Monday, February 29, 2016

CHUYỆN TÌNH NGƯỜ

Tấm lòng vàng trong manh áo rách

Câu chuyện có thật do chính người trong cuộc thuật lại. Ông là một giáo viên người Anh. Mỗi khi kể, ông thường không cầm được nước mắt, xúc động ngẹn ngào.
Ông nói:
“Nhà tôi ở một con phố giữa lòng thủ đô Luân Đôn. Một hôm, tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi ăn mặc tồi tàn, rách rưới; mặt mũi gầy gò, xanh xao; chìa những bao diêm khẩn khoản mời tôi mua giúp một bao.”

Tôi mở ví tiền và chép miệng:
– Rất tiếc là tôi không có xu lẻ.
– Thưa ông, không sao ạ. Ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng. Cháu chỉ chạy loáng một lát đến hiệu buôn để đổi, rồi hoàn lại cho ông tiền lẻ còn thừa.
Tôi chăm chú nhìn cậu bé và lưỡng lự.
– Thật chứ?
– Thưa ông, thật ạ. Cháu không phải là một đứa dối trá. Nét mặt của cậu bé trông rất cương trực và tự hào tới mức làm tôi tin và giao ngay cho cậu một đồng tiền vàng.
Nhưng năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua mà vẫn không thấy cậu trở lại. Tôi bắt đầu nghi ngờ cậu bé. Nửa giờ sau, chờ mất công, tôi lững thững tiếp tục cuộc dạo chơi và tự nhủ: “Cần rút kinh nghiệm, không nên tin vào bọn trẻ này!” Vài giờ sau tôi trở về nhà và ngạc nhiên khi thấy một cậu bé đang đứng đó đợi tôi. Diện mạo cậu bé này rất giống cậu bé đã cầm tiền của tôi, nhưng nhỏ hơn vài tuổi, gầy gò, xanh xao hơn và thoáng một nỗi buồn tuyệt vọng:
– Thưa ông, có phải ông vừa đưa cho Rô­be một đồng tiền vàng không ạ?
Tôi khẽ gật đầu.
Cậu bé tiếp: “Thưa ông, đây là tiền lẻ hoàn lại… Rô­be nhờ cháu… mang đến trả ông… Rô­be là anh cháu…chúng cháu mồ côi… Anh cháu không thể mang tiền trả ông được.. vì anh ấy bị xe đâm… đang nằm ở nhà và khó lòng… sống nổi…
Em bé không nói được hết câu vì những tiếng nấc xé lòng. Tôi sững sờ cả người, tim se lại vì hối hận, hỏi dồn:
– Vậy bây giờ Rô­be ở đâu? Hãy đưa tôi đến.
Sau khi dừng lại một chút trước chiếc hầm nhỏ của một căn nhà đổ nát, em bé nói:
– Thưa ông, đây là nhà của chúng cháu.
Trong một góc tối của căn hầm, cạnh chiếc bếp lò cũ kĩ đã tắt ngắm từ lâu, giữa một đống giẻ rách, tôi nhận ra Rô­be nằm dài, bất động. Mặt cậu bé lúc này trắng bệch. Một dòng máu đỏ từ trán chảy xuống. Rô­be đưa mắt nhìn về phía tôi, giọng thều thào, yếu ớt:
– Thưa ông, ông hãy lại gần đây.
Tôi quỳ xuống bên cậu bé, cầm lấy bàn tay cậu bé, bàn tay khẳng khiu, gầy gò, đáng thương, lạnh ngắt.
– Sác­lây, em đưa tiền trả ông rồi chứ?
Cậu bé gật đầu, mắt vẫn sưng mọng.
– …Ôi! Đấy, ông xem, cháu không phải là đứa dối trá mà.
Tôi cúi sát xuống người cậu bé, cầm lấy bàn tay, hôn vào chỗ trán bị thương nứt rạn và nói với Rô­be rằng:
- “Cháu hãy bình tâm, dù bất cứ tình huống nào, tôi cũng sẽ nuôi nấng Sác­lây cho cháu.”
Tôi nói dịu dàng, âu yếm an ủi Rô­be, để cái chết của cậu bé được thanh thản. Bàn tay khốn khổ của cậu bé nằm gọn trong tay tôi lạnh dần, lạnh dần… Em bé ngèo túng của tôi đã từ giã cõi đời quá ngắn ngủi như vậy đấy.
Cái chết đó làm cho tôi thấy rằng, trong cuộc đời tôi chưa hề được thấy một cử chỉ, hành động nào đẹp đẽ cao cả như vậy. Một tâm hồn vô cùng cao thượng. Một tâm hồn cao thượng ẩn náu trong một em bé sống trong cảnh rất đỗi cực khổ nghèo nàn.
Ái Chân, sưu tầm -
   Hôi Chợ Tết Sinh Viên Bính Thân 2016   .














