Tuesday, September 29, 2015


    Cơn Gió Thoảng   .

Đã lâu không làm thơ
Biết ai có mong chờ
Hay chỉ là mơ mộng
Để lòng buồn vu vơ

Buồn để mà làm chi
Cho lệ ướt viền mi
Đời người như gió thoảng
Suy tư có được gì

Sao Linh


   Thức Chưa Em   .

Trời đã sáng rồi thức đi em
Đêm qua giấc ngủ chắc êm đềm
Có đem mộng đẹp vào chăn gối
Say đắm cho tình sâu đậm thêm

Anh gửi vần thơ đến cho mình
Ý hòa êm dịu với bình minh
Nắng vừa đến ngõ thơ cùng đến
Gửi nhớ thương người em gái xinh

Trời đã sáng rồi em thức đi
Đêm qua bên ấy em mơ gì
Hoa xuân em có đem vào mộng
Hương có vương buồn lên đôi mi

BHL

Wednesday, September 23, 2015

Chàng trai dừng lại sửa xe giúp một bà cụ, và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được điều này 



Một hôm một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị xẹp lốp đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề đậu phía trước chiếc xe Mercedes của bà rồi bước xuống

Chiếc xe Pontiac cũ kĩ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ không một ai dừng xe lại để giúp bà.
Nhìn bề ngoài của người đàn ông này, bà cụ lo lắng liệu anh có thể hãm hại bà không? Người đàn ông đã có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà lão đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh hiểu cảm giác lo sợ của bà như thế nào. Cái run đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta.
Anh nói: “Tôi đến đây là để giúp bà thôi. Bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm áp? Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên là Bryan Anderson”.Thật ra thì xe của bà chỉ có mỗi vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi.
Bryan bò xuống phía dưới gầm xe, tìm một chỗ để con đội vào và lại bị trầy da chỗ khuỷ tay cũng như lòng bàn tay một hai lần gì đó. Chẳng bao lâu anh đã thay được bánh xe nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau rát.Trong khi anh đang siết chặt ốc bánh xe, bà cụ xuống và bắt đầu nói chuyện với anh. Bà cho anh biết bà từ St. Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường.
Bà không thể cảm ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà.Bryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nắp thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Bryan chưa hề nghĩ đến là sẽ được trả tiền, đây không phải là nghề của anh. Anh chỉ giúp người đang cần được giúp đỡ vì Chúa, hay chính bản thân anh cũng biết rằng đã có rất nhiều người trong quá khứ ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại.
Anh nói với bà cụ nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ thì bà có thể cho người ấy sự giúp đỡ của bà, và Bryan nói thêm: “Và hãy nghĩ đến tôi…”
Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu lên xe của mình đi về. Hôm ấy là một ngày ảm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà.Chạy được vài dặm trên con lộ, bà cụ trông thấy một tiệm ăn nhỏ.
Bà ghé lại, tìm cái gì để ăn và để đỡ lạnh phần nào, trước khi bà đi đoạn đường chót về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trông có vẻ không được thanh lịch. Bên ngoài là hai bơm xăng cũ kỹ. Cảnh vật rất xa lạ với bà. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi, mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt.
Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù phải đứng suốt ngày để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng tám tháng gì đó nhưng dưới cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ.Rồi tự nhiên bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Bryan hồi nãy. Bà cụ vẫn còn thắc mắc, không hiểu tại sao một người nghèo đến độ thiếu thốn mà lại sẵn lòng giúp đỡ một người lạ như bà mà không đòi hỏi sự trả ơn chi hết?
Sau khi bà ăn xong, bà trả bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để trả lại tờ bạc thừa của bà cụ nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi mất. Chị hầu bàn thắc mắc không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi để ý trên bàn chị thấy có dòng chữ viết lên chiếc khăn giấy lau miệng…
Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết:
“Cô sẽ không nợ tôi gì cả. Tôi cũng đã ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô. Có ai đó đã một lần giúp tôi giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm: Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô”.
Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 USD.Tối hôm đó, khi đi làm về và leo lên giường nằm, chị vẫn còn nghĩ về số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào mà bà cụ đã biết chị và chồng của chị hiện đang cần số tiền ấy?
Với sự sanh nở đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn… Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh: “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Em thương anh, Bryan, ạ!, hãy làm điều tốt thì sẽ gặp được chuyện tốt, dù bạn không trông thấy họ nhưng họ luôn luôn có mặt ở đâu đó!
Fb

