Friday, September 30, 2016


  Hãy Cảm Ơn  . 
Ðiều tôi muốn nói ở đây là chúng ta thường quên chúng ta đang sống trên đất Mỹ.
Ông Khổng Tử của nước Trung Hoa có ví von: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy.” Một kẻ vào vườn hoa lan đầy hương thơm, lúc đầu còn nhận ra mùi hương nhưng dần dà trở thành quen thuộc, trở thành bình thường, không còn thấy hương thơm, như kẻ tiểu nhân sống với người quân tử dần dần được cảm hóa lúc nào mà không hay biết.
Nước Mỹ có nhiều hương thơm như thế mà cảm giác chúng ta bị dung hòa lúc nào không hay đến nỗi không còn cảm nhận được mùi thơm nữa. Hương thơm đó là những điều tốt lành, thấm nhập vào con người chúng ta lúc nào chúng ta cũng không biết, không hề quan tâm hay nhận ra được sự khác biệt trước và sau.
Chúng ta học hỏi được ở nước Mỹ tính bảo vệ đời sống riêng tư, tôn trọng luật pháp, sống an hòa, sự tử tế và mối tương quan giữa con người và con người trong xã hội. Ðiều này không chỉ có ông Bá Dương (1920-2008), sau khi đi New York, Las Vegas hay San Francisco về, đã tường thuật lại trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí,” mà bất cứ người Việt Nam nào khi đi du lịch nước Mỹ về cũng nhận ra. Có người thắc mắc sao lái xe trên đường vắng vào một hai giờ sáng, gặp bảng “stop” cũng phải đừng lại, sao một đứa bé phải đi tìm cái thùng rác để vứt cái giấy kẹo nhỏ chỉ bằng hai ngón tay, sao ở đây xe hơi nhiều như thế mà không nghe một tiếng còi? Trong cái không khí dễ chịu, thanh thản, an lạc người ta cảm nhận ra khi bước chân trở lại một nơi, có một chút mỉa mai, không phải là quê nhà của mình.
Chúng ta bước đi từ môi trường tử tế, trong lành của miền Nam qua giai đoạn “thống nhất” để bước đến một xã hội hỗn loạn như hôm nay, khi mà con người tốt đẹp dần dà trở thành vô cảm, lừa lọc, gian trá, đạp lên nhau mà sống, để mưu tìm một đời sống ích kỷ cho riêng mình, mà không thấy đó là bất thường, bất nhân và vô loại. Thì chúng ta, trong xã hội này, cũng theo lời ông Khổng Tử: “ Ở chung với người bất lương, như vào trong chợ cá ươn, lâu mà chẳng biết mùi hôi, vì mình cũng hóa ra hôi vậy!”
Như người mới vào chợ cá, lúc đầu còn nghe mùi hôi tanh, dần dà quen thuộc, không còn nghe mùi tanh tưởi khó chịu nữa, như người quân tử sống với kẻ tiểu nhân, dần dần đồng hóa bởi cái xấu mà mình không hay biết.
Thử hỏi một viên chức trong chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay, xem những chuyện cường quyền áp bức, mạng sống của người dân xuống hàng súc vật, con người chỉ biết có đồng tiền và dục vọng, tráo trở, vô đạo lý hiện nay có là điều gì làm cho con người lạ lùng, khó chịu không? Hay đó là chuyện bình thường, thấy đã quen mắt, nghe đã quen tai, đầu óc đã xơ cứng, chai đá như khứu giác của con người ở lâu trong chợ cá, còn đâu phân biệt được mùi hôi nữa!
Ðiều cuối cùng chúng tôi muốn nói là sự may mắn đã giúp ta có cơ hội không phải chỉ cho riêng mình mà cả con cháu đời sau, tránh khỏi được kiếp oan nghiệt, ra khỏi được cái chợ cá ấy, được sống trong cái “chi lan, chi thất” cái vườn lan thơm ngát, mà qua một thời gian chúng ta không còn cảm nhận được mùi thơm nữa, nhưng trên thực tế, mùi thơm đó vẫn hiện hữu.
Nhiều kẻ hãnh tiến vẫn cho rằng nước Mỹ nợ chúng ta mà quên rằng, món nợ của chúng ta, và cả con cháu đời sau đối với nước Mỹ thật khó lòng trả nổi.
Hãy CÁM ƠN bằng cách sống thật có ý nghĩa cho đời sống này!
Thanh Nguyên

Có ai bán ve chai không?


