Saturday, March 14, 2015

 
Vần thơ lạc   .

Bổng dưng thơ lạc mất nguồn
Chỉ còn vài giọt tơ buồn đong đưa
Gió đông lạnh nhớ chiều mưa
Cõi lòng hoang vắng thơ chưa đậm màu
 
Thời gian lặng lẽ trôi mau
Ngập trong ký ức niềm đau thuở nào
Thuyền yên bến đổ dạt dào
Biển khơi dậy sóng nghẹn ngào vì sao?

Sao Linh


      Hoa Lục Bình   .
 
Có ai thương xót Lục Bình
Cánh hoa đồng nội một mình lênh đênh
Xa dòng sông nhỏ buồn tênh
Cánh hoa tím tím dập dềnh nổi trôi
  
Lục bình lặng lẽ đơn côi
Lẻ loi sóng nước chơi vơi ngậm ngùi
Từ nay hoa vắng tiếng cười
Trôi về quê cũ nhớ người trong mơ

Sao Linh
   Giã Từ   .

Em như một cánh bèo trôi
Như mây thấp thoáng cuối trời nhởn nhơ
Tìm đâu hình bóng ngây thơ
Tuổi xuân một đóa hoa mơ nhụy hồng

Tiếc chi ngày tháng bềnh bồng
Tình yêu khờ dại cho không ngại ngần
Nhìn đời không chút phân vân
Tình đầu ấp ủ trắng ngần trinh nguyên

Đời em là chuỗi ưu phiền
Ước mơ không trọn tình duyên lỡ làng
Thôi đành cất bước sang ngang
Để anh êm ấm sang trang cuộc tình

Xin anh quên chuyện chúng mình
Bao nhiêu năm đã trọn tình thuỷ chung
Đôi ta không thể tương phùng
Con tim không thể đập chung nhịp rồi

Ngày xưa ai đã chia đôi ?
Để cho tim nát rã rời niềm đau
Thôi mình đã mất đời nhau
Hảy quên anh nhé giã từ tình xưa

Sao Linh


   Hoa  Phù du   .

Chiều nay ngắt cánh hoa tàn
Thương cho cánh mỏng bẽ bàng phù du
Lá vàng héo hắt mùa thu
sầu rơi nặng trĩu sương mù trên vai
 

Tiếng cười che dấu bi ai
Lệ buồn ứ đọng mi này trong tim
Tháng ngày dong ruổi đi tìm
Nguồn vui hạnh phúc đắm chìm hư không

Sao Linh

Tuesday, March 10, 2015


Tôi người viễn xứ nhớ nhà
Yêu con sông nhỏ chiều tà quê hương
 Đông về giá lạnh mờ sương
Thu vàng ngập lối lòng vương vấn buồn..

Sao Linh

Monday, March 9, 2015

TÔI ĐI ĂN TẾT
NGUYỄN KHẮP NƠI.
 

Viết theo lời kể của một Việt Kiều, Công Dân của Nước Việt Nam Cộng Hòa.
 
1. Ăn Tết

Lý do vững chắc của tôi là: Tôi có hộ chiếu (mà ngày xưa, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi gọi đó là Thẻ Thông Hành) của Việt Nam cấp phát, cho phép đi du lịch ba tháng rồi phải trở về Việt Nam. Một số người khác đã tự nhận mình là Việt Kiều nhưng lại từ Úc, từ Mỹ, từ Canada về thăm Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi lại quay về nơi họ cư ngụ. Những người này phải xưng danh là Kiều Dân Úc, Mỹ, Canada . . . gốc Việt, trở về thăm Việt Nam quê hương cũ mới đúng, chứ không nên mạo nhận là . . . Việt Kiều.
Điều thứ hai mà tôi phải xác nhận cho rõ ràng: Trong khi một số người dân Việt gốc Cộng Hòa ở khắp mọi nơi trên thế giới đổ về Việt Nam ăn Tết, để nhìn thấy lá cờ đỏ, thì tôi lại từ Việt Nam đi Úc ăn Tết (theo lời mời của hai đứa em gái của tôi ở Melbourne), để được hân hạnh nhìn thấy Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
 
Theo tài liệu của hai đứa em tôi gởi bằng email, tôi được biết sơ qua về nơi tôi sẽ viếng thăm như sau: Vùng đất Melbourne được tìm thấy vào ngày 30 tháng 8 năm 1835 bởi những người định cư từ Launceston trong Vùng đất Van Diemen, và được coi đó là đất của Hoàng Gia Anh, thuộc Tiểu Bang New South Wales. Đến năm 1837, vùng đất này đất này được Thống đốc Tiểu bang New South Wales, Sir Richard Bourke, đặt tên là Melbourne, phỏng theo tên của Thủ tướng Anh trong ngày, William Lamb, 2 Viscount Melbourne và được Nữ Hoàng Victoria công nhận là thành phố vào năm 1847.

2. Old Melbourne

Từ những năm 1850, khi vàng được tìm thấy ở Melbourne và những vùng phụ cận, dân tứ xứ đổ về đây thật nhiều, tạo thành một cơn sốt vàng, chính phủ mới cho thành lập một Tiểu Bang mới, đặt tên là Victoria (phỏng theo tên của Nữ Hoàng Victoria), chọn Melbourne là Thủ đô. Lúc đó, Melbourne được coi như là một trong những thành phố giầu có nhất trên thế giới với vàng bạc đầy rẫy từ những vùng như Ballarat, Bendigo, Warrnambool. . . .
Theo lịch trình đã định, thì tôi sẽ dời Việt Nam từ ngày 20 tháng 12 năm cũ để đến Úc vừa kịp dự Lễ Giáng Sinh, nhưng vì tôi không có tiền để “bồi dưỡng cho những cơ quan chức năng liên hệ” nên hồ sơ của tôi bị chậm lại, mãi giữa tháng 1 tôi mới có mặt ở thành phố Melboune. Chị em sau một thời gian dài mới gặp lại nhau, chúng tôi tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau không dứt, đến tối mấy đứa cháu của tôi mới đi làm về, mặc dù đa số các cháu sinh ở bên Úc và cũng đã lớn tuổi hết rồi, nhưng tất cả đều khoanh tay cúi chào tôi rất là lễ phép.
Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau, tôi được đưa đi viếng thăm thành phố Melbourne.