Đánh bạn dã man, 3 nữ sinh Trung Quốc lãnh án ở Mỹ      .

(NLĐO)- Ba du học sinh Trung Quốc hôm 17-2 bị kết án tổng cộng 29 năm tù vì tội đánh đập dã man 2 bạn học cùng lớp ở Mỹ.

Các công tố viên cho biết ba du học sinh này lột đồ, đánh đập và đốt thuốc dí vào các nạn nhân vốn là bạn cùng học ở một ngôi trường ở Nam California.
Đó là Yunyao "Helen" Zhai, bị kết án 13 năm tù giam, Yuhan "Coco" Yang lãnh án 10 năm tù giam và Xinlei "John" Zhang 6 năm tù giam. Cả ba đều lên tiếng xin lỗi tại tòa vì hành động ác ôn của mình.
 Từ bên trái qua: Yuhan Coco Yang, Xinlei John Zhang, và Yunyao Helen Zhai. Ảnh: World Journal
Từ bên trái qua: Yuhan "Coco" Yang, Xinlei "John" Zhang, và Yunyao "Helen" Zhai. Ảnh: World Journal

“Tôi hi vọng các nạn nhân không phải mang những vết thương trong vụ án này trong suốt phần còn lại của cuộc đời họ” – Zhai viết cho nạn nhân trong văn bản được luật sư của nữ du học sinh 19 tuổi này đọc trước tòa.
Zhai bị buộc tội tấn công bạo lực một cô gái 16 tuổi. Cô ta đấm và tát nạn nhân trong vụ việc vào tháng 3-2015 tại một nhà hàng và công viên ở Rowland Heights, phía đông thành phố Los Angeles. Các công tố viên cho biết 2 ngày sau vụ việc, nhóm của Zhai bắt cóc một người bạn cùng lớp 18 tuổi. Họ đưa cô bạn này tới một công viên rồi lột đồ, đánh đập, đấm, đá, nhổ nước bọt, dùng thuốc lá đốt và bắt người này tự ăn tóc của mình suốt 5 giờ.
AP dẫn lời các điều tra viên cho biết Zhai đã tấn công cô gái 16 tuổi vì cho rằng cô bé không tôn trọng mình. Trong khi đó, nạn nhân 18 tuổi bị hành hung vì một cuộc cãi vã liên quan tới một chàng trai và không thanh toán hóa đơn nhà hàng.
Hồi tháng trước, các bị cáo đã cam kết không phản đối tội bắt cóc và tấn công. Riêng cáo buộc tra tấn được đưa ra ban đầu, có thể khiến họ phải đối mặt với án tù chung thân, đã được hủy bỏ.
Nhóm sinh viên này nằm trong số hàng ngàn du học sinh Trung Quốc đang theo học ở Mỹ. Nhiều người trong số đó sống với các gia đình địa phương. Một số kéo nhau về ở tại khu vực Thung lũng San Gabriel, ngoại ô Los Angeles.
Trong tuyên bố của mình, Zai còn lớn tiếng trách móc cha mẹ ở quê nhà chính là một phần nguyên nhân dẫn tới những hành động của cô ta. "Họ đưa tôi tới Mỹ để có cuộc sống tốt hơn và giáo dục đầy đủ hơn. Kèm với đó là sự tự do, thực ra là quá tự do. Ở đây, tôi cô đơn và lạc lối. Tôi không nói với họ vì sợ họ lo lắng” – nữ sinh viên này trần tình.
Trong khi đó Yang nói rằng vụ án này là tiếng gọi cảnh tỉnh cho “hội chứng trẻ ô dù (ý nói những đứa trẻ Trung Quốc đang được cha mẹ bảo bọc đột ngột phải ra nước ngoài du học)”.
“Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc muốn con cái được hưởng những điều tốt nhất và cho chúng vượt ngàn dặm tới những mảnh đất xa xôi mà không được giám sát. Đó là công thức dẫn tới thảm họa” – Yang bày tỏ.
Đỗ Quyên (Theo AP)