Đây là lời bài hát nổi tiếng kể về một câu chuyện có thật ở Đài Loan diễn ra vào những thập niên 1980, bài hát có tên:
“Có ai bán ve chai không“.
Nội dung câu chuyện có thật xúc động lòng người như sau:
Một ông lão chân bị khập khiễng sống bằng nghề thu thập vỏ chai, ông bị câm điếc và phải sống đơn độc một mình, cuộc sống khá khốn khổ.
Một ngày kia ông nhặt được một em bé bị bỏ rơi trên đường phố. Ông đã ngây ngất trong niềm vui và nghĩ rằng đó là một món quà mà thượng đế đã ban cho mình.
Ngay lập tức, ông đã đem đứa trẻ về nuôi, thu lượm những vỏ chai rượu rỗng bán đi để lấy tiền mua sữa. Ngày qua ngày, em bé bị bỏ rơi được ông cưu mang và nuôi nấng như vậy. Đến năm lên 6 tuổi, em bé đã nhặt một con cún con về nuôi và đặt tên nó là Vượng Tài.

Chú chó nhỏ, ông lão câm điếc và cô bé cùng dựa vào nhau để sống. Tuổi thơ của em lớn lên cùng những vỏ chai rượu xếp chồng lên nhau.

Chất giọng bẩm sinh tốt của em đã trở thành máy rao bán cho ông. Cứ mỗi sáng sớm em lại dắt ông lão chống nạng để đi thu lượm, vừa đi em vừa hô lớn: Có ai bán ve chai không? Có ai bán ve chai không?
Sau này khi lớn lên, cô gái bé bỏng hôm nào giờ đã có người yêu là một nhà viết nhạc trữ tình. Nhà soạn nhạc này cũng rất nghèo nhưng rất yêu cô.. Anh đã vì cô mà viết rất nhiều bài hát, cũng đối xử với ông lão hết sức tốt. Mỗi lần đến chơi đều giúp ông lão vận chuyển các chai rượu rỗng, cùng trò chuyện với ông bằng cách vẽ tay, chơi cùng con chó…
Thế rồi một ngày cô trở nên nổi tiếng. Cuộc sống hoàn toàn thay đổi, cô tậu nhà mới, xe hơi và được nhiều người theo đuổi… Cô gái vẫn rất yêu chàng trai và hy vọng anh có thể đến sống cùng với mình trong biệt thự, không phải trở lại ngôi nhà ve chai nữa bởi vì người cha vừa câm vừa điếc khiến cô cảm thấy xấu hổ!
Nhưng chàng trai không muốn, và vẫn cùng ông lão sống tại căn nhà cũ. Sau đó, cô gái ngày càng bận rộn, danh tiếng cũng ngày càng trở nên lớn hơn, cuộc sống của cô càng ngày bị chi phối bởi nhà quản lý. Ông lão ve chai cảm thấy nhớ con gái nên nài nỉ chàng trai đưa đi gặp con gái. Nhưng còn chưa vào được buổi hoà nhạc ông đã bị đuổi ra…
Sau đó cô gái cảm thấy ông khá phiền phức nên đã gửi cho ông một khoản tiền và yêu cầu ông không được làm phiền mình nữa. Ông lão nước mắt rưng rưng, lấy tay lau những giọt lệ tràn ra rồi rời đi mà không cầm lấy một đồng nào của cô!
Chàng trai lúc này đã không thể chịu được, tìm đến cô gái để nói chuyện phải trái nhưng cô không nghe. Cũng bởi giờ đây sự chênh lệch đẳng cấp và suy nghĩ của 2 người quá lớn nên kết cục chỉ có thể chia tay. Về phần ông lão, do quá nhớ thương con gái nên đã lâm bệnh nặng. Chàng trai đã cầu xin cô gái, hy vọng cô có thể trở về thăm ông một lần, nhưng rốt cuộc cô gái vẫn không nghe lời anh!
Đến lúc này, chàng trai chỉ còn cách hỏi thăm nơi diễn của cô gái và nói lại với ông lão. Ông lão cố gắng hết sức cùng chú chó già đến để nhìn mặt cô lần cuối. Nhưng thật không may, khi đi ngang qua đường một chiếc xe tải không biết từ đâu chạy tới chuẩn bị đâm vào ông lão. Đột nhiên con chó già Vượng Tài nhảy tới và đẩy ông lão ra. Nó đã bị chiếc xe tải đâm chết…
Chàng trai sau khi biết chuyện đã quyết định viết cho cô bài hát cuối cùng. Anh đã thức suốt mấy đêm để viết. Nhưng do phải đối mặt với một thời gian dài sống trong khó khăn nghèo đói, cộng thêm gánh nặng tư tưởng. Khi thân thể của anh đã sắp không thể chịu được nữa, anh đã viết bài hát này và nhờ người mang đến đưa cho cô gái.
Chàng trai sau khi viết xong bài hát cũng là lúc rời xa trần thế. Khi trong buổi hoà nhạc cô gái miễn cưỡng mở tờ giấy ra, lời bài hát này có đại ý rằng:
Thật là một giọng nói quen thuộc
Ở bên tôi suốt bao năm mưa gió.
Chưa bao giờ cần phải nhớ
Sẽ không bao giờ quên.
Không có trời, nào có đất
Không có đất, nào có nhà
Không có nhà, nào có bạn
Không có bạn, nào có tôi
Nếu như bạn chưa từng nuôi nấng tôi
Cho tôi một cuộc sống ấm áp
Nếu như bạn chưa từng bảo vệ tôi
Thì số phận tôi sẽ như thế nào !
Chính bạn là người nuôi tôi khôn lớn
Ở bên tôi khi tôi nói lời đầu tiên
Chính bạn đã cho tôi một ngôi nhà
Hãy để tôi và bạn cùng có nó
Mặc dù bạn không thể mở lời
Nói một lời
Nhưng càng hiểu rõ hơn về con người thế nhân này
Đen và trắng, đúng và sai
Mặc dù bạn không thể diễn tả cảm xúc thật của mình
Nhưng đã phải trả giá
Đó cuộc sống nhiệt thành
Từ một phương xa gửi đến bạn
Một giọng nói quen thuộc
Hãy để tôi nhớ đến bạn
Một tâm hồn hoà ái và từ bi
Khi nào
Bạn sẽ quay trở lại bên cạnh tôi
Hãy cùng tôi hát
Có ai bán ve chai không
Có ai bán ve chai không… 
Đọc xong lời bài hát, bao nhiêu sự việc quá khứ như vùn vụt trở về: Một đống đầy những chai rỗng, người cha già câm điếc, vì để mua cho cô một túi hạt mà khổ sở vất vả, và con chó yêu quý nô đùa vẫy đuôi bên cô…
Cô gái đã bật khóc, cuối cùng lương tâm đã quay trở lại, những nỗi khổ, lo lắng, bất an…
Cô đã học ngay lời bài hát này. Đến cuối buổi biểu diễn cô đã thông báo với ban nhạc về bái hát cuối cùng này có tên: “Có ai bán ve chai không“.
Cô gái “vong tình” đã cất lời hát, tất cả khán giả đều cảm thấy bị sốc và họ đều rơi nước mắt. Cô gái đã kể về cuộc đời của mình ngay trên sân khấu, sau đó chạy thật nhanh đến bệnh viện, cô muốn gặp lại người cha của mình.
Khi ông lão nhìn thấy con gái, những dòng nước mắt từ trên má lã chã rơi. Ông lão không nói gì, chỉ mỉm cười với con gái và từ từ nhắm mắt lại… Cô gái khóc nấc từng tiếng không ngừng…
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Trong cuộc sống, có thể cha mẹ không cho chúng ta được một môi trường thuận lợi và hoàn cảnh vật chất đầy đủ nhất, nhưng họ đã làm hết sức mình để cho chúng ta được sống và trưởng thành. Họ đã dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất, kể từ lúc mới sinh còn bập bẹ, cho đến khi chập chững đi bộ từng bước, và đến khi trưởng thành như bây giờ. Họ đã phải dùng cả cuộc đời và tâm huyết dành cho chúng ta.
Vì vậy hãy luôn yêu thương và kính trọng cha mẹ mình. Bởi vì họ đã nuôi dưỡng chúng ta bằng ân tình mà cả đời chúng ta cũng sẽ không bao giờ trả hết được.
Nguồn: Sưu tầm.

