm rồi, mình có đọc trên báo một bài của anh bạn kể về dạy tiếng Việt, con anh ta lúc đầu học một năm lên 1 lớp, rồi 2 năm một lớp rồi ba năm một lớp chi đó đến khi mình có con, cho con đi học tiếng Việt thì mới hiểu tâm sự của anh ta.
40 năm là một thời gian khá lâu dài của một đời người gần 60 tuổi, mà gia đình anh này cùng thân hữu vẫn kiên trì, tiếp tục dạy các trẻ em học tiếng Việt rồi các em này lại thay thế những người lớn tuổi, thầy cô giáo nghiệp dư, tiếp tục hướng dẫn các em khác, thế hệ sau họ khiến mình thán phục. Thấy hình ảnh thì mình nghĩ ngoài tiếng việt, họ còn dạy thêm các môn khác như âm nhạc, tổ chức picnic, trại hè, đủ trò cho trẻ em vào mùa hè.
Trong 40 năm qua, phục vụ trong cộng đồng người Việt thì chắc chắn đã bị những kẻ ganh tỵ, chụp mũ nhưng họ không nãn lòng, vẫn theo tâm niệm của một nhà giáo nghiệp dư. Dùng những ngày hè của sở trong năm để dạy các em. Nhìn những tấm hình chụp kỷ niệm của những thầy giáo, cô giáo hay những người lo về hành chánh, sổ sách,..., khiến mình cảm động cho sự hy sinh của họ trong suốt 40 năm qua. Từ khi lấy vợ, những cái làm không ra tiền mà bị chửi thì mình không đụng đến, vợ mình làm thì mình phải phụ.
Hôm trước mình có người quen, đưa một cán bộ vc đã hạ cánh an toàn ở Hoa Kỳ viếng thăm cái vườn. Ông này nghe nói mình đang bán cái vườn thì ông ta muốn xem để kêu các bạn của ông ta ở Việt Nam, mua đầu tư để hạ cánh an toàn ở Hoa Kỳ qua chương trình chiếu khán EB-5. Nghe nói là đầu tư độ 1 triệu đô vào nước mỹ thì sẽ có thẻ xanh. Nghe ông ta kể là đang học để thi vào quốc tịch Hoa Kỳ. Cuộc đời kể ra cũng lạ, khi xưa thì hô hào đánh cho mỹ cút nguỵ nhào, nay mỹ đã cút nguỵ đã nhào thì họ lại chạy sang mỹ đánh cho mỹ chết luôn.
Nghe mình kể thì mụ vợ kêu không bán cho vc. Có người kêu mình sao ngu không chịu bán cho những người đã đày đoạ gia đình mình, gia đình vợ, nói chung là 96% dân chúng tại Việt Nam. Họ đã cướp bao nhiêu đất đai của dân chúng để cho con họ đi du học rồi ở lại, bảo lãnh cho họ hạ cánh an toàn. Nay họ lại muốn giúp những đồng chí chưa bị lộ sang Hoa Kỳ, đánh cho đế quốc xụp tiệm luôn.
Hôm trước, mình có gặp một chị gốc việt, kể đi vượt biển, bị hải tặc hiếp rồi may mắn được tha lên bờ. Xui là bị cấn thai và đứa con từ 35 năm nay vẫn nhắc nhở chị ấy hàng ngày những giây phút kinh hoàng, hãi hùng trên đường tìm tự do. Có dạo mình lên San Jose, đến nhà bạn học cũ của đồng chí gái ở Hội An khi xưa. Ngồi kể chuyện, bổng nhiên họ kể về chuyến vượt biên của họ, gặp hải tặc,...
Sau đó họ rất ngạc nhiên là lần đầu tiên, đã thố lộ cho một người quen về chuyến đi hãi hùng đó vì khi gặp người Việt tỵ nạn, vượt biển, ai cũng ngại nói về cuộc đời vượt biển vì sợ chạm phải vết thương lòng mà người ta cố quên đi một quá khứ đau buồn. Sau khi kể về chuyến vượt biển, họ cảm thấy sung sướng như trút được một gánh nặng tinh thần từ mấy chục năm nay, vui vẻ như con chiên sau khi xưng tội và được ông cố đạo xoá tội.
Người Việt lưu vong như con tàu vô định vì họ không có chủ ý rời bỏ quê hương, nên họ vẫn hướng về quê cha đất tổ, khắc khoải trong kiếp lưu đày. Họ gọi Hoa Kỳ hay quốc gia mà họ đang ở là đất tạm dung, trong lòng vẫn hướng về Việt Nam, nơi họ đã sinh ra. Có lẻ vì vậy, họ ra công truyền lại cho thế hệ sau, dạy cho chúng chút văn hoá của quê hương bỏ lại, để hy vọng khi mùa xuân trở lại, họ sẽ cùng chung bước trở lại quê xưa.
Anh chàng ghé thăm với vợ con khiến mình nhớ đến bài hát mình thường hát khi xưa, lúc hai cô con gái của anh ta còn bé, nay đã thành bác sĩ. Bài ca cho bé Hải của văn đoàn Lam Sơn, Paris.
Cho em bé chào đời vào buổi sáng
Khóc oa oa giữa tay ấm mẹ hiền
Nơi đất lạ sinh làm dân tị nạn
Hỡi này em đừng quên gốc Rồng Tiên
Đừng quên nhé để mai này tôi kể
Chuyện quê hương với bao nỗi tủi sầu
Dù có khóc có tuôn ngàn ngấn lệ
Cũng muộn rồi nỗi khổ đã in sâu
Tôi sẽ kể chuyện quê hương máu lửa
Mảnh vườn xưa tan nát dấu bom cày
Ôi mẹ hiền ôm con mình trong tay
Dấu đạn nồng oan nghiệt vẫn còn đây
Tôi sẽ kể những chuyến tàu tuyệt vọng
Vượt trùng dương với nỗi chết bên mình
Biển lênh đênh biết đâu là cõi sống
Để chết dần khi nhân loại vẫn làm thinh
Tôi sẽ kể cảnh tù đày khốn khổ
Tiếng xiềng xích khua vang bước chân đi
Ôi dân ta vùng quê hương lặng thinh
30 năm chinh chiến chẳng còn chi
Này em nhỏ sẽ lớn không còn trong tủi nhục
Giữa quê người sẽ được sống ấm no
Nhưng đừng quên dù một giây một phút
Ở quê mình có vạn kẻ đang mong chờ.
Nhs

No comments:

Post a Comment