Wednesday, February 24, 2016

Bà mẹ độc ác thường xuyên đánh đập 8 đứa con và bắt chúng uống nước rửa bát

8 đứa con đã bị người mẹ độc ác này bạo hành trong suốt 5 năm trời, sự việc chỉ bị phát giác bởi các nhân viên xã hội. Những đứa con cho biết, chúng thường bị mẹ đánh đập dã man và bóp cổ đổ nước rửa bát vào miệng bắt nuốt.
Bà mẹ độc ác thường xuyên đánh đập 8 đứa con và bắt chúng uống nước rửa bát
Những đứa trẻ khai, chúng thường xuyên bị mẹ đánh đập và bắt uống nước rửa bát
Một phụ nữ 39 tuổi đã bị buộc tội bỏ bê và đối xử nhẫn tâm với con cái do đã có hành vi đánh đập, bỏ đói và không quan tâm tới 8 đứa con của mình trong suốt 5 năm tại nhiều địa điểm khác nhau ở Ireland nơi gia đình này tới thuê nhà.
Tòa án tội phạm Galway (Ireland) tuyên bố người mẹ này đã vi phạm 29 điều về đối xử tàn nhẫn và bỏ bê trẻ em cùng với cáo buộc về 13 tội danh khác. 
 
Sáu đứa con từ 10 đến 19 tuổi đã đưa ra bằng chứng tại tòa là những đoạn video. Các em cho biết, người mẹ thường xuyên đánh đập, đấm các em bằng tay, thìa gỗ, thắt lưng da hay que gãi lưng bằng gỗ. Bà mẹ cũng thường xuyên vắng nhà, đôi khi lên tới vài tuần và bỏ mặc chúng cho những người đàn ông say rượu là bạn của bà này trông nom. 
 
Cô con gái lớn nhất, 19 tuổi nói rằng, bà mẹ đã từng cố gắng dìm chết cô trong bồn rửa bát khi cô 12 tuổi vì nói năng không đúng mực. Trong một lần khác, bà mẹ đã đập đầu cô gái vào tủ bếp khiến cô chảy máu.
 
Một người con gái khác 16 tuổi, cũng đưa ra thêm bằng chứng về sự tàn nhẫn của người mẹ. Em cho biết, em thường xuyên phải ở nhà để trông em và không được đến trường mỗi lần bà mẹ không ở nhà, có khi tới 4 - 5 ngày và em cũng thường xuyên bị mẹ đánh đập.
 
Cậu con trai 15 tuổi nói rằng, mẹ cũng đã 2 lần đẩy em xuống cầu thang sau đó nói dối nhân viên y tế về những vết thương của con mình. Bà mẹ thậm chí còn cố lái ô tô để tông cậu và một người em trai khác. Cậu bé cho biết, mẹ cũng thường xuyên đánh em bằng que gãi lưng gỗ và để lại những vết sẹo trên lưng và vai em.
 
Ngoài ra, bà mẹ này cũng thường xuyên bắt các con mình uống nước rửa bát bằng cách bóp cổ các em và sau đó đổ nước rửa bát vào miệng con.
 
Hàng xóm sống xung quanh cũng đưa ra bằng chứng, họ đã từng phải cho những đứa trẻ thức ăn và quần áo dù cho bà mẹ đã nhận tới 160,726 bảng Anh tiền trợ cấp xã hội trong quãng thời gian 5 năm. Theo 2 người con lớn thì số tiền này bao gồm tiền trợ cấp cho gia đình đơn thân, tiền thuê nhà, phụ cấp xã hội, tiền học phí và các khoản tiền chi trả một lần khác.
 
Qua những lời khai trên, bồi thẩm đoàn đã buộc tội người mẹ về tội ngược đãi và bỏ bê con cái. Công tố viên Shane Costello tuyên bố rằng hành động của bà mẹ 8 con này đã vượt xa sự trừng phạt về thể chất và gần như là hành động hành hung những đứa trẻ. Ông nói trước tòa rằng: “Đây không đơn thuần là một hành động mắng mỏ, trách phạt hay đánh đập trẻ em mà là một sự bạo lực thể chất nghiêm trọng”.
 
Bà mẹ độc ác thường xuyên đánh đập 8 đứa con và bắt chúng uống nước rửa bát
 
Tòa án tội phạm Galway (Ireland) đã không thể tin nổi những bằng chứng về sự dã man của bà mẹ này
 
Các nhân viên xã hội đã để ý tới vụ việc này lần đầu tiên vào năm 2006 và trong một lần tới kiểm tra bất ngờ, sự việc đã bị phát hiện và những đứa trẻ được đưa tới trung tâm bảo trợ và được nhận nuôi.
 