Thursday, September 29, 2016

"Cái Giọng Sài Gòn"

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he XXX xuống dưới ấy…
Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi...
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong
Chuyện con gái Sài Gòn "mỏ" có cong không thì hổng có biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái đầu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ "hônggg..." khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, đem gương hay kiếng soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.
Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được, người đó sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy...
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam , có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách trú (người Hoa hay chú ba tàu), những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ còn có giọng tha thiết của người con gái xứ Huế trầm tư mới cùng được ví von như thế…
Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt. Giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, thứ giọng chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, nó chính là cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có thích hay khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.
Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”.
Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!”. “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên lên tiếng “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau, lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”.
Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”
Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen, như cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” “xong dzồi”.
Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn..
Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" có cảm giác sao sao ấy, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...
Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là khách trú (người Hoa), và một số dân tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa như đàn ông không mặc quần mà quấn sà rông, nhà giầu quê bận bộ áo bà ba mầu trắng, làm ăn khi giao tiếp phải có chầu “nhậu”, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì,cái ki …” là tiếng mượn của khách trú, những từ như “xà quầng, mình ên…” là tiếng của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.
Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Điển hình như tiếng “địt”, có nghĩa là cái bụng nó sả hơi. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.
Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳng hay...
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)
Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau.. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều, tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, kiểu bắt chước Tây, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen.
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà.
Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà. “coi dzậy mà hổng phải dzậy”
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”. Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô thiển mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Khi gọi một cách thân mật có ý khuyên bảo với một em nhỏ, người Sài gòn thường nói “Nầy, chú em…”
Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = ổng
Bà đó = bà
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng, anh Sáu Lèo ...
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được....giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"...Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai...em nói nghe nè!".


Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi...rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu.
Cách xưng hô của n
gười Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh. Cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

Hải Phan



Wednesday, September 28, 2016

Saturday, September 24, 2016

NHỮNG QUÁN CÀ PHÊ RETRO ĐẬM KHÔNG KHÍ HOÀI CỔ Ở SÀI GÒN

Ngày đăng: 22/09/2016
Ngày nghỉ cuối tuần rúc mình vào hàng quán nào để nhâm nhi vài trang sách hay trò chuyện cùng bạn bè thì còn gì bằng! Dưới đây là 4 hàng quán theo phong cách retro phù hợp nhất để bạn ghé thăm trong dịp cuối tuần đây.

1. Cửa hàng cà phê 81 (216B Nguyễn Văn Nguyễn, quận 1)

nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-1
Ai mà bảo các hàng quán theo phong cách retro đang hết thời thì lầm to nhé! Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn ở Sài Gòn đã mọc lên vô số những quán theo phong cách “ngàn chín trăm hồi đó” và tất cả đều rất hút khách. Cửa hàng cà phê 81 là một trong những cái tên tiêu biểu nhất.
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-2
Bước chân vào quán bạn sẽ có cảm giác như mình vừa được đặt lên cỗ máy thời gian để quay ngược trở về tuổi thơ. Bên này là chiếc bàn gỗ cũ, bên kia là những bức poster, hay những cuốn sách mà ta từng đọc bi ba bi bô, và bên trong còn có những món quà vặt giá quen thuộc mà tuổi thơ ai cũng từng một lần lén để dành tiền mua về ăn dẫu cho có bị bố mẹ mắng.
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-5
Đến ngay mặt tiền của quán cũng đáng yêu với những tấm bảng thông báo được viết bằng phấn, quầy cà phê nhỏ nhắn cùng chiếc cửa gỗ thân thuộc một thời. Chụp ảnh ở đây thì tha hồ hứng cơn bão like, ai mà chẳng bồi hồi khi thấy lại tuổi thơ mình cơ chứ!

2. Út Lành (283/37 Phạm Ngũ Lão, quận 1)

Ngay từ cái tên đã phần nào thể hiện luôn nội dung lẫn hình thức của quán: nhỏ nhắn, chân chất nhưng vô cùng dễ thương. Út Lành không chỉ là một địa điểm thu hút các bạn trẻ mà còn đặc biệt được các bậc phụ huynh, các cô chú lớn tuổi yêu thích vì ôi sao mà đáng yêu quá, gợi lại biết bao kỉ niệm của những ngày còn thiếu thốn thế này cơ mà!
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-6
Không giống những quán retro khác được mô phỏng hoặc dựng lại để nhìn ra nét cũ kĩ, Út Lành lại nằm ngay trong một căn nhà cổ có tuổi thực đã vượt quá cả trăm. Từ chiếc gác lửng thân quen, bức tường hoen màu hay những viên gạch lót sàn đều ít nhiều hằn lên dấu vết của dòng thời gian. Những món đồ trang trí có 1-0-2 trong quán như chiếc máy cát-sét, quạt điện, băng đĩa, sách báo… chắc chắn sẽ khiến không ít người phải nhảy cẫng lên và khoe ngay với mọi người kiểu “Ê hồi nhỏ nhà tui cũng có cái này nè!”
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-7
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-10

3. SàiGòn80s Nhà Mình (9/8 Trương Quyền, quận 3)

Nếu như Út Lành hay Cửa hàng cà phê 81 có màu sắc khá trầm thì SàiGòn80s Nhà Mình (gọi tắt: Nhà Mình) lại đem đến hình ảnh một Sài Gòn retro nhưng sinh động, tươi vui hơn. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua phần mặt tiền được sơn vàng nổi bật, những chậu cây xanh mát mắt cùng những tấm biển hiệu được viết bằng những phông chữ cũ.
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-13
Cái tên thân thương “Nhà Mình” có ý nghĩa rằng nơi đây không chỉ đơn thuần là một quán cà phê bình thường mà còn là ngôi nhà thứ hai, nơi tất cả mọi người có thể đến “trú ngụ” trong những ngày không biết đi đâu giữa Sài Gòn rộng lớn. Nếu 2/9 không kịp về nhà thì hãy thử ghé “nhà” xem nào! À, và cũng bật mí thêm là không gian ở đây rất đẹp, tha hồ chụp #ootd hay ảnh sống ảo đấy nhé!
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-16
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-18