Saturday, September 19, 2015


NHẪN TÂM CÕNG MẸ BỎ TRONG RỪNG SÂU VÀ ... CÁI KẾT CUỘC BẤT NGỜ!
Ai cũng có một khoảng trống trong tâm hồn, khoảng trống đó để con người ta hồi tưởng, suy nghĩ và chiêm nghiệm ra mọi điều trong cuộc sống. Hãy dùng khoảng trống tâm hồn đó để ngẫm về cuộc sống qua câu chuyện dưới đây.
******
Chuyện kể rằng, có một chàng trai nọ không thể lo được cho mẹ già, anh cảm thấy bà như một gánh nặng thực sự khi mỗi ngày phải chăm lo cho từng miếng cơm, cốc nước. Chàng trai đã quyết định mang bà mẹ vào một khu rừng để chối bỏ trách nhiệm phụng dưỡng.
Kế hoạch như đã định, tối đến, chàng trai đã thủ thỉ với mẹ rằng anh muốn đưa bà đi dạo. Anh cõng mẹ trên lưng, men theo con đường mòn trên núi và đi tít vào sâu trong rừng. Trong thâm tâm chàng trai nghĩ rằng mẹ anh sẽ không thể nào tìm được đường về nhà, anh cứ cắm đầu đi mãi, đi mãi.
Bỗng dưng chàng trai phát hiện mẹ anh đã bí mật rải những đậu tương trên đường đi, anh tức giận hỏi: “Sao mẹ lại làm điều này?”. Bà mẹ bật khóc và trả lời: “Con ngốc lắm! Mẹ sợ không có mẹ con sẽ không tìm được đường về nhà”.
FB
Cô gái bị bệnh Down trở thành siêu sao người mẫu nhờ    Facebook !    .





Madeline Stewart , 18 tuổi , bị bệnh Down . Căn bệnh này là bẩm sinh , do nhiễm sắc thể số 21 bị phân hoại trong gene . Người bị bệnh Down thường bị si khờ , mặt mũi xấu xí vì mắt xếch và lé , mũi tẹt , miệng rộng , khuôn mặt mập tròn như trái dưa ..v..v.. Nhiều cha mẹ thất vọng vì con bị bệnh Down đã tìm cách bỏ con của mình đi , thậm chí đem bỏ vào viện mồ côi chứ không nuôi .
Nhưng ở các nước tự do dân chủ , điều kiện y tế tốt , điều kiện an sinh xã hội tốt , con người nhân bản và biết tôn trọng nhân quyền hơn , nên những người bị bệnh Down như Madeline được sự hỗ trợ tuyệt đối để có thể phát triển đúng mức , sống đời sống bình thường nhất có thể .
Madeline từ bé thích làm người mẫu . Mẹ cô chiều con , luôn cho cô mặc quần áo đẹp , trang điểm và làm đầu tóc cho cô . Hai tháng trước , khi được 18 tuổi , mẹ Madeline ăn mừng cho con bằng cách đưa cô đi tiệm chụp hình kiểu mẫu . Nhiếp ảnh gia khéo léo lựa góc độ đúng để giấu đi những khiếm khuyết của cô , khiến cho Madeline có được bộ ảnh thời trang thật đẹp .
Mẹ của Madeline đăng ảnh cô lên Facebook để khoe với bạn bè . Mọi người đều trầm trồ khen ngợi và khi được biết cô bị bệnh Down thì càng nhiệt tình ủng hộ hơn nữa . Một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở New York khi biết đến cô , đã lập tức mời cô đến phỏng vấn và quyết định cô rất có tố chất làm người mẫu và đã lập tức cho cô lên sân khấu trình diễn .
Hiện nay trang Facebook của Madeline đã có hơn 500 000 người hâm mộ , trên Instagram có 80 000 người theo dõi .
Madeline nói " Tôi rất biết ơn tất cả đã ủng hộ tôi và tin tưởng tôi . Đầu tiên là mẹ tôi , sau đó là tất cả mọi người . Thế giới này thật là dễ thương ! "
Mong rằng tất cả các cha mẹ trên thế giới này , hãy lắng nghe nguyện vọng của con của mình , và hãy cho con 1 niềm tin và 1 cơ hội .

Wednesday, September 16, 2015

   Mối Tình Câm   .

Lúc tôi học đệ Tam trường Chu Văn An, học thì ít mà lang thang khắp làng trên xóm dưới thì nhiều. Một ngày kia tôi đánh nhau với mấy đứa trẻ cùng tuổi trong xóm rồi sợ bị tụi nó trả thù nên mẹ tôi cho tôi đi lánh nạn cộng sản xa xôi mãi tận vùng chợ cá Trần Quốc Toản Sàigòn, xa nơi tôi trú ngụ mãi hơn 1 cây số đường chim bay. Ôi cánh chim giang hồ xa nhà đi tị nạn và vui trong bụng nhưng cũng nhớ nhà vì không được về.

Tôi tạm trú nhà bà bác, bà bác này cũng đang tạm trú nhà ông anh họ xa của tôi đang là Trung Sĩ tiếp liệu. Nhà anh trong khu gia binh, tường gạch nhưng mái tôn nóng bỏng cả người. Sau nhà là sân sau với một bể nước cộng với cái chum nước và cái gầu để múc nước tắm giặt. Sân sau nhà bên cạnh giáp sân sau với nhà ông anh và chia đôi bằng một hàng Mồng Tơi thứ thiệt.

Một bữa kia tôi đang khoan khoái với gáo nước lạnh dội lên người thì hoảng hốt vì thấy một bóng hồng thấp thoáng bên kia dậu mồng tơi thưa thớt lá. Ôi cái thân còm và cái quần xà lỏn biết trốn đâu bây giờ. Tôi cũng không biết bóng hồng đó có nhìn thấy tôi hay không.

Tôi biết đến nàng từ dạo đó.

Từ ngày ấy, thỉnh thoảng đi học về tôi lại thấy nàng loáng thoáng trước sân. Khi thấy tôi nàng lại tụt vội vô nhà. Tôi thì bâng khuâng nhè nhẹ, đúng là cái thủa ban đầu.