3. Melbourne_Skyline

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là thành phố này rất sạch sẽ, sạch một cách tự nhiên, vì tôi thấy không ai vứt rác ra đường, và nhất là không thấy bóng dáng những phu quét rác ở trên đường phố. Những thành phố khác ở Á châu tôi đã được dịp đi thăm, tuy cũng sạch sẽ, nhưng sạch là vì được quét dọn xuốt ngày, chứ còn dân chúng vẫn có thói quen xả rác ngoài đường và những người phu cầm chổi đẩy theo thùng rác đi hót rác đầy dẫy ngoài đường phố. Mặc dù chỉ mới được thành lập hơn 180 năm nay, nên những kiến trúc trong thành phố đều rất cổ xưa, nhất là tòa nhà Quốc hội và Tòa Đô Chánh, nhìn rất uy nghiêm và cổ kính. Không khí trong lành và không có tiếng động của động cơ xe gắn máy, xe hơi , nhất là tiếng còi tu huýt của cảnh sát giao thông, làm cho tôi cảm thấy thật là thoải mái.
Điều thứ hai tôi nhận thấy là ở trên đường phố, có thật nhiều xe hơi, thỉnh thoảng mới thấy xe gắn máy và xe đạp (mặc dù lúc này là mùa hè, rất mát mẻ để đi xe đạp), những người lái xe và những người đi bộ đều rất là kỷ luật. Mỗi khi đến ngã tư có đèn báo hiệu, mặc dù đường bên đèn xanh chỉ có vài chiếc xe chạy và đường bên đèn đỏ có nhiều xe hơi đang chạy tới, nhưng họ đều ngừng lại chứ không chạy luôn như ở bên Việt Nam. Xe chạy tới một giao lộ có nhiều con đường cắt ngang nhau, khi bên tôi có đèn xanh, em tôi lái xe chạy tới, bên kia cũng có người lái xe chạy về phía chúng tôi nữa, tôi thấy rõ ràng xe hai phía chạy tới trước mặt nhau nhưng không thấy người em rể tôi ngưng lại hoặc tấp vào lề để tránh, tôi sợ quá, trống ngực đánh đùng đùng, hai tay nắm chặt lấy ghế ngồi, nhắm chặt cặp mắt lại chờ bị đụng. Một lúc sau, không nghe thấy một tiếng “Rầm” nào cả, tôi vội mờ hé mắt ra dòm, mới thấy là xe phía trước đi gần tới chúng tôi thì quẹo về phía trái trong khi xe của chúng tôi được quẹo về bên phải, tuy chạy sát lại gần nhau, nhưng mỗi bên quẹo một hướng, có lằn ranh khác nhau, nên không có ai đụng vào ai cả.
 
Điều kế tiếp mà tôi nhận thấy là xe chạy nhiều như vậy mà không có một tiếng kèn xe, và nhất là chẳng thấy bóng một cảnh sát lưu thông nào cả, tôi thắc mắc quá, liền hỏi đứa em:
“Sao chị không thấy có cảnh sát giao thông trên đường gì hết, vậy thì lấy ai ra mà phạt những người tài xế chạy ẩu? Lấy ai ra “xử lí” 
những khi xe cộ bị “ùn tắc”?
Đứa em tôi có vẻ như không hiểu lời tôi nói, cô hỏi lại tôi:
“Ùn tắc . . . là cái gì . . . có ai làm điều gì phi pháp hay không mà cần phải . . . xử lí?” “Ờ thì . . . ùn tắc là xe cộ nhiều quá . . . bị kẹt đó mà . . .”
 
À! Kẹt xe thì cứ nói là kẹt xe, nói chi ùn tắc hổng hiểu gì hết . . . Ở xứ nào cũng có cảnh sát hết á, có điều, chỉ khi nào xẩy ra tai nạn mà có người bị thương, thì họ mới tới làm biên bản và kêu xe cứu thương tới chở người bị tai nạn đi nhà thương, còn trong trường hợp tai nạn chỉ làm hư xe thì hai bên tài xế tự giải quyết bằng cách đưa tên, số điện thoại của mình và tên của hãng bảo hiểm của mình ra cho người bên kia, rồi chào nhau mà lên xe chạy tiếp, sau đó tự hai bên cũng tự báo lại cho hãng bảo hiểm của mình để hai hãng bảo hiểm tự dàn xếp coi ai là người có lỗi để từ đó bồi thường cho nhau và sửa xe cho khách hàng, chứ hai bên tài xế không cần phải cải nhau om xòm để đổ lỗi cho nhau.
“Vậy . . . lương cảnh sát giao thông có . . . khá không? Nếu họ muốn kiếm thêm bằng cách . . . phạt xe ở ngoài đường, họ lại không có ra ngoài đứng ở lề đường thì làm sao mà phạt người ta?”
Hai đứa em của tôi lại trợn mắt lên nhìn tôi, hồi sau, tụi nó mới hỏi lại tôi:
“Bộ ở Việt Nam, cảnh sát giao thông không được trả lương . . . họ tự kiếm tiền bằng cách . . . ra ngoài đường . . . phạt người chạy xe để trả lương cho mình hả?”
“Họ có được trả lương, nhưng chắc là không đủ, nên chị thấy họ thường đứng núp ở mấy gốc cây bên đường nhiều lắm, thổi còi phạt người ta tùm lum hết, có nhiều khi chạy đúng luật cũng bị kêu lại phạt và hẽ bị phạt là phải trả tiền liền, không trả thì họ giam xe, khi lấy lại, chiếc xe chỉ còn có cái sườn xe mà thôi.”
 
Ba chị em lại tiếp tục đi thăm thành phố, sau khi đi thăm tòa nhà Quốc Hội, tôi buột miệng khen:

4. Parliament_House_Melbourne_2010

Tòa nhà Quốc Hội Tiểu bang Victoria.
“Tòa nhà này . . . hoành tráng quá . . . cảnh quang lại thật đẹp, mặc dù đi bộ nhiều, nhưng chị vẫn cảm thấy . . . thư dãn lắm.”
Hai đứa em gái tôi dường như lại không hiểu tôi nói cái gì, cứ đứng mở lớn cặp mắt ra mà nhìn tôi. Tôi thấy kỳ kỳ, mới giải thích thêm:
“Tòa nhà Quốc hội đó . . . nó thật là bự và đẹp lắm . . .”
Đứa em út nghe tôi giải thích, nó cười lớn rồi hỏi lại tôi:
“Em hiểu rồi . . . có phải chị muốn nói cái tòa nhà đó nó . . . nguy nga, đồ sộ và cách bài trí bên trong rất là tráng lệ . . . phải không? Nhưng mà cảnh quang . . . là cái gì?”
“Thì . . . cảnh quang là quang cảnh đó mà . . .”
“Quang cảnh thì nói đại là quang cảnh đi . . . nói chi . . . cảnh quang, nghe hổng hiểu gì hết trơn hà . . .”
Thì ra, tiếng Việt mà tôi đang nói, là cái tiếng Việt của . . . Việt cộng, sống với chúng nó, phải theo và nói theo kiểu của chúng nó, làm cho những người vượt biên từ lâu như em tôi, tụi nó vẫn nói tiếng Việt của thời Việt Nam Cộng Hòa, tụi nó chẳng hiểu tôi nói gì cả, ba chị em nhìn nhau cười thông cảm.
Đang đi, tôi chợt nhớ ra là đứa cháu trai (con của con gái tôi) cũng được gởi đi du học, và nó học ở ngay thành phố Melbourne này, tôi vội hỏi đứa em:
“Trường . . . Rờ Mít . . . nó ở đâu hả em . . .? Có gần đây không . . .?”
Hai đứa em tôi lại nghệt mặt ra mà nhìn tôi:
” . . . Rờ Mít . . .? Trường nào mà tên là . . . Rờ Mít . . .?”
“Thì . . . trường . . . Rờ Mít . . . cái trường mà thằng Bi đang học đó . . . trường này nổi tiếng ở bên Việt Nam lắm đó, cứ nói trường Rờ Mít là ai cũng biết hết á.”
“À . . . đó là trường RMIT. . . viết tắt của chữ Royal Melbourne Institute of Technology, ở bên đây đọc là AA EM AI TI . . . sao chị lại đọc là . . . Rờ Mít . . .? Đọc vậy tía tui cũng không biết là trường nào chứ đừng có nói là tui.
“Thì ở bên Việt Nam người ta đọc sao thì chị nói lại chứ đâu có biết gì đâu . . .”
Hai đứa em tôi bấy giờ mới biết tên của cái trường Đại học nổi tiếng của Úc, tụi nó chỉ cái tòa nhà xéo góc chỗ tôi đứng mà nói:

5. RMIT

“Đó . . . trường đại học RMIT đó. Đây chỉ là một trong những trường đại học của Melbourne mà thôi, nhưng cũng lớn lắm, nội trong thành phố Melbourne này đã có tới cả chục chi nhánh lận, có chi nhánh ở Việt Nam nữa đó.
Để biết về sinh hoạt của người tỵ nạn, hai đứa em cũng đưa tôi tới thăm vài người bạn của họ. Sau bao nhiêu năm cố gắng làm việc, người tỵ nạn nào cũng mua được ít nhất là một căn nhà thật đẹp để ở với hàng rào bao quanh, vườn trước vườn sau đầy những bông hoa, cây ăn trái, trong nhà thì đầy đủ giường tủ bàn ghế và những đồ gia dụng khác. Đến trước cửa, khách đều cởi giầy dép để ngoài hàng hiên rồi mới bước vào nhà, sẽ có dép mới dành riêng cho khách mang. Điều này rất dễ hiểu và ở Việt Nam chúng tôi cũng làm như vậy, là vì người Việt chúng ta có thói quen sạch sẽ, không muốn khách mang giầy dép đi tứ xứ rồi đem đôi giầy đầy bụi vào trong nhà mình, nhà nào cũng trải thảm trắng tinh (hoặc có mầu sắc sáng), chỉ cần một đốm đất cát dính vào là phiền phức ngay, phiền hơn nữa nếu nhà nào có cháu chắt còn nhỏ, khi chơi dỡn, tụi nó bò lê la trên mặt thảm rồi lại đưa tay lên miệng, chắc chắn sẽ bị dính dơ hoặc vị vi khuẩn chui vào miệng, nên sạch sẽ như vậy là đúng và tốt nhất.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một điểm rất khác biệt giữa nhà cửa ở Úc và ở Việt Nam: Nhà ở bên Úc, đa số lúc nào cũng đóng cửa, trong khi ở Việt Nam, chỉ khi nào đi ngủ mới đóng cửa chính, còn những cửa sổ có chấn song, dù thức hay ngủ vẫn cứ mớ ra để đón gió mát và ngắm trăng thanh. Em tôi đã giải thích rằng: Chỉ có mùa Xuân khí hậu ấm áp, mới có thể mở cửa đón gió chút đỉnh, còn vào mùa Thu và mùa Đông, gió lạnh thấu xương, phải đóng cửa để mở lò sưởi cho ấm. Vào mùa Hè nóng nực, cửa cũng phải đóng để mở máy lạnh cho mát. Do đó, vào ban ngày, khi tất cả vợ chồng con cái đều đi làm hoặc đi học, mọi người đều mở cửa sổ ra để không khí được luân lưu và những mùi mắm muối hành tỏi khi nấu ăn vào buổi tối sẽ thoát ra ngoài, chiều đến, khi mọi người trở lại nhà, họ lại đóng mọi thứ cửa lại để tùy theo mùa mà mở lò sưởi hay máy lạnh. Tuy nhiên, cũng có một vài gia đình, vì lý do nào đó, đã không mở cửa sổ (nhà có người bệnh, hoặc sợ bị mất trộm) nên mùi hôi của đồ ăn bị giam hãm ngày này qua tháng nọ ở trong nhà, dính hết cả vào quần ảo, màn cửa, thảm lót sàn nhà . . . Có một lần, khi Dì Út dẫn tôi đến nhà một người bạn, gõ cửa, người bạn mở cửa ra mời chúng tôi vào, cửa vừa mới mở thì mùi hôi trong nhà được tự do thoát ra ngoài, đập ngay vào mặt vào mũi chúng tôi. Mặc dù tôi ở Việt Nam cả đời, đã quá quen với những mùi cống rãnh, thế mà tôi cũng bị choáng váng thiếu điều muốn té xuống đất, về đến nhà, mùi hôi vẫn còn dính vào quần áo, đầu tóc, chúng tôi phải đi gội đầu tắm rửa thật sạch, thay quần áo khác từ trong ra ngoài rồi mà mùi hôi vẫn còn lẩn quất đâu đó trên da thịt tóc tai, mấy ngày hôm sau mới tan biến đi (người ở trong căn nhà đó, chắc là đã quen với mùi hôi của mình nên không bao giờ biết rằng nhà mình có mùi hôi, còn khách tới thăm sẽ vì lịch sự mà không bao giờ phàn nàn về mùi hôi của trong căn nhà của bạn mình.)

Đến thăm nước Úc mà không nói về đồ ăn thức uống, trái cây rau tươi của Úc thì quả là một thiếu xót (sót) lớn.
Trưởc khi tới Úc, tôi đã được con cháu bạn bè thông báo cho biết là đồ ăn thức uống ở bên Úc là tươi ngon nhất thế giói. Tôi đã từng được hai đứa em nhờ người quen đem về tặng cho mấy ký thịt bò, tôi làm ngay món thị bò nhúng dấm cho cả nhà vợ chồng con cái cùng ăn, thật là một bữa ăn để đời bạm ạ: Thịt bò của Úc ngọt, thơm và mềm đến tận cùng, ăn miếng thịt nào là mùi thơm ngon đi từ mũi từ miệng qua thực quản, xuống đến dạ dầy rồi mà vẫn còn ngửi thấy mùi thơm. Tôi là dân Biên Hòa chính gốc, nhưng lấy chồng Bắc Kỳ “Ri Cư 1954″, tôi đã từng “bị” ngửi mùi thịt chó nhưng chưa ăn thịt chó bao giờ, nên không biết thịt bò của Úc có ngon hơn món thịt chó hay không. Tôi cũng nghe nói về thịt bò Kobe của Nhật, nhưng cũng chưa từng được ngửi được ăn loại thịt bò này, tuy nhiên, đó chỉ là một loại thịt bò đặc biệt của tỉnh Kobe mà thôi, còn thịt bò của Nhật ở các tỉnh khác thì không có gì đặc biệt cả, trong khi thịt bò của Úc nuôi ở bất cứ Tiểu bang nào cũng đều thom ngon cả.
 
Khi đến Úc, tôi đã được hai người em đưa đi ăn ở rất nhiều nhà hàng, từ nhà hàng chính gốc Úc cho tới nhà hàng Brazil, Ý, Hy Lạp, nhất là món Phở độc đáo của dân tộc Việt chúng ta. Trước khi đến ăn ở nhà hàng Úc, em tôi đã dặn tôi về cách thức xếp chén dĩa của nhà hàng:
 
Bánh: Trái – Nước: Phải.
Muỗng, nĩa: Ngoài – Trong.

