Monday, November 30, 2015


Nỗi Buồn Không Tên

Ngẩn ngơ ngồi bên song...

Nhìn nắng rơi ngoài hiên
Biết trút đâu muộn phiền !
Niềm vui nào xa vắng?
Ôm nỗi buồn triền miên...

Tình cuối cùng xa xăm
Còn lại gì nơi này ?
Một thóang đã bao năm
Ngày vẫn trôi âm thầm

Nét mực tim chưa phai
Vần thơ mãi tìm hòai...
Chữ ở đâu chẳng thấy ?
Ngẩn ngơ ngồi loay hoay !

Đã hết rồi mộng mơ
Trong dòng chữ ngu ngơ...
Bận lòng chi bối rối ?
Cũng chỉ là vần thơ...

Bận lòng chi bối rối
Cũng chỉ là vần thơ !
Cũng chỉ là
vần thơ !


Sao Linh

Friday, November 27, 2015

   Cuộc sống của người Việt trên đất nước Mỹ    .

Gần đây tôi có đọc được một vài bài viết nói về cuộc sống của người Việt trên đất nước Mỹ khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Ở bất kỳ đất nước nào trên thế giới, con người cũng đều phải đi làm để lo cho cuộc sống của mình. Những người lười biếng, thì cuộc đời của họ sẽ dậm chân tại chỗ
Giầu và nghèo thì không có nước nào mà không có hai tầng lớp này, bởi vì chẳng nơi nào chỉ có toàn người giầu và chẳng nơi nào chỉ có toàn người nghèo cả.
Tôi đã theo cha mẹ qua Mỹ khi lên 10 tuổi và bây giờ chỉ còn hai năm nữa thì tôi được 30. Như vậy có nghĩa là tôi đã sống ở Mỹ một thời gian khá dài. Phải nói rằng trong lòng tôi luôn cám ơn đất nước Mỹ đã cho tôi cơ hội đến trường mà không phải lo sợ không có tiền để đóng cho họ, cám ơn Mỹ đã cho tôi cơ hội để cầm mảnh bằng kỹ sư trong tay, và cám ơn Mỹ đã cho tôi cơ hội kiếm được một công việc làm khá tốt.
Tất cả những điều có được ngày hôm nay là do sự cố gắng vươn lên của tôi. Muốn bước tới sự vinh quang không phải là ngồi một chỗ than thở hoặc lười biếng mà có được.
Rất nhiều người Việt vượt biên qua Mỹ trước kia đã thành công, có nhà cửa và có tương lai sự nghiệp vững chắc. Cha mẹ tôi khi đặt chân qua Mỹ cách đây 18 năm cũng đã phải làm lại từ đầu. Ông bà không quản ngại làm việc siêng năng để lo cho anh em tôi học nên người, nhưng không bao giờ than van rằng đất nước Mỹ bắt họ phải làm việc đầu tắc mặt tối.
Đất nước Mỹ không hề mang chúng ta sang đây, mà chính chúng ta tự đòi sang, vì thế nếu làm việc cực khổ thì đừng bao giờ phiền trách họ vì như thế là mình quá vô lý.
Nhiều người Việt khi mới đặt chân qua Mỹ sau những ngày vượt biên nguy hiểm đầy gian nan đã được chính phủ Mỹ nuôi dưỡng trong một chương trình trợ cấp còn được gọi là welfare vì có con nhỏ cho tới khi 18 tuổi, ngoại trừ độc thân thì chỉ được 24 tháng. Như vậy đủ biết xã hội mỹ đã tốt đến thế nào đối với chúng ta.
Người Việt ở Mỹ cũng có hai tầng lớp: một loại trí thức có văn bằng cầm trong tay và một loại người không có mảnh bằng nào cả. Người có bằng cấp sẽ kiếm được công ăn việc làm tốt hơn, còn người không có bằng cấp thì phải làm nghề lao động. Dĩ nhiên lương sẽ không được trả cao.
Ở Mỹ tôi đã nhìn thấy rất nhiều người cùng thế hệ với tôi trở thành bác sĩ, kỹ sư giúp ích cho đời sống mọi người. Đa số những người qua Mỹ sau này muốn làm giầu nhanh nhưng không chịu học hành.