Bà mẹ độc ác này ban đầu đã phủ nhận hành vi của mình, bà đổ lỗi cho việc các con mình bị đưa đi là do ông bà chúng đã uống rượu say sưa không quan tâm đến các cháu. Bà này cho biết, khi đó mình đang trong chuyến đi nghỉ 4 ngày và khi quay về thì các con đã bị đưa đi. Tuy nhiên, sau đó bà ta đã phải nhận tội. Người phụ nữ này sẽ bị tạm giam để chờ tuyên án vào tháng 4 năm nay. Tên người mẹ và những đứa con đã không được công bố để bảo vệ an toàn cho bọn trẻ.
Phương Hoa (Dịch từ Mirror) 
Theo Tuổi trẻ thủ đô


   Nắng Xuân   .

Sáng nay nắng ấm ngoài sân
Sao lòng cảm thấy như dâng nỗi buồn
Buồn như trời đổ mưa tuôn
Cỏ cây cảnh vật cũng luôn âu sầu

Trời buồn đổ giọt mưa ngâu
Người buồn nước mắt vì đâu nhạt nhoà
Nhớ quê nhớ mẹ nhớ nhà
Nhớ thời áo trắng ngọc ngà tuổi thơ

Nhớ bao kỷ niệm ban sơ
Buồn vui san sẻ bơ vơ xứ người
Hoa xuân hé nụ xinh tươi
Gió xuân mát dịu ngập tràn mắt môi


Sao Linh
2016

Tuesday, February 23, 2016

Tuesday, February 9, 2016


Nhà khoa học nữ gốc Việt tỵ nạn cộng sản trong top 

   ảnh hưởng nhất thế giới 


Tuổi thơ theo mẹ đi khắp nơi để kiếm sống, sang Mỹ thì bị bạn bè chê cười vì không biết tiếng Anh, nhưng Nguyễn Thục Quyên đã vượt qua tất cả và trở thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới. 

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia đình thượng lưu gồm 5 anh chị em. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, mẹ chị - một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để sinh nhai. 
Lúc 5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước... Cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ đeo bám cho đến năm 1986 khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá - Vũng Tàu, Quyên mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.

Nhọc nhằn nơi xứ người

Tháng 7/1991, chị cùng bố mẹ và 5 anh chị đến Mỹ định cư. Hai năm đầu, các anh chị em của chị Quyên cứ đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Nhưng chị thấy ổn vì được làm điều mình thích mà không sợ người khác dị nghị. 
"Khi còn ở Việt Nam, gia đình đã vất vả rồi, nên khi sang Mỹ tôi phải cố gắng hơn rất nhiều để có được cuộc sống tốt hơn", chị Quyên chia sẻ. Để tự khẳng định bản thân nơi đất khách quê người, chị đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí.
Vất vả với bao tủi nhục khi bị nhiều người coi thường càng khiến chị có thêm động lực vươn lên. "Có giáo viên chế nhạo tôi trước cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Một ông người Mỹ còn nói thẳng với tôi hãy về nước của cô đi", chị nhớ lại và cho biết ở Mỹ vẫn còn một số người phân biệt kỳ thị như vậy. "Thậm chí có đồng nghiệp lúc ở trường không bao giờ nói chuyện với tôi mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài lần", nữ giáo sư nói.
Tháng 9/2003, người cô họ cho chị ở cùng nhà, nhưng chị phải dọn dẹp, nấu nướng, đi chợ và chạy việc vặt cho cô. Thời gian này, chị xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Chị đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. Ban ngày đi học, ban đêm chị tìm lớp học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học.
 
Thấy bố mẹ vất vả làm trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản thân thất bại mà cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những bạn cùng trang lứa. Để có tiền học, chị xin làm thêm trong thư viện trường từ 17h đến 22h mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ nên phải vay thêm tiền của Chính phủ.

Tháng 9/1995, chị xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Chị xin làm nghiên cứu nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận. Sau khi tốt nghiệp bằng đại học Hóa năm 1997, chị nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm chị đã có bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa và quyết định học tiếp tiến sĩ. Thật bất ngờ, cuối năm của chương trình này chị là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.