Có nghĩa là, Khi ngồi xuống ghế, bánh mì của mình được đặt ở bên tay trái, nước và rượu để ở bên phải, khi lấy đồ ăn thức uống phải nhớ kỹ điều này, kẻo lấy lầm bánh mì, uống lầm ly nước của người ngồi kế bên. Khi ăn thì muỗng dĩa ỏ bên ngoài sẽ được dùng trước, sau đó mới tới những thứ ở bên trong, đừng vì thói quen mà lấy bất cứ cái muỗng cái nĩa nào vừa tay mình để dùng trước.
Trong khi ăn, nếu thấy miệng dính đồ ăn thì phải dùng khăn ăn chùi miệng cho sạch đã rồi hãy ăn tiếp. Khi nhai đồ ăn thì phải ngậm miệng lại mà nhai, và đừng bao giờ vừa nhai vừa nói chuyện hoặc cười với người khác, vì thức ăn trong miệng của mình có thể sẽ . . . bay vào mặt người đối diện.
Cách trang trí của nhà hàng ăn ở bên Úc rất đẹp, chén dĩa sạch trong sạch bóng, ghế ngồi bọc da thật là lịch sự, khăn trải bàn và khăn ăn trắng tinh, ủi thẳng băng, thật là lịch sự, chưa ăn đã thấy ngon rồi. Một điều rất khác với các nhà hàng ở Việt Nam là: Dù là đã hẹn trước với nhà hàng, nhưng khi tới nơi, mọi người đều nói tên mình và giờ hẹn, rồi đứng chờ ở quầy để tiếp viên đi xem lại bàn đã được thật sự sẵn sàng hay chưa? Khi mọi thứ đã sẵn sàng đâu vào đó, người tiếp viên mới quay trở lại mời khách vào bàn đã dành sẵn. Ngồi vào bàn rồi, tôi để ý thấy ở bàn bên cạnh, khách hàng đã đứng dậy ra về, hai tiếp viên tới dẹp chén dĩa, khi xong rồi, một tiếp viên khác tói xếp khăn bàn với những đồ ăn rơi rớt ở bên trong rồi đem vào bếp, không có một vụn bánh rơi ra ngoài. Còn ở Việt Nam, dù là có hẹn trước hay không, khách cứ việc tới nơi, thấy bàn nào trống thì nhào tới, dư ghế thì nhắc thẩy qua bàn khác, thiếu ghế cũng tự động bưng ở bàn khác qua mà ngồi.
Có nhiều nhà hàng trang trí quá đẹp, quá lộng lẫy, tới nỗi dù là em tôi đã hẹn trước, đã nói cho tôi biết trước nhà hàng này ra sao, thế mà khi tói nơi, tôi vẫn cứ dè dặt . . . không dám bước vào, và khi bước vào, tôi đã . . . không dám bước mạnh.
 
Thế nhưng, tôi đã bị bé cái lầm khi bước vào một nhà hàng ở vùng Footscray, Khi chúng tôi ngồi xuống, cô tiếp viên tới nơi tươi cười vừa nói chuyện với chúng tôi vừa lau bàn. Lau bàn xong, cô thâu gọn đồ ăn dư lại rồi điềm nhiên . . . gạt đám đồ ăn dư này xuống sàn nhà, rơi tung tóe trên nền nhà gạch bông, rơi đầy trên cái quần mới tinh tôi vừa mới mua. Làm xong công việc, cô điềm nhiên rũ cái khăn bàn rồi bước đi. Tôi tiếc cái quần mới, giận cho thái độ phục vụ khách hàng thiếu vệ sinh của cô. Người em tôi còn giận hơn tôi nữa, cô đứng dậy đưa tay mời người chủ tiệm tới nơi, than phiền với ông ta:
 
“Tôi xin lỗi đã phải mời ông tới đây để nói chuyện, là vì cô tiếp viên đó đó, cô vừa tới đây lau bàn cho chúng tôi, cô ta gạt đồ ăn dư ngay xuống sàn, bắn cả lên quần của bà khách này. Tôi không biết cách thức lau bàn này là do nhà hàng dậy cho cô hay do cô ta tự ý làm, nhưng tôi phản đối cách thức lau bàn như vậy, nó không hợp vệ sinh chút nào, và làm dơ bẩn quần áo của khách hàng.”
Ông chủ nhà hàng nhìn theo hướng tay của em tôi đang chỉ vào cô tiếp viên, rồi quay xuống nhìn sàn gạch bông đầy những đồ ăn dư, nhìn vào cái quần dính đồ ăn của tôi, ông vội vàng xin lỗi ngay:
“Tôi xin lỗi vì người tiếp viên đã không theo đúng quy tắc dọn bàn, làm dơ quần áo của chị và cả sàn nhà nữa. Thật là một việc làm tồi tệ và mất vệ sinh, chúng tôi luôn luôn nhắc nhở họ là khi dọn bàn phải đem theo một cái mâm nhỏ để gạt đồ ăn rơi rớt trên bàn vào đó, cô này chắc vì vội vàng nên đã làm như vậy. Xin cho tôi xin lỗi một lần nữa, tôi sẽ đến nói chuyện với cô tiếp viên đó ngay để cô ta thay đổi cách làm việc.”
Tôi có thấy ông đến nói chuyện với cô tiếp viên và chỉ vào bàn chúng tôi đang ngồi, và thấy cô gật đầu. Nhưng ngày hôm sau, khi đi ngang nhà hàng này, tôi lại thấy cô ta đang dọn bàn (không có khách ngồi ở đó) và vẫn hất đồ ăn trên bàn xuống đất một cách rất là . . . vô tư.
 
Tôi qua Úc trễ lại là một dịp may, vì tôi được dự Hội Chợ Tết của Cộng Đồng Người Việt Tự Do, tổ chức vào hai ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật 21-22/02/2015 vừa qua tại Sandown Park. Điều vinh dự nhất cho tôi là, lần đầu tiên sau 40 năm, tôi được dự Lễ Thượng Kỳ và Chào Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa.
 
Lễ Thượng Kỳ bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng, chúng tôi đến sớm hơn 15 phút mà dân chúng và quan khách đã có mặt tại cột cờ từ lúc nào rồi. Đúng 11 giờ, một đoàn Lính rất đông, mặc đủ loại quân phục Biệt Động Quân, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân . . . xếp hàng ngay ngắn diễn hành trước công chúng.

6. Dàn Chào

Lần đầu tiên sau biến cố 30/4/1975, tôi mới lại được nhìn thấy những người Lính của tôi, của chúng tôi, của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi không cầm được nước mắt vì xúc động, tôi theo đám đông vỗ tay hoan hô cổ võ những người lính vang dội khắp vùng hội trường. Những người Lính trước mặt tôi, sau bốn mươi năm đổi thay của thời cuộc, họ có vẻ như không thay đổi chút nào, họ vẫn khỏe mạnh, hiên ngang, ngẩng cao đầu bước đều theo nhịp quân hành. Mỗi hai người Lính đứng tại một cột cờ, đây rồi, Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu của tôi đây rồi, lá cờ đang được móc vào hai cột cờ hai bên, lá Cờ Mầu Xanh Biển của Úc Đại Lợi ở giữa. Sau một tiếng hô ngắn gọn, ba lá cờ được kéo lên cùng một lượt, nhìn Lá Cờ Vàng tung bay trước gió, tôi cảm thấy tâm hồn minh lâng lâng như bay bổng lên cao cùng với lá cờ . . . thế rồi như từ trong mơ, tôi nghe thấy bài Quốc Ca được hát lên:

7. Chào Cờ

“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi . . .”
Bài ca này, tôi đã từng hát thật nhiều lần trong những buổi chào cờ buổi sáng ở trường học, sau năm 1975, tôi tưởng chừng như không bao giờ được hát nữa, thế mà bây giờ tôi lại đang được nghe . . . Bài Quốc Ca mà tôi tưởng chừng đã quên hết sau bốn chục năm không hề được hát, nay đã tự động sống lại, trở về với đầu óc tôi, từ đâu không biết, tôi cất giọng hát theo . . .
“ . . . Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng . . .”
Vừa hát, tôi vừa khóc, nước mắt tôi chẩy dài trên má, giọng hát của tôi khàn đi vì xúc động, vì sung sướng, vì hãnh diện . . .
Tôi hãnh diện là vì, sau bốn mươi năm thời cuộc đổi thay, sau bốn mươi năm sống dưới chế độ Cộng sản, tôi vẫn là tôi, tôi vẫn là một Công Dân Của Miền Nam Tự Do, của Việt Nam Cộng Hòa. Nắng buổi sáng hôm nay, vẫn là Nắng Ấm, vẫn là Nắng Đẹp Miền Nam, muôn đời không thay đổi.