Cũng có nhiều người Việt ở Mỹ từng làm giầu bằng nghề Nail. Tôi không quen biết ai trong ngành này, nhưng theo những nhận xét từ người lớn cho biết, họ kiếm tiền rất dễ dàng . Chính họ tự chọn làm nghề chà chân, sơn móng tay để kiếm tiền, chứ chính phủ Mỹ hay người Mỹ không hề bắt họ làm như vậy. Nghề này ngồi trong bóng mát và không quá khổ cực như những người phải làm việc ở ngoài đồng nhặt trái cây giống như người Mễ, hoặc công nhân sửa đường phố, nên xin đừng than thở. Mỗi lần tôi nghe ai than làm nghề nail thế này thế nọ thì tôi không thể hiểu họ thực sư muốn gì!.
Đôi khi họ kiếm nhiều tiền hơn cả những người đã phải bỏ công ra ngồi học 4 năm trong đại học. Những người đi làm cho công ty Mỹ luôn đóng thuế đàng hoàng nhưng họ lại không.
Tôi rất ghét những người ăn cơm Mỹ, ở nhà Mỹ, kiếm tiền từ người Mỹ nhưng luôn chê trách cuộc sống và đất nước Mỹ. Những người chỉ biết đứng núi này trông núi nọ không bao giờ thành công và hài lòng với những gì họ đạt được.. Nếu thật sự ở Việt Nam tốt hơn trong mắt họ thì họ nên về đó mà sống, sang Mỹ làm gì!.
Căn cứ theo báo cáo cũng như từng đọc báo chí thì tôi thấy cuộc sống ở VN khó khăn gấp nhiều lần bên Mỹ. Thử hỏi một kỹ sư hóa học ra trường kiếm được bao nhiêu tiền một tháng? Ngay cả tầng lớp trí thức như giáo sư người đã cho sinh viên kiến thức, mà còn nghèo khổ đi làm thêm ban đêm để có đủ tiền nuôi vợ con đó thôi.
Những người giầu bên VN đa số là cán bộ cao cấp, con ông cháu cha hoặc là những người buôn bán, ngoài ra số người nghèo thì vẫn còn rất nhiều.
Chúng ta không thể nào so sánh cuộc sống của người Việt tại Mỹ với cuộc sống của người Việt tại quê nhà được vì đây là hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Ở Mỹ làm việc cực nhọc nhưng không cảm thấy bị gò bó, muốn nói gì hay đi đâu cũng được.
Ngoài ra luật pháp của Mỹ luôn được tôn trọng nên ý thức của con người rất cao, còn ở Việt Nam thì luật pháp chẳng bao giờ được người ta thực hành triệt để vì ý thức của người dân quá thấp kém.
Người Mỹ rất lịch sự mặc dù có một số người kỳ thị nhưng khi gặp gỡ mình ngoài đường họ luôn nói lời chào hỏi dù không hề quen, điều này khiến cho người Việt ở Mỹ cũng lịch sự theo.
Người Việt ở Mỹ rất có lòng tốt đối với thân nhân còn sống ở bên Việt Nam. Dù giầu hay nghèo họ đều cố gắng gởi tiền về VN lo cho gia đình, thử hỏi đa số những người bên VN có dám cho tiền thân nhân của mình hay không khi biết họ nghèo khổ?, giỏi lắm thì chỉ được vài bữa ăn là cùng. Tranh giành nhau từng thước đất, hoặc gia tài thì có rất nhiều.
Con cái ở bên Mỹ không bao giờ chờ đợi được chia gia tài từ cha mẹ. Họ tự tạo cho mình một cuộc sống vững chắc riêng.
Mỗi người có một cuộc sống đi kèm theo sự thành công hay thất bại. Mỹ chưa phải là thiên đường nhưng nó đã giúp cho người Việt ở đây có rất nhiều cơ hội mà nếu ở VN thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ có được trừ khi họ có thân nhân làm trong guồng máy chính quyền.
Tôi không quên nguồn gốc mình là người Việt Nam nhưng tôi cũng sẽ không làm kẻ vong ơn, ăn cơm, uống nước của Mỹ nhưng luôn miệng che bôi Mỹ.
Tôi rất tự hào khi được sống ở bên Mỹ.
(Sưu tầm trên net)
(theo Nha Kỹ Thuật)

Thursday, November 19, 2015

    Paris Ảo Tưởng   
18/11/2015
Đoàn Thị


Bài viết từ nước Pháp tang tóc sau ngày Thứ Sáu 13. Gần 200 tử vong!