Tháng 6/2001, chị nhận bằng tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên chị từng rửa chén cho họ trong phòng thí nghiệm trước đây. Ra trường chị đạt giải thưởng xuất sắc ngành Lý - Hóa. Tháng 9/2001, được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng chị từ chối và đến làm ở Đại học Columbia, New York.
Ba năm sau chị bắt đầu làm việc ở Đại học California, Santa Barbara và mất hơn hai năm xây dựng hai phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, chị đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Chị còn xin hơn 10 triệu USD cho những dự án nghiên cứu, được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn cho công trình nghiên cứu.

"Bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn thường bảo hồi ở quê học dốt thế mà sao qua Mỹ học giỏi ghê thế. Tôi trả lời rằng ngày xưa làm gì có thời gian để học vì còn phải phụ giúp gia đình", vị giáo sư nói. 

Peter Thanh Nguyên


.

Saturday, February 6, 2016


   Xôi Gấc của Van Tran   .
Đêm giao thừa đầu tiên trên đất Mỹ


Tôi xuống máy bay ở phi trường Logan, Boston khoảng 10 giờ tối, một ngày cuối tháng 11, 1981 trong cái lạnh se người. Tôi và T., một người tỵ nạn cùng chuyến và nhỏ hơn tôi vài tuổi, nhìn quanh không thấy ai. Chờ khoảng mười phút, chúng tôi tự động lần mò theo lối đi có chữ Exit để ra ngoài.
Bác Tôn Thất Ân làm việc cho Viện Quốc Tế (International Institute of Boston) có nhiệm vụ đón chúng tôi ở phi trường. Ngày đó, người đi đón có thể vào tận cửa nhưng bác ngồi chờ ở trạm lấy hành lý vì nghĩ thế nào chúng tôi cũng ra đó trước.
Tôi không có hành lý gì cả ngoài một túi nhỏ cầm trên tay, trong đó chứa vài bộ áo quần và những giấy tờ cần thiết. T. cũng thế. Bác thấy chúng tôi nên rời khỏi ghế bước lại gần. Bác Ân không lạnh lùng nhưng cũng không quá miềm nở. Bác làm việc đón đưa mỗi ngày theo phận sự một nhân viên có lương chứ không phải đón mừng một thân nhân từ bên kia trái địa cầu vừa đến.
T. có bà con ở Boston còn tôi đến một mình. Lát nữa, bác Ân sẽ đưa T. đến nhà bà con của chú ấy, và sau đó sẽ mang tôi đến nơi tạm trú đầu tiên trong hành trình tỵ nạn còn mờ mịt và chông gai của mình. Sau này gần gũi bác nhiều hơn, tôi biết bác Ân rất bao dung, rộng lượng và đầy tình nhân ái nhưng tính tình hơi nghiêm nghị. Tôi gặp lại bác Ân nhiều lần khi bác còn ở Boston và luôn nghĩ đến bác như một người ơn lớn của mình.
Cuối tháng 11, trời Boston khá lạnh. Với một người đến từ vùng nhiệt đới và cô đơn như tôi càng cảm thấy lạnh hơn nhiều.
Nhớ lại vài giờ trước đó, người đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt làm cho cơ quan thiện nguyện. Người con gái Huế có đôi mắt đẹp và giọng nói ngọt ngào, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tôi nhỏ con nên muốn một chiếc áo cỡ nhỏ. Người đẹp nhìn tôi như thương hại cho thân hình ốm yếu nhưng lắc đầu và chỉ vào thùng áo cùng một cỡ như nhau.
Nếu ở trường Luật Sài Gòn, tôi đã cám ơn đôi mắt ấy một bài thơ tả tình đầy sáo ngữ nhưng ở Chicago hồn thơ cũng đã lạnh cóng như mặt hồ Michigan gần đó. Từ Chicago, đoàn tỵ nạn từ Philippine chia tay nhau lên máy bay nội địa đi về nhiều ngã. Bầy chim xa mẹ vốn lẻ loi lại càng lẻ loi hơn.
Bác Ân lái xe đưa chúng tôi ra khỏi phi trường nhưng không đến thẳng khu nhà chúng tôi ở. Bác bảo phải ghé lại Viện Quốc Tế trên đường Commonwealth trước cho biết chỗ vì kể từ ngày mai chúng tôi sẽ phải đến đó nhận tiền ăn cho đến khi được cấp welfare (một loại tiền trợ cấp của chính phủ dành cho người nghèo khó), và cũng luôn tiện lấy thêm đồ dùng. Bác lấy một chiếc nệm mỏng và bảo đó sẽ là của tôi.
Bác đưa T. về với bà con của chú ấy trước sau đó đưa tôi đến khu nhà số 15 đường Park Vale ở Allston, cách Boston chừng 10 dặm. Khi đó căn nhà đã có nhiều người ở trước. Tôi nhập chung với một số người ở tầng hai. Tầng ba cũng có vài gia đình người Việt trong đó có gia đình anh chị Liêm mà tôi vừa gặp lại ở Atlanta đầu năm nay sau hơn ba mươi năm xa cách. Tôi rất mừng khi gặp lai anh chị. Ngày xưa chúng tôi ở chung một khu nhà nhưng ít có dịp chuyện trò vì đời sống quá tất bật khó khăn. Bây giờ khi bước qua rồi và nhìn lại chúng tôi mới thấy quý khoảng không gian và thời gian chung sống.
Tôi đến sau và được xếp nằm gần cửa sổ nhưng chắc không phải là một ưu tiên. Nằm gần cửa kính thường lạnh hơn và gió lọt vào. Sau này mới có giường nhưng mấy tháng đầu ai cũng nằm dưới sàn gỗ. Cảm giác bất an tràn ngập kín trong lòng. Tất cả đều xa lạ. Từ những người chung quanh đến cảnh vật mùa đông, không ai và không có một ngoại cảnh nào có thể gọi là cảm thông, chia sẻ với mình.
Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông đầu rét buốt. Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ.
Tôi đã băng qua nhiều ngọn núi trong đời mình nhưng những năm đầu trên đất Mỹ là ngọn núi cao nhất. Tôi phải vượt qua, nếu không, tất cả các thành tựu trong quá khứ sẽ trở thành vô nghĩa.
Đúng giao thừa, người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa.
Thấy anh chuẩn bị cúng, tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách. Không có tiếng khóc trong đêm giao thừa đầu tiên nhưng lòng ai cũng nặng trĩu ngậm ngùi.
Không nói ra, nhưng hình như người nào cũng sợ phải đối diện với nỗi cô đơn, lạc lõng trong đêm giao thừa. Chúng tôi, thay vì về lại phòng mình, ngồi quây quần nhau chung quanh chiếc bàn dài. Vài đĩa cánh gà chiên. Vài lon bia. Một bình trà. Những bầu tâm sự. Mẹ già. Người yêu. Bè bạn. Những câu chuyện vượt biên hồi hộp và gian khổ.
Có một điều không ai trong chúng tôi đã hối tiếc việc ra đi. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe chặng đường nguy hiểm của mình một cách hảnh diện. Thành quả dù lớn hay nhỏ cũng đều có giá và tự do thường phải trả giá đắt nhất, đôi khi bằng chính mạng sống của con người.
Năm 2010, nhân ngày 30 tháng 4 đài VOA có phỏng vấn tôi lý do ra đi và tôi trả lời, bởi vì “Quê hương Việt Nam sau 30-4-1975 là quê hương để nhớ để thương chứ không phải để sống”.
Và như thế, tôi đón cái Tết đầu tiên với những người xa lạ nhưng vô cùng cần thiết trong đời sống mới, những người đã gọi nhau là đồng hương và tôi cũng được hưởng thêm một tình cảm mới mà chúng tôi gọi là tình đồng hương. Giống như một gia đình, lắm khi vui và cũng có khi buồn nhưng từ những bước đầu khó khăn, nhỏ nhoi và vui buồn đó, cộng đồng Việt Nam đã được sinh ra và lớn lên vững mạnh đến hôm nay.