NGUYỄN KHẮP NƠI.

Sunday, March 8, 2015

   47 Năm Sau Vụ Tàn Sát Tết Mậu Thân Giải  Khăn Sô Cho Huế Tới UC Berkeley   .

28/02/2015

Nhã Ca

Olga_Hue, Peter-NhaTừ trái, Giáo sư Olgar Dror của phân khoa Lịch Sử tại Đại học Texas A&M University, đồng thời là dịch giả sách “Mourning Headband for Huế” đang thuyết trình về trận chiến Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, với hình ảnh những hầm chôn người tại Huế xuất hiện trên màn hình. Trên bàn thuyết trình là Giáo sư Peter Zinoman của Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc Đại học UC Berkeley và nhà văn Nhã Ca, tác giả “Giải Khăn Sô cho Huế tại Huế”.

Như lịch sinh hoạt được loan báo từ trước, chiều Thứ Tư 25 tháng Hai 2015, buổi họp mặt với tác giả và dịch giả sách “Mourning Headband for Huế” –- Giải Khăn Sô cho Huế” đã khai diễn tại hội trường 180 Doe Library của Đại học UC Berkeley.
 
Sách “Mourning Headband for Hue” do Olga Dror dịch trực tiếp từ nguyên bản Việt ngữ “Giải Khăn Sô cho Huế” của Nhã Ca, được xuất bản bởi Indiana University Press và buổi “book event” tại UC Berkeley được tổ chức bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á và do Giáo sư Peter Zinoman trực tiếp điều hợp chương trình.
Với hai diễn giả chính là Giáo sư Olga Dror, dịch giả, và nhà văn Nhã Ca, đây là lần đầu tiên, biến cô Huế Tết Mậu Thân 1968, trận chiến tranh cãi nhiều nhất trong cuộc chiến Việt Nam được nhìn lại toàn bộ bằng một cách nhìn khác, một quan điểm khác: quan điểm của người dân miền Nam. 

Đây cũng là lần đầu tiên, hình ảnh và câu chuyện về cuộc tàn sát do cộng quân gây ra tại Huế Tết Mậu Thân bị công luận Mỹ lơ là được Giáo sư Olga Dror trình bầy chi tiết trong phần thuyết trình của bà.
Olga Dror là một trí thức Do Thái sinh ra và lớn lên tại Nga trong thời Sô-viết. Bà tốt nghiệp trường Leningrad State University chuyên ngành Văn Hóa Á Đông. Bà cũng từng là người phiên dịch Việt ngữ và làm công việc truyền thông tại Nga. Vào khoảng cuối thập niên 1980, trước khi Liên Xô sụp đổ, bà qua Do Thái và phục vụ trong ngành ngoại giao của quốc gia này.
Sau đó bà sang Hoa Kỳ và tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Lịch sử Đông Nam Á tại Cornell University. Hiện nay bà là Giáo sư tại Đại học Texas A&M.
 
Về phần Nhã Ca, xin mời đọc bài nói chuyện “Tiếng Kêu Tết Mậu Thân / Huế 1968 – Berkeley 2015.”

Tiếng Kêu Tết Mậu Thân Huế 1968 - Berkeley 2015

Nhã Ca
Bài nói chuyện tại UC Berkeley, Feb 25. 2015 trong buổi họp mặt với "Giải Khăn Sô Cho Huế/Mourning Headband for Hue"

Peter_Nha_Olga
Từ trái: Giáo sư Peter Zinoman giới thiệu tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror

Kính chào quí vị,
 
Hôm nay, với người Việt chúng tôi, vẫn còn là ngày Tết. Mùng Bảy Tết. Xin chúc tết theo truyền thống Việt Nam: “Kính chúc tất cả quí vị một năm mới Ất Mùi an lành.”
Và xin cám ơn UC Berkely. Cám ơnm Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á; Cám ơn Giáo sư Peter Zinoman và quí vị trong ban tổ chức.
 
Giáo sư Olga Dror, nhà nghiên cứu và giảng dạy về văn hoá lịch sử Việt Nam, đã trình bầy đầy đủ về biến cố Tết Mậu Thân và "Giải Khăn Sô cho Huế." Cám ơn Olga.
 
Thưa quí vị và các bạn,
 
Là người viết văn thường viết khi một mình, tôi chỉ quen viết, không quen nói. Sẽ không bao giờ có thể là diễn giả. Bài nói chuyện này được viết trước. Tôi viết tiếng Việt và nói bằng "văn viết". Tiếng Kêu Tết Mậu Thân
 
Hình như mỗi người đều có cuốn lịch riêng của mình, trong nhà hoặc trong đầu. Tôi biết mỗi tờ lịch có câu chuyện của nó, cả chuyện hôm qua, hôm nay, lẫn ngày mai. Câu chuyện của từng tờ lịch trong cuốn lịch chung được gọi là lịch sử.
Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất của lịch sử Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.
 
Cuộc chiến ấy có cái bóng dài hơn là chính nó.
 
Đó là cái bóng của trận tổng tấn công Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968, do phía cộng sản thực hiện. Với những hầm chôn người và hàng ngàn thường dân Huế bị tàn sát, cái bóng oan khiên ấy ngày càng được nối dài. Dài hơn một trận đánh. Dài hơn cả cuộc chiến. 
 
Chưa biết đến bao giờ mới ngừng.
 
Là người sống sót từ trận chiến Tết Mậu Thân, tôi viết "Giải Khăn Sô cho Huế". Đây không phải tiểu thuyết hư cấu. Cũng chẳng phải văn chương thơ phú. Chỉ là chuyện thật, chuyện chạy bom chạy đạn. Chuyện mình, chuyện người. Mắt thấy tai nghe. Có sao viết vậy. Chỉ là những mảnh vỡ của một thành phố tan tác trong cảnh hỗn mang giữa máu lửa, chết chóc. Giáo sư Olga Dror gọi chúng là những "hình ảnh tức thì" của cuộc sống bị hủy hoại và vỡ nát. Bà "nghe" thấy tiếng nói từ loại hình ảnh này.
Là một trí thức Do Thái được sinh ra và lớn lên tại Nga từ thời Sô Viết, bà Olga đã rời khỏi đất nước này khi Liên Bang Sô Viết còn là một siêu cường. Hơn 10 năm sau khi chế độ Sô Viết đã sụp đổ, Giáo sư Olga Dror đã có dịp trở lại nước Nga. Năm 2012, trong một cuộc hội thảo về kinh nghiệm quan hệ giữa nước Nga và Việt Nam tổ chức tại Moscow, Olga thuyết trình về đề tài "Trận chiến Tết Mậu Thân tại Việt Nam và cuốn sách Giải Khăn Sô cho Huế." Nhưng nước Nga hậu Sô Viết vẫn không hề khác 25 năm trước. Thái độ của cuộc hội thảo với đề tài này là chỉ có thể đề cập tới "tội lỗi của phía Mỹ" trong trận chiến. Mọi lý lẽ khác bị dập tắt. Olga kể là sau đó, ngay chính trên đất Nga chứ không phải đâu khác, bà thấy mình quyết tâm hơn bao giờ hết, trong việc phải bảo vệ thứ tiếng nói từng bị vùi dập trong chiến tranh. Olga còn cho biết nguồn sức mạnh khích lệ bà trong quyết tâm này là những chuyện mà ông bà nội của bà đã phải chịu đựng trong thời Đệ Nhị Thế 
Chiến tại Saint Peterbourg.
 