4. Năm Mười Mười Lăm (29 Ngô Thời Nhiệm, quận 3)

Ấn tượng đầu tiên về nơi đây chính là cái tên quá dễ thương và thân thuộc! Chứ còn gì nữa, tuổi thơ ai mà chẳng từng một lần ê a câu “Năm mười mười lăm hai mươi hai lăm ba mươi…” rồi nháo nhác trốn tìm cùng chúng bạn cơ chứ! Năm Mười Mười Lăm sở hữu một không gian mở với ánh sáng tự nhiên ngập tràn cùng những mảng màu xanh mát mắt khắp quán tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu.
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-21
Những bạn nào ở thành phố từ nhỏ thì có thể thấy hơi xa lạ nhưng với những ai có một tuổi thơ ở quê và gắn liền với cánh đồng, với giỏ tép nôm cá, với rặng tre rì rào và những mảng lúa vàng thì chắc hẳn sẽ cảm nhận được ngay không khí quê nhà khi bước chân vào đây. Mộc mạc và thân thương – đây là hai từ diễn tả chính xác nhất Năm Mười Mười Lăm.
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-23
nhung-quan-ca-phe-retro-o-sai-gon-25
Bên cạnh không gian quá sức xuất sắc thì không thể không kể đến phần thức ăn và nước uống của quán. Những món ăn tưởng chừng như đã quá đỗi thân thuộc như canh rau má, thịt kho tàu, rau muống luộc bỗng trở nên lạ miệng và ngon lạ lùng đến nỗi tưởng chừng như không cao lương mỹ vị gì ngoài kia có thể sánh bằng. Nếu như ba địa điểm trên hợp để đi một mình hoặc hội họp bạn bè thì Năm Mười Mười Lăm lại là một gợi ý mà bạn nên đi cùng gia đình của mình.
Theo Minh Tùng/Trí Thức Trẻ

Friday, September 23, 2016

Là ai? Vợ, Người Tình hay Hồng Nhan Tri Kỷ

Trong cuộc đời mỗi người đàn ông luôn xuất hiện ba người phụ nữ. Vợ. Người tình. Hồng nhan tri kỷ. Thế nào là Vợ? Vợ là người con gái mà đàn ông tình nguyện giao cả gia tài cho cô ấy cất giữ. Thế nào là Người Tình? Người Tình là người con gái mà đàn ông hẹn hò vụng trộm với cô ấy và sợ Vợ phát hiện.