Trần Trung Đạo
(Ảnh chụp khi hạ cánh xuống phi trường Boston trong một chiều đầu đông)

Friday, February 5, 2016

CÓ MỘT KIỂU TÌNH YÊU NHƯ THẾ



Cảm ơn người đã thực hiện video nầy, vừa coi vừa khóc, cảm động quá.

Thursday, February 4, 2016

Khúc Hoan Ca cho Dân Chủ và Nhân Quyền




Xuân Tha Hương

Xuân ở nơi đây cũng mai vàng
Người người nô nức đón xuân sang
Sao lòng chạnh nhớ quê ngày cũ
Tết đến quê hương pháo ngập đàng

Xuân ở nơi nầy bánh tét chưng
Lì xì phong đỏ trẻ vui mừng
Xứ người tập tục ta vẫn giữ
Con cháu Tiên Rồng rạng danh xưng

Xuân ở nơi đây hôi chợ hoa
Lan hồng huệ đỏ bánh mứt trà
Đầu năm lễ Phật thành tâm khấn
Cơm no áo ấm ở quê nhà

Sao Linh



Về Trong Tỉnh Thức

Em đừng mãi loay hoay tìm chỗ đứng
Cần hỏi mình rằng: '' phải Sống làm sao? ''
Vẫn có đấy, những người trong thầm lặng
Cúi xuống tận cùng mà hồn lại thanh cao!.