Rồi năm tháng trôi qua, không phải, vài ngày trôi qua, cái vụ nhìn nhau cái vụt rồi mất nhau cái vèo cứ tiếp diễn đôi ba bận một ngày. Có lúc đang chơi ngoài sân tôi cảm tưởng có đôi mắt nào đang nhìn, quay lại thì chắng thấy ai ngoài con chó nhà nàng đang xa vời đôi mắt không hồn nhìn tôi gừ gừ. Bị hụt mấy lần như vậy tôi cũng không tin vào giác quan thứ sáu của tôi nữa. Đôi khi thì cũng thấy đôi mắt của nàng thiệt, đôi mắt như muốn làm quen. Nó có cái vẻ say hello và cũng có vẻ why it takes so long. Lúc ấy cũng gần tết, trong lớp có làm bích báo và tôi lại lãnh nhiệm vụ thu góp bai vở để mấy anh bạn khác viết lên giấy dán lên tờ bìa lớn. Tôi mang giấy bút ra làm thơ cho nàng dạo mùa đông lạnh năm đó. Bài thơ này đuọc đăng cẩn thận trên tờ báo xuân của lớp. Bài thơ rất hay dù không ai khen nhưng tôi quên rồi nên không chép được vào đây.

Sau khi làm được bài thơ để đời, tôi trở thành thi sĩ của tình yêu. Đọc và nhìn bài thơ đăng trên bích báo của lớp mà thấy rõ ràng đây là một mối tình lớn, lớn lắm. Nó có cái dậu mồng tơi, có cái e lệ, có cái không nói, có cái nàng bắt gặp tôi đang tắm, có cái nhìn nhau mấy bận một ngày, có bài thơ tặng người không tên, có cái bài thơ không gửi và có cái đau thương của một mối tình câm nín. Nguyễn Bính (?) cũng có như vậy là cùng, mà Nguyễn Bính thì lớn hơn tôi nhiều khi làm bài thơ Cái Dậu Mồng Tơi đó; còn tôi thì chắc chiếm kỷ lục về làm thơ cho người hang xóm nhỏ xíu.

Một hôm bên này tôi nghe được nàng to tiếng cãi nhau với anh hay em nàng bên kia dậu. Lúc đó tôi đang ở trong nhà, không đi học vì chân đau không tản bộ đến trường được. Tôi buồn vô hạn vì tiếng cãi nhau của nàng làm tôi thẫn thờ một lúc lâu, và đó là lần đầu tiên trong đời sống ngắn ngủi tôi cảm biết nỗi buồn là gì.

Tôi cứ nghĩ ngợi suốt ngày hôm đó, và cũng không ra sân cả ngày vì không muốn cho nàng biết là tôi ở nhà, sợ nàng nghĩ rằng tôi nghe được tiếng nàng cãi nhau mà thất vọng chăng. Tôi sợ nàng buồn nếu biết được là tôi đã nghe nàng to tiếng .

Chiều hôm đó, khi ông anh tôi đi làm về, tôi có hỏi anh là tại sao tiếng nàng như vậy. Anh cho biết là nàng bị gần như câm từ nhỏ, chỉ ú ớ được thôi chứ nói không thành chữ, nhất là khi bực bội thì giọng lại càng ú ớ nữa. Nàng cũng không được đi học, từ nhỏ đến giờ đã 12 tuổi rồi mà vẫn ở trong nhà không đi đến đâu. Nàng cũng gần như điếc nữa nên không nghe và hiểu ai nói gì, nhất là người lạ.

Tôi làm thơ buồn từ dạo đó, mặc dù cả mấy chục năm cũng không có làm được bài thơ nào. Sau hôm đó tôi cũng vẫn nhìn nàng nhưng trong bụng thì không biết phải nghĩ gì. Tôi cũng muốn thân với nàng để nàng có người trò chuyện dù khó khăn . Chắc nàng cũng muốn có một “anh láng giềng” để nói chuyện nhưng làm sao ngỏ lời được. Tôi biết vậy và dù có muốn làm quen với nàng thì cũng không biết phải bắt đầu thế nào. Tôi biết chắc là nàng không biết rằng tôi đã biết cái bí mật đau thương nàng đang gánh chịu và tôi lại bắt đầu mỉm cười với nàng khi hai đứa tình cờ nhìn thấy nhau để cho nàng cái cảm tưởng là cũng được săn đón thân thiện. Tôi cố xử với nàng như bình thường, còn hơn bình thường nữa vì nếu là bình thường thì tôi vẫn nhìn thoáng nàng thôi, nhìn mà như là không nhìn .

Thế thôi. Chỉ có vậy thôi.

Tôi nghĩ đến nàng nhiều năm sau đó, nghĩ đến thôi vì tôi trú tại nhà ông anh có vài tuần. Cho đến khi đi tôi cũng không chào nàng vì đã nói chuyện với nhau câu nào đâu. Tôi vẫn nghĩ hoài, nếu yêu ai sau này, làm sao nàng có thể thố lộ tâm tình với người đó. Tôi nghĩ rằng nàng là người có chiều sâu và sẽ có nhan sắc . Chắc nàng chỉ có nụ cười buồn làm quen và tủi thân khi nàng lớn lên chút nữa, đến tuổi mơ mộng.