Năm 2012 là lúc người dịch và người viết "Giải Khăn Sô cho Huế" bắt đầu liên lạc làm việc với nhau. Nhưng khi sự việc trên đây xẩy ra, tôi không hề biết gì. Khi đó chúng tôi chưa quen nhau. Tôi không biết cuốn sách "Giải Khăn Sô cho Huế" đã cùng đi với Olga tới nước Nga ra sao. Chỉ biết Olga Dror là vị học giả uyên bác, người viết về Bà Chúa Liễu Hạnh của Việt Nam, một công trình nghiên cứu mà chúng tôi khâm phục. Ba năm liên lạc thư từ cùng làm việc, đã coi nhau là bạn, nhưng chỉ khi công việc đã xong, cầm cuốn sách anh ngữ trên tay, đọc bài của Olga, tôi mới biết chuyện này.
Điều mà Giáo sư Olga tìm thấy trong cuốn sách Giải Khăn Sô cho Huế, là "tiếng nói của người dân trong chiến tranh." Bà nói cuốn sách là cái nhìn cuộc chiến không qua cặp mắt của người lính hay chính trị gia, bình luận gia, mà qua cặp mắt của người dân không phe phái. Nó mô tả kinh nghiệm của những người dân bình thường.
Sau khi liệt kê đầy đủ và đối chiếu với các loại quan điểm khác nhau về trận chiến đã được nói lên từ nhiều phía, nhiều nơi, nhiều nước, Olga nhấn mạnh "Mourning Headband for Huế" là quan điểm, là tiếng nói đích thực của người dân miền Nam Việt Nam. Với nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam, tiếng nói này hoàn toàn bị cấm kỵ. Tác giả từng bị bắt bỏ tù, cuốn sách từng bị đóng đinh và cho tới nay vẫn tiếp tục cấm đoán. Ngay tại Hoa Kỳ, tiếng nói của người dân miền Nam cũng chưa từng được lắng nghe. Sách viết về chiến tranh Việt Nam hầu hết đều phát xuất từ miền Bắc Cộng Sản.
Olga cũng nói đọc Nhã Ca trong Giải Khăn Sô cho Huế, có khi người ta nghe tiếng la thất thanh, tiếng kêu gào tới mức không còn ra tiếng nữa. Tôi biết đó là tiếng kêu từ Huế Tết Mậu Thân. Tiếng kêu của người dân miền Nam trong cuộc chiến.
 
Hôm nay, lần đầu tiên. tiếng kêu ấy được mang đến UC Bekerley.
Nhờ buổi họp mặt này, hai chị em chúng tôi được gặp nhau lần đầu. Cuốn sách chúng ta có hôm nay không chỉ là bản dịch. Phần chính của sách là công trình nghiên cứu nghiêm túc của Giáo sư Olga về tiếng nói của người dân trong trận tấn công 1968. Giải Khăn Sô cho Huế và Nhã Ca, với hàng trăm chú giải chi tiết kèm theo bản Anh ngữ do Olga thực hiện, chỉ còn là đề tài của công trình nghiên cứu.
 
Tha lỗi cho tôi, Olga.
Tôi đã đẩy sang vai bạn phần lớn gánh nặng.
Bạn đã lãnh dùm việc nhìn lại toàn bộ trận chiến Tết Mậu Thân tại Huế. Bạn cũng đã giới thiệu quá đầy đủ về cuốn sách, tác giả và tác phẩm. Phần tôi, chỉ xin góp thêm chuyện bên lề, lan man không thứ tự. Bắt đầu bằng...
 
Ký ức một thời về
chiến tranh, khủng bố
 
Tôi ra đời cùng lúc với cuộc Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai. Huế thời đó còn là kinh đô của các ông vua triều Nguyễn, nhưng cả nước đã trở thành thuộc địa của Pháp.
 
Năm 1937, quân Nhật tiến chiến nước Trung Hoa rồi tràn vào Việt Nam kéo theo bom đạn của thế chiến.
Từ thủa còn bé thơ, hai ba tuổi, tôi đã biết nếm mùi chiến tranh, bom đạn, nhà cửa bị đốt cháy, cả nhà phải chạy loạn, đi tản cư trên những chiếc ghe, người lớn chèo trối chết, thuận hoặc ngược dòng sông để lánh nạn.
 
Năm 5, 6 tuổi, có lần theo lũ trẻ chơi đùa trên sân đình làng quê, thấy một bãi máu nhuộm đỏ từ gốc cây sung, bọn trẻ chạy theo, lên thềm đình. Xác một người đàn ông bị cưa ra làm 3 khúc. Đầu treo trên cây, thân nằm giữa sân và tay chân sắp trên thềm đình. Người bị giết là một thợ rèn, hiền lành. Việt Minh giết.
 
Năm tôi 9 tuổi. Tại Huế, Việt Minh cướp chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, con đường Nam Giao của Huế, nơi có nhiều vườn chùa êm ả bỗng dấy lên nhiều cảnh kinh hoàng. Lúc đó, tôi học ở một trường tiểu học tên là trường Nam Giao. Sáng sớm, mấy bạn trong xóm rủ nhau đi học, bọn con nít chúng tôi thường kinh hoàng la hét, khi thấy một cái đầu bị cắt đứt lìa từ cổ để trong một cái rổ tre với một miểng giấy ghi của Việt Minh lên án Việt gian. Có khi đầu lâu hay thân người, hay cánh tay, đùi chân đặt trên cái rá, cái thúng. Có người tứ chi bị cắt rời, thân bỏ vào bao bố, đầu để ra ngoài, hai con mắt mở trừng trừng, miệng còn dính máu đông, rất hãi hùng.
Nhưng rồi... có một lần, bạn tôi không la, không hét, không xô đẩy. Mà cũng như thấy xung quanh không hề có ai. Cũng không nhấc tay, dợm chân. Bạn đứng sững. Tuy còn là một đứa nhỏ, nhưng tôi biết "đứng như trời trồng" là lúc bạn đứng đó. Hai cái đầu được bày trên hai cái nón lá chính là ba và mẹ của bạn. Bạn ra sao lúc đó? Bạn cứ đứng vậy. Hai mắt bạn cũng trắng dã, trợn trừng như bốn con mắt không thể nhắm của ba mẹ bạn.
 
Tôi cũng đứng như vậy. Không nhấc nổi tay chân. Không mở miệng. Sau đó, người ta xua đuổi bọn con nít đi. Tôi lạc mất bạn.
Và rồi, Tết Mậu Thân 1968, chuyện tàn sát tập thể bằng cách chôn sống đã diễ ra tại Huế. Hàng ngàn dân Huế bị chôn ở Thành Nội, ở Gia Hội, ở Bãi Dâu, ở Phú Thứ, ở khe Đá Mài... Không chỉ trong núi trong rừng, nơi họ bị chôn còn là đất chùa, đất nhà thờ, đất trường học, và ngay tại vườn nhà.
Trong số những người bị chôn có chị Tâm Tuý, cô bạn trường Đồng Khánh của tôi. Khi xác được đào lên, thấy tóc mọc dài hơn, móng tay mọc dài hơn. Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống, như nhiều nạn nhân khác.
 