Thế nào là Hồng Nhan Tri Kỷ? Hồng Nhan Tri Kỷ là người con gái mà đàn ông có thể nói với cô ấy tất cả mọi bí mật kể cả điều mà đàn ông không thể nói được với Vợ hay Người Tình.
Tôi không phải vợ, cùng chẳng phải người tình của anh. Mà anh luôn gọi tôi bằng một cái tên thật đặc biệt "Hồng nhan tri kỉ."
Phải, là hồng nhan tri kỉ của ai đó là một việc hết sức bình thường. Một ai đó, khi nghe tôi nói tôi là hồng nhan tri kỷ của anh, ngoài mặt không có biểu hiện gì khác lạ. Nhưng tôi biết, đằng sau nụ cười kia, trong lòng họ đang âm thằm khinh bỉ, dò xét tôi bằng những từ ngữ khó nghe nhất. Đại loại như "Cái gì mà hồng nhan tri kỷ, muốn cướp chồng người khác còn giả bộ thanh cao này nọ.", "Cùng là phụ nữ là lại làm những điều xấu hổ như vậy." Tôi cười. Tôi không xấu hổ, cũng chẳng hối hận với những điều mình làm. Tôi không phải kẻ muốn phá hoại hạnh phúc gia đình của anh, tôi không muốn giữ anh là của riêng mình. Vậy tại sao tôi phải xấu hổ. Thế giới hơn 7 tỷ người này, một cái miệng của tôi không chống đỡ nổi, nên tôi chẳng phải để tâm xem người khác nghĩ về bản thân mình như thế nào.
Tôi quen anh từ một trang web trên mạng, lúc đầu cũng chẳng thân thiết gì. Có lẽ do trùng hợp tìm được người đồng cảm với những suy nghĩ của mình nên tôi trở thành hồng nhan tri kỷ của anh từ lúc nào không biết. Cũng giống như anh cũng là hồng nhan tri kỷ của tôi vậy. Người ta vốn cứ tưởng phụ nữ mới là người nhiều tâm sự, mới cần được sẻ chia nỗi lòng. Nhưng đàn ông đâu phải là không có. Hay chăng là họ đã giấu ở một nơi quá kĩ hoặc đem cho ai đó giữ hộ nên ta không biết mà thôi. Đối với họ, Vợ là một ngôi nhà, là một bến cảng mang cho trái tim nông nổi sự vỗ về an ủi. Người Tình là gánh nặng của ngôi nhà, chẳng qua chưa đến nỗi vạn bất đắc kỷ, đàn ông không muốn vứt bỏ. Hồng Nhan Tri Kỷ là vật tô điểm cho ngôi nhà, không có cô ấy họ không thấy cô đơn, nhưng anh ta sẽ cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Mỗi một năm, tôi sẽ chẳng gặp anh quá 5 lần. Nếu tâm trạng của anh không vui đến cực điểm, anh mới lười nhác gọi cho tôi. Nghe giọng của anh qua điện thoại, tôi có thể nhận ra, anh lúc đó cảm thấy như thế nào. Anh sẽ kể cho tôi nghe thằng bé nhà anh đã lớn thêm bao nhiêu, vợ anh thường cằn nhằn anh thế nào, cả việc ở công ty anh có bao nhiêu cô lúc nào cũng lượn qua lượn lại trước mặt khiến anh chán ghét. Còn tôi cũng sẽ nói cho anh những áp lực công việc và mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày. Những lúc như thế, có cảm giác tôi như trở lại những ngày xưa, bé xíu, không phải đeo lên mình bất cứ chiếc mặt nạ nào, cứ như vậy mà bộc lộ cảm xúc trước anh. Sẽ cười, sẽ khóc, sẽ đau đớn, sẽ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, không cần bận tâm đối phương nghĩ gì.
"Sao anh không để vợ mình trở thành hồng nhan tri kỷ"
"Đàn ông cũng có những bí mật của riêng mình không thể cho vợ biết. Khi đó rất cần hồng nhan tri kỷ."
Ai cũng có bí mật của riêng mình và cần tìm một nơi để cất giữ nó. Vợ không được. Người tình càng không. Vì thế mà xuất hiện hồng nhan tri kỷ.
Cuộc sống con người lắm bộn bề và bon chen, chúng ta có thể tìm được rất nhiều bạn nhưng tri kỷ thực sự liệu có mấy người. Tri kỷ khi chưa xuất hiện sẽ cảm thấy không có cũng không sao. Nhưng một khi đã có, mất đi sẽ cảm thấy tiếc nuối và tổn thương biết chừng nào. Tôi và anh vô tình trở thành tri kỷ của nhau, vô tình bước lặng lẽ bên nhau trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ đâu nhất thiết phải là yêu, phải thỏa mãn nhưng như cầu cuộc sống thường ngày. Chúng tôi đã yêu thương nhau theo một cách chỉ những người trong cuộc mới biết. Không phải tình yêu nam nữ, mà là tình yêu thương giữa con người với con người đồng cảm suy nghĩ với nhau.
Một ngày nào đó có thể vợ anh sẽ phát hiện ra sự tồn tại của tôi trong cuộc sống của anh. Chị có thể cũng sẽ giống như bao người hiểu lầm về tôi. Hoặc cũng có thể chị hiểu và chấp nhận những mối quan hệ của chồng mình. Tôi không biết. Đó là chuyện của tương lai. Nhưng tôi tin, anh sẽ không bao giờ buông tay chị để nắm lấy một bàn tay khác. Vì qua những câu chuyện của anh, có thể thấy tình cảm của hai người tốt đẹp như thế nào.
Và người yêu của tôi, anh có lẽ cũng sẽ có một hồng nhan tri kỷ ở đâu đó mà tôi không biết. Mà giờ này anh chắc đã nói đủ mọi tật xấu của tôi cho cô ấy nghe cũng nên. Tôi sẽ mỉm cười, sẽ vui vì anh tìm được cho mình một người bạn như thế.
Mỗi người rồi sẽ gặp một người vợ hoặc chồng, một người tình, một hồng nhan tri kỷ.
Sưu tầm

Monday, September 19, 2016

Khi nào các bộ phận trong cơ thể con người bắt đầu thoái hóa ?