Mấy chục năm sau, khi gặp lại ông anh bên Mỹ tôi hỏi thăm về nàng thì được biết rằng cho đến 30 chục năm sau từ ngày ấy, nàng vẫn chưa có chồng và vẫn sống với bà mẹ già trong một ngôi nhà nghèo nơi khác. Nàng cũng không một lần hỏi đến tôi, nhưng không biết nàng có giây phút nào nghĩ đến anh học trò gầy còm đeo kiếng cận. Riêng tôi thì cái hình ảnh nàng cười không nói đã in sâu vào tiềm thức, và cũng từ đó tôi thích người phụ nữ đôi khi cũng chỉ mỉm cười xa vắng…. Đôi khi thôi.

Bùi Hồng Lĩnh

Monday, September 14, 2015

Lòng Chung Thủy


Đêm, sau một giấc ngủ ngắn, tỉnh dậy thấy hai bài viết về cái Đẹp, tôi cũng mạn phép viết một bài. Khi nói đến cái Đẹp của người phụ nữ (còn nhiều thứ đẹp khác), tôi nghĩ ngay đến "Lòng Chung Thủy". Trong lúc ..tỉnh táo, tôi xin viết tặng bài này cùng mấy bài thơ viết vội (ngoại trừ bài đầu, của một ngươì bạn cũ) cho mấy cô cháu của tôi, và cho những người con gái VN có cùng tâm trạng. Mong bỏ qua nếu tôi viết không đúng.

Tự nhiên đêm nay tôi lại chỉ muốn nói đến cái đẹp của sự thủy chung, không những sự thủy chung của những cuộc tình đạt được hạnh phúc lứa đôi mà là những cuộc tình dang dở.
Người con gái mới lớn, quay trở về một thế hệ trước, có những mơ mộng và tưởng tượng mà người con trai không thể nào hiểu nổi. Họ mơ mộng về người yêu tương lai, nhưng không nghĩ người yêu tương lai như chỉ là người yêu xuông, mà là một người họ sẽ chung sống trọn đời, mặc dù chưa biết người ấy là ai. Sự chung thủy đã bắt đầu từ giây phút đó. Đó là cái đẹp của sự thơ ngây trong sáng


Mười lăm trăng tròn hay mười sáu

Trăng có tròn trong lứa tuổi em không
Mười ba ngây thơ có tóc mây bồng
Đã bắt bướm nhặt hoa cài lên tóc


Có những người con gái không có những ngày tháng “lang thang tuổi thơ” đó vì phải đương đầu với cuộc sống từ lúc tuổi mười ba, nhưng lòng nghĩ về ngươì yêu tương lai vẫn là một hình ảnh “chì một người”, một người mà thôi.

     Xa nhà về tỉnh anh ơi

Con sông bỏ lại với khơi cau trầu
Ruộng vườn thu hoạch hoa mầu
Em giao cho mẹ dạ sầu đêm đêm

Chung thủy với nơi chốn nhau cắt rốn, người con gái đặt cái cơi trầu vào trong lòng quê hương, hay đặt cái tình yêu tương lai trong cái ý nghĩ truyền thống, lấy nhau là phải có cau trầu như những chứng tích cho một tình yêu dẫn đến hôn nhân.

Khi đến tuổi đôi mươi, lại được người đeo đuổi, muốn làm quen. Người con gái lại biết do dự, không phải lúc nào cũng đáp lại những sự theo đuổi bằng những cuộc hẹn hò. Họ biết những ai để ý, nhưng lẳng lặng chờ đợi chơ dến khi biết được ai sẽ là người mà họ sẽ tin và nhờ cậy sau này. Đó là cái đẹp của sự giữ gìn.


Biết anh để ý đến em

Nhưng lòng em vẫn "để xem" thế nào
Biết anh ăn nói ngọt ngào
Quen anh, chưa dám mời vào nhà đâu

Gìn vàng giữ ngọc để cho ai, chắc chắn là người mình sẽ yêu thương. Người con gái ở tuỗi đôi mươi này sẽ so sánh và chọn lựa giữa những người để ý đến mình và để mắt đặc biệt đến một người, và đặt hết sự yêu thương vào người đó. Đó là cái đẹp của lòng tin.

Từ ngày anh nắm đôi tay

Để môi trên mắt, đắm say mối tình
Em đây như thấy bình minh,
Trăng sao cũng thích chúng mình phải không

Người con gái, vì đặt tình yêu thương trọn vẹn đến một người, coi mình như không phải là cá nhân riêng biệt

Tại sao anh lại qua đường

Tay em không dắt, anh thương chỗ nào
Đêm đêm dưới ngọn dầu hao
Nến thương em thắp, dẫu nào xa anh

Thắp ngọn nến để cầu nguyện cho tình duyên trôi chẩy. Người con gái khi yêu thì rất lãng mạn. Họ chỉ tưởng tượng đến người đó, cả ngày lẫn đêm (tôi có hơi…nói xạo, đừng cười tôi nghe qúy bạn) và đến một lúc nào đó tình yêu này trở thành một sự “chọn lựa không thay đổi được nữa”. Đó là cái đẹp của sự trao tâm hồn.