Trong cuộc hưu chiến đêm giao thừa mùng một tháng Giêng Tết Mậu Thân, nhằm ngày 29 tháng Giêng 1968, các đơn vị cộng quân -gồm cả quân chính qui Bắc Việt và dân quân địa phương- lặng lẽ tiến vào Huế, kiểm soát được khu Gia Hội trong 20 ngày. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi này, có tới 473 người Huế bị chôn sống.
Tiếng kêu Tết Mậu Thân từ "Giải Khăn Sô cho Huế" mới chỉ là những ghi nhận đầu tiên. Còn hàng ngàn tiếng kêu khác bao năm qua vẫn liên tục cất lên, ngay trên đất Hoa Kỳ. Xin kể một trường hợp mà chính tôi biết rõ: Ông Võ Trang, 56 tuổi, cư dân San Diego, một kỹ sư điện đang làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại đây, hồi tưởng việc bố của ông được mời đi "họp" chỉ 2 ngày trước khi quân đội quốc gia tái chiếm thành phố Huế. Ngày ấy, ông còn là một thiếu niên 15 tuổi. Sau đây là đoạn trích do ông Võ Trang viết:
"Trong khi tôi đang ngồi cạo chiếc ghế xích đu cũ để sơn lại thì bỗng có người vỗ vai tôi và hỏi nhẹ "Em ơi! Có ba ở nhà không?" Tôi bàng hoàng quay lại. Hai người, một dân quân áo bà ba quần cụt, một chính quy với dép râu và quân phục, nón cối màu vàng. Tôi hỏi lại họ muốn kiếm ai thì họ nói tên ba tôi rõ ràng. Chị giúp việc mà gia đình tôi vừa thuê vài tháng trước đã mở cửa sau cho họ. Tôi vào kêu ba tôi trong hầm giã chiến. Hết đường chạy rồi! Phòng chỉ có một cửa ra vào thì họ đã đứng chận. Ba tôi mặt tái xanh và không nói gì nữa. Trong hầm còn có một người em trai của me tôi, là một cảnh sát viên, đã khuyên ba tôi nên đi ra để họ khỏi xông vào bắt thêm những người họ không dự định. Me tôi đưa thêm chiếc áo len cho cho ba tôi mặc vào. Người anh thứ hai của tôi chạy theo xin đi thế nhưng họ không cho. Hôm đó là ngày 19 âm lịch tháng Giêng năm Mậu-Thân...
 
"Khoảng hơn một tuần sau, các hầm chôn người tập thể nằm phía sân sau của trường Tiểu Học Gia Hội được phát hiện. Xác người khi được khai quật, tuy chưa bị rữa nhưng đã sưng phồng lên và bốc mùi.
 
"Cái thây người được kéo lên để nằm ngửa người trên một u đất, miệng há hốc, mặt đen xám và dính đầy đất, hình ảnh mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên. Đó là ba của tôi. Những chứng cớ không thể chối cãi. Chiếc áo có vẽ 4 cái đầu của ban nhạc "The Beatles" bên ngực trái, là chiếc áo độc nhất vô nhị của anh tôi mà ba tôi rất thích. Hai chiếc tất (vớ) thêu lủng lỗ mà anh em chúng tôi đều biết được chia đều vào 2 túi quần. Rõ ràng là dấu hiệu ba tôi để lại cho gia đình nhận diện. Tôi không biết ba tôi đã vật vã như thế nào vào giờ phút đó nhưng me tôi và các anh em tôi thì vẫn đau đớn cho đến bây giờ...".
 
Võ Trang cho biết trong số người bị chôn có cả cô gái 19 tuổi ở cách nhà ông 2 căn. Người anh là một cảnh sát viên vắng mặt nhưng có tên trong danh sách được mời, cô em thay thế anh "đi họp"!
Và kể thêm: "Thảm sát tập thể như thế này cũng đã xảy ra ở Sịa, vùng quê gần Huế, vào năm 1947. trước khi rút lui vì nghe tin quân Pháp sắp trở lại, cộng sản kêu gọi dân chúng đi đào hầm chống Pháp. Những hầm này thật ra chính là những hầm chôn tập thể chỉ trong vài ngày sau đó. Theo lời chú tôi kể lại họ đi bắt người cả ban ngày và ban đêm. Ông Cố Nội của tôi, đã 70 tuổi cũng đã bị bắt đi vào ngày 17 tháng 2 nhằm ngày 20 Tết Âm Lịch. Lúc đầu người ta phát giác xác anh TH., một nhân vật có võ được biết trong làng, chết bên vệ đường với nhiều vết chém, đứt cả bàn tay. Rồi lần theo vết máu người ta tìm đến những hầm chôn người tập thể trong đó có cả Ông Cố Nội của tôi và em của Ông. Những vết cắt cho thấy họ bị chặt đầu bằng mã tấu!(1).

Nha CaNhà văn Nhã Ca và nhà giáo Trần Hạnh của UC Berkeley. Ảnh Nguyệt Cầm.



Và Đêm Huế 1970
Hai năm sau trận chiến Mậu Thân, họp mặt ra mắt sách "Giải Khăn Sô cho Huế" lần đầu tại Sàigòn, vớiù sự hiện diện của Hoà thượng Thích Trí Thủ, vị đại sư huynh của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Sau đó toàn bộ số thu từ cuốn sách được mang về trao tặng trường trung học Đồng Khánh và Đại học Y Khoa Huế. Chuyến đi Huế lần này có sự tham dự của Linh mục Cao văn Luận, viện trưởng sáng lập Đại học Huế, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, các nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến. . .
 
Tại Huế vào thời điểm này, dân chúng ngày ngày đang lùng kiếm đào bới các hầm chôn người do cộng quân để lại, thành phố đổ nát đầy tang tóc. Đêm Huế 1970 cho tôi những hình ảnh nhớ đời.
Một buổi chiều, với chiếc xe Volkswagen, chúng tôi sang Thành Nội. Đây là chiếc xe của ông bà bác sĩ Horst Gunther Krainick để lại trong chung cư y khoa sau khi bị cộng quân bắt đi. Ông bà cùng hai vị bác sĩ người Đức khác là Raimund Discher và Bác Sĩ Altekoester là bốn bác sĩ người Đức sang giúp trường Y khoa Huế từ 1960. Cả bốn vị đều đã bị cộng quân bắt đi xử bắn.
 
Tại Thành Nội, chúng tôi có buổi ăn tối với các bạn ở trường Âm Nhạc Huế. Đây là nơi trú đóng của cộng quân trong cuộc giao chiến. Trong khu vườn nhà trường, có con mương dẫn nước chạy qua. Lúc đứng ở sân, người vợ của anh bạn giám đốc trường nhạc chỉ tay vào cái mương, nói là sau khi Việt Cộng đã rút chạy, anh chị trở lại đây, thấy xác binh sĩ Việt Cộng nằm chết xếp lớp dày đặc trong con mương.
 
Người chết không còn oán thù, có một mâm cơm, một bát nhang bày ở đó.
 
Trên đường lái xe về, trong đêm Huế thê long đâu đâu cũng thấy bầy bàn thờ nhang khói, chúng tôi có ngừng lại thăm một ngôi nhà có người cha người anh đã bị cộng sản chôn sống tại Gia Hội. Con em trong nhà mang áo xô gai, thay nhau cầm bó đuốc chạy quanh gốc cây trước nhà. Theo niềm tin của dân gian, những hồn chết oan không biết đường về nhà. Phải đốt đuốc hướng dẫn cho linh hồn lưu lạc biết đường mà trở về.
Có biết bao hồn oan trong trận chiến Huế Mậu Thân đang chờ ánh đuốc, cả hồn oan của những chiến binh miền Bắc bỏ xác trong mương nước thành nội.
 