Đời lắm lúc vui cũng làm ta khóc,
Mà buồn tênh.. vẫn khiến rộ môi cười?
Hạnh phúc đến từ những điều bình dị
Trong chập chùng mưa nắng, giữa buồn, vui..

Đời đau khổ vì biến thành nô lệ
Cho '' hồn ma bóng quế '', những phù hư..
- Người nghèo khó dẫu tiền rừng bạc bể
Còn ta giàu dù.. túi chẳng một xu.

Em đừng mãi đi xa tìm hạnh phúc
Hãy yên ngồi nhận diện ở chung quanh..
Có đôi lúc thiên đường và địa ngục
Chỉ cách nhau bằng một sợi tơ mành..

Đời bể khổ - ta có quyền không khổ
Thân buộc ràng, ai nhốt được hồn mây?
Lòng thanh thản niềm vui tìm bến đổ
Khổ vì ưa ước hẹn kiếp lưu đày.

Thôi đừng mãi băn khoăn tìm lẽ sống
Lý tưởng là... tưởng có lý thôi em!
Sống Tỉnh Thức giữa chập chùng ảo mộng
Hạnh phúc theo hơi thở đến bên thềm...


Như Nhiên - (Thích Tánh Tuệ)

   Trong Khoảnh Khắc   .

Trong khoảnh khắc thấy nỗi buồn chơ vơ
Lòng tự hỏi tháng năm nào vây kín
Và sầu kia chín rụng tự bao giờ
Hay tím ngắt giữa dòng đời xao lãng

Trong khoảnh khắc thấy biển, đời lai láng
Chợt miên man thấy khoảng trống mơ hồ
Tình là chi sao nhân thế đổ xô
Rồi quay quắt như ngây ngô tình ái

Trong khoảnh khắc tôi thấy đời ấm lại
Mộng lòng như thắm mãi chuỗi ngày xanh
Hạnh phúc dù chỉ một thoáng mong manh
Tôi vẫn thấy trời trong xanh gió mát

Trong khoảnh khắc tình yêu đàn tôi hát
Con thuyền tình trôi dạt giữa mênh mông
Vẫn nghe tim ru trọn giấc mơ hồng
Và sóng vẫn bềnh bồng khua nỗi nhớ

Dê Hát


********************

Trong khoảnh khắc

Trong khoảnh khắc nỗi buồn nào trổi dậy
Tự hỏi lòng sao nhiều nỗi bâng khuâng
Mối sầu riêng ấp ủ tự bao giờ
Vẫn cô đọng giữa dòng đời trôi mãi

Trong khoảnh khắc cõi lòng như ấm lại
Một chút gì làm xao xuyến bâng quơ
Tình là chi sao đời quá hững hờ
Trong đêm vắng nghe giọt sầu nức nở

Trong khoảnh khắc trái tim buồn trăn trỡ
Hạnh phúc ở đâu tìm mãi không ra
Mơ mộng nhiều tình võ cánh bay xa
Nghe buốt giá trái tim như rạn vỡ

Trong khoảnh khắc khúc tình ca dang dỡ.
Biển lạnh lùng đồi núi cũng hoang sơ
Lời hẹn xưa như một thoáng tình cờ
Xin từ giã một quãng đời ngây dại

Sao Linh

   MÂY VIỄN XỨ   ,
Mây trôi bàng bạc bốn phương
Nhớ về quê mẹ lòng thương dạt dào
Ra đi nước mắt dâng trào
Làm thân viễn xứ nghẹn ngào xót xa…

Bao giờ trở lại quê nhà
Cho tôi được ngắm trăng tà ngày xưa
Sai Gòn nắng sáng chiều mưa
Dòng sông lờ lững hàng dừa nên thơ

Con đường đưa đón đợi chờ
Buổi chiều tan học áo dài ngẩn ngơ
Cho tôi xin lại giấc mơ
Tìm trong quá khứ tuổi thơ ngày nào

Chiều thu hoa lá xôn xao
Mây trôi về chốn phương nào hở mây?
Bao giờ hát khúc sum vầy
Hết đời lưu lạc ngắm mây quê nhà