Đôi ta đã có nhau rồi

Hôm nay bỏ học đến ngồi đợi anh
Quán chiều hơi lạnh mong manh
Biết anh sẽ đến, chân thành em tin

Khi đã trao tâm hồn rồi, người con gái trở thành giản dị, dễ tin, dễ tha thứ, dễ quên sau những lúc hờn giỗi. Anh đến chậm, nhưng biết anh sẽ đến không nghi ngờ gì hết, chỉ mong người đó không bị trở ngại gì ngoài ý muốn. Đó là cái đẹp của sự không nghi ngờ.

Có những cuộc tình không dẫn đến những cau trầu cưới hỏi, người đó không còn nữa; không phải vì bị phụ bạc bỏ quên, mà vì những hoàn cảnh ngoài ý muốn, người con gái sẽ nghĩ mãi đến mối tình dang dở này rất nhiều năm

Anh ơi tắt ngọn đèn đêm

Về thăm em nhé bên thềm ngày xưa
Nhớ ngày áo ướt trong mưa
Da thơm còn nhớ hơi xưa còn nồng

Bao năm đã qua mà mùi hương da thịt vẫn còn trong không gian, không nhạt đi được. Đừng nói là nguòi con gái đó lãng mạn. Họ đã cho hết hơi thở của họ cho người yêu rồi, không còn hơi thở riêng nữa, dù đã mất đi người yêu. Đó là cái đẹp của sự chịu đựng đau khổ. Mất người yêu rồi mà vẫn nói chuyện, tưởng như còn.

Dù anh góc biển chân trời

Hay anh đã bỏ cuộc đời phù du
Em đây như thể nữ tu
Xuân Đông Thu Hạ cuộn thu một mình
Anh ơi không có bình minh
Trăng sao cũng lặn, đôi mình còn đâu

Nhưng vẫn có những người con gái trao yêu thương cho người không xứng đáng với tình yêu của mình. Khi biết ra thì đã qua đi cái tuổi thanh xuân. Người con gái nghĩ lại những tin yêu mà mình đã tin yêu gửi gấm cho người đó đã bao nhiêu năm tháng. Sự thủy chung với “tình yêu” được trả lại bằng sự trống hỗng ngỡ ngàng. Làm sao có thể tìm thấy cái đẹp trong sự đau khổ được?

Sông sâu làm chứng cho tôi

Cau trầu lạc điệu, tiêm vôi không mầu
Uổng công thao thức đêm thâu
Tình yêu những tưởng từ đầu sông thương

Người con gái tuy đau khổ nhưng vẫn còn nuối tiếc những tháng ngày mình phí phạm, hay vẫn cố tìm trong quá khứ những hình ảnh đẹp để ráng cứu vãn những kỷ niệm đẹp, cho nên vẫn nghĩ đến lúc tình yêu vẫn còn “từ đầu con sông Thương”. Đó là cái đẹp của lòng tiếc nuối, không muốn đoạn tuyệt cái khổ đau.

Nghĩ đến quá khứ và lòng không thuỷ chung của người đó, người con gái mà có lúc đã quên sống cuộc đời cũa mình, bây giờ chuẩn bị một cuộc đời bắt đầu từ hôm nay. Cuộc đời của những niềm vui mới, của những người mới, của dòng sông mới. Đừng ngại nhúng đôi chân xuống dòng nước mới, biết đâu người con gái tìm được sự mát rượi của nước sông.

Hãy ngắm nhìn bầu trời, trăng sao có bao giờ mất đâu, và những ngọn gió mát bao giờ cũng vẫn thổi, người con gái phải mở rộng tâm hồn để lắng nghe và nhìn thây caí vẻ đẹp mới của cuộc đời mình. Đó là cái đẹp đẹp nhất của lòng chung thủy: chung thủy với chính mình. Hẵy yêu thương mình và cho mình một đời sống mới.


Đêm qua em ngủ ngon không

Sáng mai dậy sớm hãy trông ngoài trời
Cành cây trổ nụ tốt tươi
Chim hoàng oanh hát bài mười thương em


Cành cây năm nào chẳng trổ nụ non, và chim sáng nào mà không hót. Nếu biết yêu thương chính mình, người con gái đau khổ vì tình yêu đặt vào người không xứng đáng ấy sẽ lần đầu, sau bao nhiêu năm, tìm lại được hương vị của thiên nhiên, và đó là chất liệu chính cho sự tìm lại được chính mình.

BHL
4/9/08

Wednesday, September 9, 2015

   Ngậm Ngùi   .
Thơ Sao Linh
Phổ nhạc và trình bày
 Như Ngọc Hoa



Tuesday, September 8, 2015

NhữngTấm Ảnh Làm Xúc Động 

4 ngày sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản tháng 3/2011, những người lính cứu hộ tìm thấy một em bé 4 tháng tuổi còn sống sót trong đống đổ nát. Bức ảnh tạo niềm tin về những kỳ tích trong thảm họa.
PeterThanh Nguyen's photo.



Bé Adi Hudea, 4 tuổi, người Syria mím chặt môi và giơ tay đầu hàng vì tưởng máy ảnh là súng khi phóng viên chụp em tại trại tị nạn Atmen ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi xuất hiện trên Internet ngày 31/3, bức ảnh thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Bức ảnh ám ảnh này cho thấy hậu quả khủng khiếp của cuộc nội chiến ở Syria và số phận đáng thương của dân thường vô tội

Peter Thanh Nguyên

Monday, September 7, 2015

Saturday, September 5, 2015

Câu chuyện cảm động về người đánh giày nuôi con chó mù.