Già là một điều không ai tránh khỏi. Hiện nay các viện nghiên cứu y khoa đã cho biết một cách chính xác các bộ phận trong cơ thể của con người bắt đầu thoái hóa từ lúc nào. Các bác sĩ người Pháp đã tìm thấy chất lượng tinh trùng bắt đầu suy thoái từ tuổi 35, bởi thế khi người đàn ông 45 tuổi thì một phần ba số lần mang thai sẽ dẫn đến sảy thai. Angela Epstein đã viết trong Daily Mail, tuổi của các bộ phận trong cơ thể bắt đầu suy thoái như sau : Não bắt đầu suy thoái lúc 20 tuổi . Khi chúng ta trưởng thành, các tế bào não bị giảm dần. Và não cũng teo nhỏ lại. Khởi đầu con người có 100 tỉ tế bào não, nhưng đến tuổi 20 con số nầy giảm dần, và đến tuổi 40 con người mất mỗi ngày 10.000 tế bào ảnh hưởng rất nhiều đến trí nhớ và có tác dụng rất lớn đến tâm sinh lý người già… Ruột bắt đầu suy giảm từ tuổi 55. Ruột tốt có sự cân bằng giữa các vi khuẩn có ích và có hại. Vi khuẩn có ích sẽ giảm đi đáng kể sau tuổi 55, đặc biệt ở phần ruột già. Sau 55 tuổi bộ tiêu hóa bắt đầu xấu đi và sẽ gây hại cho các bệnh đường ruột. Táo bón là một bệnh thông thường của tuổi già, cũng như dịch vị từ bao tử, gan, tuyến tuỵ, ruột non bị suy giảm . Bọng đái bắt đầu suy thoái từ tuổi 65 . Người già thường mất kiểm soát bọng đái Nó bắt đầu co lại đột ngột, ngay cả khi không đầy. Phụ nữ dễ gặp trục trặc này hơn khi chấm dứt kinh nguyệt. Khả năng chứa nước tiểu của bọng đái một người già chỉ bằng nửa so với người trẻ tuổi, khoảng 2 cốc ở tuổi 30 và 1 cốc ở tuổi 70. Điều này khiến người già phải đi tiểu nhiều hơn, và dễ nhiễm trùng đường tiểu. Vú bắt đầu thoái hóa từ năm 35 tuổi . Khi người đàn bà đến 30 tuổi thì vú mất dần các mô và mở, sự đầy đặn và kích cở của bộ vú bị suy giảm. Khi 40 tuổi núm vú bị teo lại và vú thòng xuống. Phổi lão hóa từ tuổi 20. Sụn sườn vôi hóa, lồng ngực biến dạng khớp cứng ảnh hưởng tới thở, nhu mô phổi giảm đàn hồi, giãm phế nang. Dung tích của phổi bắt đầu giảm dần từ tuổi 20. Ðến tuổi 40 có nhiều người đã bắt đầu khó thở vì các cơ bắp và xương sườn buồng phổi bắt đầu xơ cứng . Giọng nói bắt đầu yếu và khàn kể từ tuổi 65. Phụ nữ có giọng khàn và nhỏ trong khi đàn ông giọng cao và nhẹ Mắt lão hóa từ năm 40 và phần lớn phải mang kiếng, không còn nhìn rõ một vật ở xa. Khả năng tập trung của mắt kém hơn do cơ mắt yếu hơn. Tim lão hóa từ tuổi 40. Khối lượng cơ tim giảm. Tuần hoàn nuôi cơ tim cũng giảm, suy tim tiềm tàng, huyết áp tăng dần…Sức bơm của tim giảm dần vì các mạch máu giảm sự đàn hồi. Các động mạch cứng dần và bị mở đóng vào các thành mạch. Máu cung cấp cho tim cũng bị giảm bớt. Ðàn ông 45 tuổi và đàn bà 55 dễ bị đau tim . Gan lão hóa từ năm 70. Chức năng chuyển hóa và giải độc giảm.Tuy nhiên gan là một bộ phận gần như không chịu khuất phục tuổi tác . Người ta có thể ghép gan của một ông già 70 tuổi cho một người 20 tuổi. Thận lão hóa năm 50. Số đơn vị lọc chất thải khỏi máu bắt đầu giảm xuống ở tuổi trung niên. Tuyến tiền liệt lão hóa vào năm 5 Hệ thống sinh dục nam gồm có: tinh hoàn và bộ phận sinh dục phụ như đường dẫn tinh, tuyến tiền liệt, tuyến hành niệu đạo, túi tinh và dương vật.Tuyến tiền liệt thường lớn dần theo tuổi tác. Khi tuyến tiền liệt tăng kích thước sẽ ép vào niệu đạo và bàng quang, gây khó khăn cho tiểu tiện. Nó gây nên triệu chứng tiểu ngập ngừng, tiểu nhiều lần, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và tiểu khó. Xương lão hóa hóa vào tuổi 35. Cho đến giữa những năm 20 tuổi, mật độ xương vẫn còn tăng. Trẻ em xương lớn rất nhanh, cứ mỗi 2 năm lại thay đổi toàn bộ xương cũ, nhưng đến tuổi 35 thì xương đã lão, hiện tượng mất xương bắt đầu như một quá trình già cả tự nhiên. Răng suy từ tuổi 40. Răng bị hao mòn. Dễ bị bệnh nha chu. Niêm mạc bị teo dần Bắp thịt lão hóa từ năm 30 . Thông thường bắp thịt khi bị lão hoá thì được tái tạo ngay, nhưng đến tuổi 30 thì tái tạo it hơn là lão hóa. Ðến tuổi 40, mỗi năm bắp thịt bị sút giảm từ 0.5 đến 2 %. Vì thế người già khó giữ thăng bằng, trở thành chậm chạp, dễ bị ngã và gẫy xương. Nghe giảm đi kể từ giữa năm 50. Rất nhiều người bị lãng tai kể từ năm 60 Da suy giảm kể từ năm 20. Chúng ta đã giảm dần việc sản xuất chất keo dính của da từ giữa tuổi 20. Việc thay thế các tế bào chết cũng chậm dần. Vị giác và khứu giác giảm từ năm 60. Thông thưuờng chúng ta có thể nếm được 100.000 vị trên lưởi. Các vị này chúng ta chỉ nếm được phân nửa khi già và đến tuổi 60 thì không còn ngửi và nếm một cách chính xác được nữa Sinh sản mất khả năng từ năm 35. Khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm sau tuổi 35, vì số lượng và chất lượng trứng trong tử cung giảm xuống. Tóc lão hóa từ tuổi 30. Thông thường cứ 3 năm thì tóc cũ sẽ được thay thế toàn bộ tóc mới. Và đến năm 35 tuổi thì tóc không còn đen nhánh nữa mà ngã màu đen xám và rụng dần đi. Làm thế nào để làm chậm sự lão hóa ? Già không phải là một bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển; cần chú ý một số đặc điểm sau:
– Người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, có bệnh dễ phát hiện, nhưng cũng có bệnh rất kín đáo, tiềm tàng, nguy hiểm.
– Triệu chứng ít khi điển hình, không ồ ạt, không rõ rệt, nên khó chẩn đoán, dễ sai lạc nếu ít kinh nghiệm. – Khả năng phục hồi sức khỏe sau các trận ốm thường chậm hơn so với người trẻ, nên sau điều trị phải có thời gian an dưỡng. Một số biện pháp làm giảm tốc độ lão hóa: Học thuyết âm dương của y học cổ truyền chứng minh con người là một chỉnh thể giữa âm dương, giữa khí và huyết. Luôn luôn thăng bằng với nhau từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong theo một quy luật nhất định, để duy trì sự sống của con người được bền vững dài lâu. Vì thế muốn giảm tốc độ lão hóa cần phải: Về tư tưởng luôn luôn lạc quan yêu đời, chủ động gạt bỏ những cái làm ảnh hưởng đến bộ não, hạn chế tối đa nỗi cô đơn, giải quyết tốt nhất mối quan hệ xã hội và gia đình, có triết lý sống đúng; phải chú ý cả 3 vấn đề: lẽ sống, lối sống và
hành động sao cho khoa học văn minh để loại trừ 7 nguyên nhân gây bệnh của Đông y là : hỷ, nộ, ưu, tư, bi, kinh khủng. Muốn được thảnh thơi phải có kiến thức, phải có hiểu biết để nhìn nhận vấn đề sao cho đúng đắn qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình để làm chủ được mình và giáo dục cho gia đình, con cháu giảm các nỗi bực dọc và tự chăm lo cho mình. Thường xuyên luyện tập đều đặn về trí tuệ và thể lực như đọc sách báo, nghe đài, xem TV… đồng thời tập thể dục thể thao, đi bộ, tập thở, tĩnh tâm thư giãn, v.v… phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe từng người. Sinh hoạt điều độ, không làm gì quá sức bình thường, giữ gìn trạng thái cân bằng giữa ngủ và nghỉ, giữa ăn và làm, giữa trí óc và chân tay, giữa trong nhà và ngoài trời, giữa lười và chăm, v.v… cũng rất quan trọng. Ăn uống đúng và đủ theo khả năng của mình, không nên nghiện bất cứ thứ gì, hạn chế thịt nhất là mỡ, ăn nhiều rau quả tươi, giảm chất bột, giảm bánh kẹo, bảo đảm cân bằng thức ăn âm và dương, giữ người không béo và cũng không gầy. Nên nhớ con người là giống ăn ngũ cốc, nên thức ăn cho
người phải 80% là ngũ cốc còn 20% là rau quả và các thứ khác, không nên ăn quá no, người già rất cần đạm ở đậu tương, vừng lạc, tôm cua, ốc hến… Cần có môi trường sống tự nhiên tốt, phần lớn các cụ sống 100 tuổi trở lên đều ở vùng núi, ở nông thôn còn ở thành phố thì rất ít và gốc cũng không phải thành thị. Hiện nay môi trường sống đang bị tàn phá nghiêm trọng đó là tự hủy hoại mình (chặt cây, phá rừng, chất thải, phân hóa học, thuốc trừ sâu…) đã làm mất đi cảnh thanh bình của thiên nhiên, là điều cũng nên hết sức tránh. Kiên trì áp dụng 10 bài học về sức khỏe của Nhật Bản, đất nước được mệnh danh là “vương quốc của tuổi thọ” vì có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay. 10 bài học đó là: – Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau – Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua – Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả – Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa – Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần – Bớt đi xe, năng đi bộ
– Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn – Bớt nóng giận, cười nhiều hơn .
– Bớt nói, làm nhiều hơn
– Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn Những bài học trên có tác dụng rất lớn đối với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan… Biết cách sống, ta có thể làm chậm được quá trình lão hóa, kéo dài được tuổi thọ, có thể điều chỉnh được chiếc đồng hồ sinh học trong con người chúng ta chạy chậm lại, ta cũng có thể giữ bộ máy cực kỳ tinh vi của ta được bền vững lâu dài hơn.
BM
(Nguồn: E-Mail)