Năm Ất Dậu, 1885, Pháp đã đưa quân vào Huế uy hiếp triều đình. Đêm 23 tháng 5 âm lịch, 30,000 quân Nam tấn công căn cứ Pháp tại Mang Cá nhưng bị đánh bại. Kinh thành thất thủ, đại thần Tôn Thất Thuyết phải mang Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị mở phòng trào Cần Vương. Trong trận chiến này, hơn 1500 quân dân Huế bị tàn sát. Ngay từ năm Mậu Tuất tiếp theo, Huế lập Đàn Tưởng Niệm, xây thêm miếu Âm Hồn trong Thành Nội, hàng năm, đúng ngày giỗ, cả thành phố đều đốt nhang, làm lễ. Thực dân Pháp không cấm việc dân Huế tưởng niệm người chết. Cộng sản thì khác.
Huế Mậu Thân, số nạn nhân bị tàn sát nhiều gấp 5 lần, nhưng từ sau 1975, mọi đài tưởng niệm đều bị phá bỏ, dân chúng thì bị công an đến từng nhà truyền lệnh cấm tụ tập làm giỗ.
Hình ảnh bập bùng của những ngọn đuốc đêm Huế ấy bao năm vẫn chập chờn trong đầu tôi.
 
Thưa quí vị,
Năm Ất Mùi 2015, bốn mươi năm sau chiến tranh Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 20 năm bang giao Việt Mỹ.
Lịch sử có ghi là hai năm trước khi Nội chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã chỉ định "một ngày tủi nhục quốc gia" cho nước Mỹ. Trong ngày này ông đã kêu gọi cả nước nhận chung "tội lỗi của chúng ta" và cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự tha thứ.
 
"Ngày tủi nhục quốc gia" được công bố tại Mỹ là ngày 30 tháng 3 năm 1863. Đã hơn 150 năm. Nội chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào vào tháng Tư năm 1865. Liên Bang nước Mỹ, với sự tôn trọng dành cho phía miền Nam- lá cờ miền Nam vẫn được treo, binh sĩ miền Nam vẫn giữ súng cá nhân, liệt sĩ Nam Bắc chung nghĩa trang, cả nước không có một cuộc diễn binh hay lễ hội mừng chiến thắng. Từ đó mà có được nước Mỹ ngày nay.
Sau Tết Ất Mùi, sang năm sẽ là Tết Bính Thân. Sắp thêm một năm Thân.
 
Chiến tranh Việt Nam, anh em một nhà bị đầy tới chỗ giết nhau, thù hận nhau. Tháng Tư 1975 của Việt Nam- sau tháng Tư của nước Mỹ 110- thêm cả triệu người miền Nam bị thủ tiêu, tù đày, chìm dưới đáy biển. Vậy mà cho tới nay, tại Việt Nam cũng như tại nhiều nơi, trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thấy nghĩ lại.
Trong bài "Tựa Nhỏ: Viết Để Chịu Tội" mở đầu sách Giải Khăn Sô Cho Huế, tôi có viêt rằng chính thế hệ chúng ta, thế hệ của tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc nội chiến. Tầm nhìn thế hệ không phải phân biệt tả hữu, nam bắc. Sau đó là lời mời gọi cùng đứng trước bàn thờ ngày giỗ.
Khi viết lời tựa nhỏ cho bản in lần đầu "Giải Khăn Sô Cho Huế" vào năm 1969, tôi viết với niềm tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam.
Vào năm 2008, khi viết thêm ít dòng cho bản Việt ngữ của cuốn sách được tái bản ở Mỹ, tôi viết "Sẽ tới lúc phải có một bàn thờ chung, ngày giỗ chung tại quê hương, nơi từng biết thế nào là sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hóa, lịch sử."
Và hôm nay, tại đây, vẫn với nguyên vẹn niềm tin xưa, tôi tiếp tục chờ đợi.
Những người Huế từng bị tàn sát Tết Mậu Thân xứng đáng được tưởng niệm.
Các thế hệ tương lai tại Việt Nam xứng đáng được nghe, được nghĩ, được nói điều chân thật, được hưởng một đất nước lành lặn, sạch sẽ. Ngày ấy sẽ tới.
Kính chào và cám ơn quí vị.
Nhã Ca
(1) Bài “Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” của tác giả Võ Trang, sách “Viết Về Nước Mỹ” 2009.

 

Tuesday, March 3, 2015

 CƠM CHÁY CHÀ BÔNG MỠ HÀNH   .

của Vân Trần

Hôm nay cô em gái làm món cơm cháy rất hấp dẫn, xin mời qúy anh chị em thưởng thức.

Em đã biết làm cơm cháy chà bông rồi nè, ăn ngon nhức nách luôn, ăn không thua gì cơm cháy Như Lan ở Saigon đâu nha.
 
Nói chứ có làm món này em mới thấy sợ ăn cơm cháy mà bán từng bịch sẵn trong chợ. Vì cơm phải lấy cơm nguội nêm tí gia vị (em lại nhớ tới mấy bà thu gom cơm dư cơm cũ ở các quán ăn ), xong phải ép sấy khô ( em lại nhớ họ phơi ngoài đường ruồi nhặng bụi bám vô), xong phải chiên ngập dầu ( lại nhớ dầu chiên 80 quánh rồi vẫn còn chiên tiếp). Xong rắc chà bông lên ( chà bông nghe đồn làm bằng giấy carton nữa chứ).
 
Tóm lại ở nhà mình tự làm là an toàn nhất ha các chị?
 
Tùy ăn lạt hay mặn:pha 1 soup đường 1 soup nước mắm nguyên chất....rứoi sốt nước mắm này lên cơm chiên cho đậm đà thêm (rưới ít thôi nha)
Xin mời cô bác anh chị em bạn bè ghé vô ghé vô.....



Monday, March 2, 2015

   Áo Trắng   .

Áo trắng bây giờ em ở đâu
Vắng thơ đàn trổi khúc âu sầu
Xuân về thương nhớ từng canh vắng
Mầu trắng em mang buổi ban đầu.


Nnh
(vài câu tặng Sao Linh)


   Áo Xanh   

Áo trắng bây giờ đang ở đây
Vui xuân đi vắng đã bao ngày
Áo trắng nay đà thay áo xanh
Chúc mừng năm mới phước lộc đầy.


Sao Linh 



Sunday, March 1, 2015


   Mẹ Ơi !    .

Mẹ ơi ! Mẹ ở nơi nào
Có nghe tiếng gọi nghẹn ngào của con
Đường trần vạn nẻo núi non
Bơ vơ con trẻ mỏi mòn Mẹ ơi

Mẹ người duy nhất trên đời
Vỗ về an ủi ngàn lời yêu thương
Đêm nay thức suốt canh trường
Nhớ hình bóng Mẹ mắt vương lệ sầu
 
 Tình Mẹ ví  tựa biển sâu
 Nuôi con khôn lớn dãi dầu nắng mưa
 Làm sao nói hết cho vừa
Công ơn của Mẹ con chưa đáp đền

Lòng con đau đớn không yên
Tìm đâu hình bóng mẹ hiền ngày xưa.
 
Sao Linh