Những ngày qua, hình ảnh một chú nhỏ nằm ngoan ngoãn trong hộp đánh giày đã khiến cộng đồng mạng cực kì xúc động và chia sẻ liên tục lên mạng. Ngay sau đó, thông tin về chủ nhân của chú chó nhỏ này nhanh chóng được “truy lùng”, và từ đó, một câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích đã xuất hiện giữa Sài Gòn phồn hoa.

Hình ảnh chú chó nhỏ nằm ngoan ngoãn trong hộp đánh giày.
Xuất phát từ bức ảnh được gửi về cho một trang mạng với những câu chuyện thú vị về đất Sài thành, hình ảnh chú chó nhỏ trong hộp giày đã khiến nhiều người cực kì xúc động. Và câu chuyện phía sau bức ảnh này càng khiến mọi người bất ngờ hơn khi biết về hoàn cảnh sống của người chủ đang chăm sóc chú chó nhỏ tội nghiệp này: đó là một người đàn ông câm, bị tật ở tay và ngay cả chú chó dễ thương cũng bị mù cả hai mắt.
Theo tìm hiểu, người đàn ông này là anh Trần Khắc Ân (38 tuổi, ngụ quận 2, TP. HCM). Sau một tai nạn lúc 5 tuổi, anh Ân đã không còn nói được và phải dùng dấu hiệu tay để trò chuyện. Ngoài ra, tay phải của anh Ân đã bị liệt, chân đi khập khiễng nên cuộc sống mưu sinh của anh cũng rất khó khăn.
Đó là một người đàn ông bị câm đi đánh giày khắp Sài Gòn.
Anh Ân làm nghề đánh giày đã gần 20 năm, mỗi ngày thu nhập của anh cũng khoảng 100 ngàn đồng. Sau khi đi đánh giày khắp nơi, anh tìm đại mái hiên nhà, gầm cầu để ngủ. Thời gian gần đây, nhân viên của một khách sạn thương tình nên cho anh ngủ nhờ dưới góc hầm cầu thang. Gia tài của anh chỉ có cái mền, bộ đồ nghề và một chú chó con bị mù hai mắt.
Đối với nhiều người trên đường Thái Văn Lung (quận 1), hình ảnh anh Ân xách giỏ đi đánh giày có chú chó bên trong đã trở nên quá quen thuộc.
Dân giải cứu CSGT bị hai nam thanh niên đánh rách mặt