Sao Linh

===============================


MÂY QUÊ HƯƠNG
Bồng bềnh tám hướng mây bay
Thương người viễn xứ đó đây lạc loài
Lệ tuôn nhỏ xuống u hoài
Quê nghèo thổn thức sầu ai dâng trào

Mong ngày tao ngộ biết bao
Trăng khuya hiu hắt bên ao chờ người
Sàì thành buồn bã ngủ vùi
Phố phường tẻ lạnh mây trôi hững hờ

Tìm đâu ngày tháng nên thơ?
Thuở xa xưa ấy tuổi thơ ngọc ngà
Hàng dừa già cội bên nhà
Lá khô rụng đã xoá nhoà bức tranh!

Bốn mùa vẫn mãi qua nhanh
Cao bay lơ lửng mây xanh cuối trời
Hẹn ngày tao ngộ ai ơi
Một vầng vần vũ đổi đời có nhau

Minh-Nguyệt

Monday, February 1, 2016


   Tôi muốn được đặt chân tới Mỹ!   .

Đó là điều mơ-ước cháy-bỏng của tôi từ khi biết nhận- thức sau khi rời Trung-Học để bước vào đời! Vì sao ư? Để tôi tìm hiểu về nền văn-hóa, chính-trị, giáo-dục, kinh tế của nước này. Để tôi tự trả lời cho nhiều câu hỏi cứ thôi-thúc trong đầu mình bao nhiêu năm qua, từ khi tôi biết nhận-thức về đời sống!

Tôi muốn đến Mỹ, để tôi hỏi vì sao đồng-bào tôi có mặt ở đây! Và sự ra đi này kéo dài hơn một thế-hệ rồi, mà đến bây giờ hang ngày đi ngang Tòa Đại-Sứ Mỹ ở Sài-Gòn vẫn còn lũ-lượt người chờ đợi một tấm vé đặt chân vào Mỹ! Dù đất nước Việt tôi im tiếng súng đã lâu! Từ khi tôi chưa chào đời!!!

Tôi muốn đến Mỹ xem coi có phải đó là Thiên-Đường không? Mà đồng-bào tôi, bạn bè tôi sau khi định-cư vài năm có trở về thăm quê, họ như một con người khác! Lịch-sự, nhã-nhặn! Có kiến-thức giỏi-giang hơn rất nhiều!!! Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên đôi hia bảy dăm đó?

Tôi muốn đi để hỏi các cô gái lấy chồng “Việt Kiều Mỹ” niềm vui rạng-ngời hơn các cô gái phải bán thân đi Đài-Loan, Hàn-Quốc, Campuchia...?

Tôi muốn đi để thấy, để biết Tổng-Thống Mỹ có phải ông Trời không? Mà sao cả thế-giới phải nghe-ngóng, chờ-đợi mỗi mùa bầu-cử Tổng-Thống Mỹ?

Và tôi muốn đi để hỏi các Chú Bác những chiến-hữu của Ba tôi ngày xưa, được chìa khóa HO để đến thiên-đường nước Mỹ! Có còn nhớ đến bạn bè chiến hữu, quê hương hay không? Mà sao ai cũng chen chân bỏ lại“chùm khế ngọt!" mà hân-hoan làm kẻ lưu-vong???

Tôi muốn gặp những người cùng lứa tuổi tôi là Người Mỹ Gốc Việt để thử xem cách xa hai nửa bán cầu, tuổi trẻ có gì giống và khác nhau?

Cuối cùng, tôi muốn đi để xem vì sao, hấp lực gì mà hàng triệu người miền Nam đổ xô ra biển không định-hướng những năm sau 1975 đến những năm 1990 và tiếp-tục đến bây giờ bằng nhiều cách?

Nhưng đường đến nước Mỹ với mình chắc xa diệu-vợi! Thôi thì các Chú, Bác anh em đồng-bào ở Mỹ có ai còn tâm- tình với những người bên này vui lòng trả-lời dùm tôi, một thanh-niên 30 tuổi những câu hỏi vừa nêu, để tôi khỏi khắc- khoải về một nước Mỹ vô cùng lạ-lẫm, và thần-kỳ! Nếu vậy, thì âu cũng là một niềm vui lớn rồi! Chứ chưa dám nghĩ ngày nào đó mình đặt chân đến Mỹ quốc!!!

Mong lắm thay!

Nguyên Giang