Dân giải cứu CSGT bị hai nam thanh niên đánh rách mặt

Một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực An Phú Đông (Q.12, TP.HCM) bị hai thanh niên đánh, người dân đã hỗ trợ bắt hai đối tượng này.Tin …
Hàng ngày, anh cùng chú chó ngủ nhờ dưới gầm cầu thang của một khách sạn.
Khó ai có thể bắt con chó nhỏ xa rời anh được
Từ khi hoàn cảnh của anh Ân được chia sẻ rộng rãi trên mạng, cũng có rất nhiều người đã tìm gặp cũng như mong muốn phần nào giúp đỡ được cho cả anh và chú chó nhỏ đáng thương này. Cụ thể nhất, mới đây, trên trang cá nhân, chị Hoàng Mỹ Uyên đã kể lại một câu chuyện đầy cảm động khi tự mình đã chứng kiến được tình cảm của anh Ân dành cho chú cún cưng.
Nội dung câu chuyện như sau:
“Sáng đứa bạn gọi liên hồi trên Facebook vì điện thoại bận suốt. Tưởng cháy nhà, nó biểu đi kiếm anh đánh giày câm và con chó mù cho nó. Lúc này, mình thấy anh đánh giày đó đi loanh quanh ngay dưới quán. Chạy xuống thì chỉ thấy anh đang đi lơn tơn, nên hỏi ‘Ủa có anh thôi hả? Con chó đâu rồi?’. Anh liền dẫn mình đi tới một chút. Lúc này, mình thấy ‘cậu nhỏ’ 1 tháng tuổi bị mù đang ngủ say sưa trong bộ áo có lẽ là mới được tặng.
Hỏi anh ăn cơm chưa? Anh kêu ăn rồi.
Lúc đi ngang tủ bánh ướt, chị bán bánh réo ‘Ê thằng kia, không trả 60 ngàn tao bắt con chó của mày nhe’.
Anh không nói gì, ra dấu hiệu cho tôi ngồi chơi với con chó, còn lấy 100.000 từ cái bóp đem đi trả cho chị bán bánh ướt. Nhìn trong bóp, tôi thấy có hai ba tờ mệnh giá 100 ngàn đồng gì đó. Anh khoe tờ tiền nước ngoài cùng với nụ cười tươi trên môi, rồi cất nhanh vào bóp.
Tôi hỏi có phải, cánh tay bên phải của anh không sử dụng được đúng không? Lúc này, anh đưa 5 ngón tay lên và gật đầu…
Mình nói, ‘bạn em muốn phụ anh nhưng sợ anh để tiền trong người, nguy hiểm. Bạn ấy trả hết tiền cơm tháng chỗ anh hay ăn, rồi cứ mỗi ngày tới đó ăn nhe được không?’. Lúc này, anh lắc đầu và giải thích là hàng ngày đi đánh giày suốt nên thấy đâu ăn đó. Mỗi bữa ăn 25 ngàn đồng, một ngày kiếm được cỡ 100.000 đồng.
Câu chuyện đang nói thì mấy bạn ở nhà hàng gần đó lớn tiếng nói qua:
– Bốn triệu bán con chó không? Anh lắc đầu nguầy nguậy.
– Giá chót năm triệu?
Anh nhăn nhó bực mình cúi đầu hút thuốc không cười nữa.
– Nó mù, mà mình không nuôi được để người ta nuôi, chữa cho nó không tốt à.
Anh quay qua tôi, diễn tả là 1 tháng trước nó bị vứt gần đây, anh lượm nuôi, nó rất thích anh. Xong anh dẫn tôi lại coi cái giỏ. Anh cho coi mấy bịch sữa tươi, hủ sữa chua dang dở anh lấy túi ni-lông sạch đậy lại.
Anh kéo tiếp ra 2 hộp thức ăn khoe và vẻ như khẳng định là anh nuôi được. Anh nói mọi người thấy đều thích nó nên hay cho sữa nó uống. Tôi chỉ anh cái quán và bảo quán có buồng tắm, anh có muốn hàng ngày ghé qua tắm rửa không? ‘Em có một ít quần áo đàn ông, em tặng anh. Mỗi ngày lên đó ăn cơm, mỗi phần tính 10.000 đồng thôi, nha. Em không có cho, em nấu cơm nhà, cho rẻ nha?’ Anh cũng nhất định không chịu.
Trong lúc ngồi chơi với anh thấy nhiều bạn gái trai chạy qua gửi anh tiền mua sữa cho con chó. Mỗi người trăm ngàn. Mấy bạn gặp được anh thấy mừng ra mặt. Tuy nhiên, cũng có cô trung niên đi qua buông câu lạnh lùng ‘giờ coi bộ khỏi đánh giày cũng có tiền rồi’.
Khi đó, gương mặt anh lại buồn và có cả giận. Cậu chó nhỏ thức giấc chạy lon ton, anh cười rạng rỡ khoái chí nựng nó… Sài Gòn thật quá đỗi Sài Gòn. Có những góc đời dễ thương, có những người trẻ dễ mến, cũng chẳng thiếu người thân thể lành lặn mà tâm hồn khuyết tật.
Mỗi ngày thấy anh thu nhập khoảng 100.000 đồng thì tương đối ổn. Anh rõ ràng có tự trọng của mình. Hơn nữa lại đang kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Xin hãy cân nhắc khi sử dụng lòng tốt và tiền của mình. Đừng gây nguy hiểm cho người đang sống trên đường phố như anh và cả con chó đáng yêu. Đừng xáo trộn những gì đang an lành theo cách của nó. Chia sẻ nhau để thấy cuộc đời dễ thương thôi mọi người”.

Và câu chuyện của chị Uyên cứ thế mà được chia sẻ khắp các trang mạng. Có thể nói, giữa Sài Gòn bộn bề lo toan, người ta thường hay hơn thua với nhau từng chuyện nhỏ nhặt nhất. Thì vẫn còn đâu đó những hình ảnh, câu chuyện đẹp lay động lòng người, như người đàn ông bị câm đánh giày nuôi chú chó mù hai mắt.
Nguồn internet

Friday, September 4, 2015

 Một bức ảnh gây xúc động thế giới   .

Họ bỏ nước mà đi vì chiến tranh, trong khi những người miền nam Việt Nam lại ra đi vì hòa bình. Khác lạ là ở đó. Mà cũng cay đắng là từ đó.
Từ hình ảnh em bé Syria nghĩ đến những em bé miền nam Việt Nam


Khuất Đẩu

Một bức ảnh gây xúc động thế giới. Xúc dộng vì mái tóc đen mướt của em. Vì chiếc áo đỏ, quần xanh em mặc. Vì đôi giày em mang. Cứ như em vừa ăn mừng sinh nhật thứ ba cùng bố mẹ. Và nhất là cái dáng em nằm nghiêng nghiêng trên bờ cát. Nếu không có những ngọn sóng lừng lững đang tiến vào bờ, cứ tưởng như em đang nằm ngủ.
Mà em đang ngủ thật, một giấc ngủ dài không bao giờ thức dậy nữa.
Từ bức ảnh này, người ta ồn ào lên tiếng nguyền rủa bọn buôn người, kết án chính phủ các nước giàu có châu Âu đã không tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ. Đài truyền hình Việt Nam cũng lớn tiềng, bảo phải tìm cho ra cội nguồn của cuộc khủng hoảng nói trên, truy tìm thủ phạm của những kẻ đã khiến hàng vạn người liều chết vượt biên.
Bọn buôn người thì đã rõ. Đó là hai tên Syria, chở đến 18 người trên chiếc thuyền chỉ vừa đủ chỗ cho 12 người. Khi sóng to gió lớn, chúng đã đeo áo phao nhảy khỏi thuyền bơi vào bờ, bỏ mặc cho thuyền chìm.
Còn thủ phạm chính là tổng thống Al- Assad của Syria, kẻ đã dùng quân đội, pháo binh, máy bay và cả vũ khí hóa học để đàn áp các cuộc biểu tình đòi phải hắn từ chức. Tòng phạm là Nga, chồng lưng trong bao nhiêu năm và giờ đây đang lén lút gửi quân sang trợ giúp. Man rợ hơn nữa là phiến quân Hồi giáo IS với những cuộc thảm sát kinh hoàng.
Biết đi là chắc chết, nhưng không thể không đi. Cũng như những thuyền nhân Việt Nam 40 năm trước. Những năm ấy, trên các bãi biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine… biết bao nhiêu xác những em bé miền nam Việt Nam đã phải trôi dạt như em bé Syria. Những xác trẻ thơ bụng ỏng xanh xao, áo quần rách rưới khiến người ta kinh hãi chứ không thương cảm.
Em bé Syria, dẫu sao em cũng được mặc quần áo đẹp, được mang giày chỉn chu chứ không đi chân đất. Em chết như nằm ngủ vì trước đó em không cùng cha mẹ trốn chui trốn nhủi, không phải nhịn đói nhịn khát, không kinh hoàng khi thấy bọn hải tặc hãm hiếp mẹ, cắt cổ cha trước khi ném em xuống biển.
Em bé Syria được ví như thiên thần, còn những em bé Việt Nam, giống như em bé châu Phi đói lã bên cạnh con diều hâu đang chờ xé xác.
Đài truyền hình bảo cuộc di cư hiện tại là đông đảo nhất sau thế chiến thứ hai. Có thật vậy chăng? Hay đó chính là cuộc di cư của hai triệu người miền nam Việt Nam vượt biển sau mùa xuân đại thắng?
Những người Lybia, Syria, Liban và cả châu Phi nghèo đói chẳng ai phải trốn tránh công an, chẳng ai phải vào tù nếu đi không lọt, chẳng ai phải bị lấy mất nhà cửa ruộng đất, chẳng ai bị nguyền rủa là phản quốc. Họ ra đi giữa ban ngày ban mặt, mang theo tiền bạc mà không bị trấn lột. Khi may mắn dạt vào các đảo ở Hy Lạp, dù nước này suýt vỡ nợ, vẫn không cho quân đội và cảnh sát xua đuổi như ở các nước Malaysia, Thái Lan…Họ được tiếp tế lương thực, được cho tạm trú trước khi từng đoàn lũ lượt sang các nước Serbia, Croatia để vào các nước Áo, Đức.
Họ bỏ nước mà đi vì chiến tranh, trong khi những người miền nam Việt Nam lại ra đi vì hòa bình. Khác lạ là ở đó. Mà cũng cay đắng là từ đó.
Tôi không chối cãi họ là những kẻ khốn khổ. Nhưng được bỏ nước mà đi như họ, đi một cách tự do cùng vợ con, chắc miền nam chỉ còn lại những trụ đèn*.
Em bé Syria ơi, thật tội nghiệp cho em, nhưng dẫu sao em cũng đã được chết để lên nước Trời, ở đó em sẽ bay lượn giữa muôn ngàn vì sao. Nơi bãi cát em nằm sẽ có những bó hoa yêu thương để sóng mang đi. Tối đến sẽ có hàng trăm ngọn nến được thắp lên để sưởi ấm cho linh hồn em.Trong khi đó, những đứa bé miền nam Việt Nam, nếu không vào trong bụng cá tối tăm thì cũng thối rữa trong các hố rác dơ bẩn, không có được một nắm đất để yên nghỉ. Suốt 40 năm qua những linh hồn bé bỏng mong manh ấy vẫn lang thang giữa muôn ngàn sóng gió trùng khơi mịt mùng.
Không một cánh hoa!
Không một ngọn nến!
Ngay cả một bài kinh siêu độ cũng không, dù là đang rằm tháng bảy!
Thương thay!
Khuất Đẩu
4/9/2015



Đau lòng quá, nhìn em nằm bơ vơ trên bờ biền làm tôi không cầm được nước mắt, những giọt lê cứ mãi rơi rơi, thương em quá em ơi! Linh hồn em chắc chắn sẽ về cõi thiên đàng, nơi đó không có chiến tranh, hận thù, mong em đời đời an vui.
SL.

ANH QUỐC
THỦ TƯỚNG ANH TUYÊN BỐ ANH QUỐC CHẤP NHẬN T
ái ĐỊNH CƯ CHO 20 NGÀN NGƯỜI SYRIA TỴ NẠN TẠI ANH

Thursday, September 3, 2015

BỐN "CHUYỆN LẠ" Ở ĐẤT NƯỚC NHẬT BẢN

Thật đáng để suy ngẫm
1./ Trung thực
Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các bác tài sẽ tựchở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.
Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những "mini shop không người bán” tại Osaka. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản. Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách.
Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 - 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.
2./ “No noise” - không ồn
Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả đường cao tốc đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm sân bay rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.
Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa khuyến mãi, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.
3./ Nhân bản
Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để phần 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
4./ Bình đẳng
Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng. Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.
Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, quan chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.
Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.
Ở Nhật, nội trợ là một nghề. Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu. Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.
Nguồn Du Học Nhật Á