Tác giả từng bay từ Paris bay sang Cali nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2011.
*
Thứ sáu ngày 13, dân Tây cho là ngày hên để đánh loto, cá ngựa, mấy trò đỏ đen được chiếu cố tận tình.
Xế chiều bắt đầu cho hai ngày cuối tuần sắp tới, Paris bỗng náo nhiệt, bùm bùm, bảy địa điểm trong thành phố lần lượt vang tiếng súng, chiến tranh du kích vào tận trung tâm thủ đô, kinh đô Ánh Sáng kinh hoàng đối mặt đội quân thánh chiến hồi giáo.
21 giờ 20 Loạt súng mở màn đợt tấn công Paris của đội quân cảm tử bên hông vận động trường Stade de France.
21 giờ 25 Cảm tử hồi giáo nã hàng loạt băng đạn vào quán ăn Le Petit Cambodge, ba mươi giây đạn nổ dài vô tận.
21 giờ 30 Khủng bố giựt dây thắt lưng cài mìn tự sát bên hông vận động trường Stade de France lần thứ hai.
21 giờ 32 Súng nổ ở quán Cosa Nostra quận 11 Paris.
21 giờ 43 Quán Comptoir Voltaire cũng quận 11 bị khủng bố tấn công.
21 giờ 49 Bốn phiến quân đều cài mìn chung quanh thắt lưng nổ súng vào khán giả đến xem ban nhạc Rock của Mỹ « Eagles of death metal » trình diễn đêm nay, gây cảnh tắm máu chưa từng thấy ở Paris.
21 giờ 53 Đợt nổ súng cuối cùng gần quán Mac Donalds cạnh vận động trường Stade de France.
Nạn nhân tử vong gần hai trăm người, số người bị thương nhiều hơn, nạn nhân chứng kiến đợt tắm máu này khó thoát nỗi cơn ác mộng ngày hôm nay mà họ sẽ đeo mang suốt cuộc đời còn lại.
Quân cảm tử có người che mặt, có người không giấu diếm đều hô lớn « Allah Akbar » trước khi hành quyết con tin nhân danh « quốc gia hồi giáo » trả thù cho nước Syrie.
Bọn khủng bố tự sát hoặc bị nhân viên công lực hạ sát không còn ai sống sót, chỉ người còn sống mới thực sự đối diện với nỗi đau mất người thân chết tức tưởi không kịp trối.
Suốt đêm thứ sáu mấy đài truyền hình thay nhau đưa tin nóng hổi tại hiện trường, Paris và cả thế giới một lần nữa chạm trán đội quân khát máu, hồi giáo đang đòi nợ máu nước Pháp.
Trước đó tình báo Pháp trong tình trạng báo động đỏ, biết Paris sẽ bị tấn công, nhưng bó tay trước cuộc thảm sát ngày 13 tháng 11, vì phiến quân không đi bộ từ quốc gia hồi giáo nào cả, chúng ở ngay trên đất Pháp.
Đầu năm 2015 bọn khủng bố mở màn cuộc thánh chiến khi đột nhập tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie, hành quyết bốn ký giả, và giết thêm vài người vô tội trên đường tẩu thoát.
Sau đó chúng xâm chiếm siêu thị của người Do Thái khu Nation trong Paris, hạ sát cha con chủ chợ.
Tháng tám trên chuyến xe lửa tốc hành Thalys từ Hòa Lan qua Paris, hai tên hồi giáo vừa ra tay đã bị ba công dân Mỹ can đảm vật ngã vô hiệu hóa hành vi khủng bố, Pháp thoát nạn chuyến này nhưng chưa thoát họa hồi giáo.
Thánh chiến tiếp nối thánh chiến đó đây, người chết cứ chết, chính phủ Pháp lên án để lên án, dân chúng phập phòng sống trong ác mộng mỗi ngày bước chân lên xe điện ngầm đến sở làm, sống hay chết đành theo số phận.
Truyền hình, báo chí đưa tin, mấy tên cảm tử ngày 13 vừa rồi, đa số là dân cư ngoại ô Paris, kho vũ khí nằm rải rác vành đai kinh đô Ánh Sáng, tổng hành dinh bên Bỉ và vùng phụ cận Paris.
Vài đứa khủng bố có tên trong danh sách đối tượng bị quốc tế truy nã, tình báo Pháp biết rất rõ, chưa kịp ra ta thì bùm bùm, Paris máu lửa, Paris tang tóc.
Vài con sâu làm rầu nồi canh Hồi Giáo, báo chí truyền hình đưa tin vài người hồi giáo ta thán, họ bị đồng hóa với bọn giết người một cách oan uổng, thật sự đạo hồi không xúi dục thánh chiến.
Vài tiếng nói lẻ loi trong trận bom dư luận đang kết tội bọn cuồng tín làm sao thu phục nhân tâm, gía mấy người hồi giáo trong trắng kia xuống đường mang biểu ngữ lên án tội ác dã man vừa rồi có phải hay hơn không.
Dân Pháp tự hào từ ngữ « Nhân quyền, nhân bản » là đặc sản của xứ tây, một thứ rất tây như tháp Eiffel, lâu đài Versailles, ruợu Bordeaux… không ai chối cãi được.
Có khi nào chính khách tây nhận thấy vì lạm dụng ba cái mỹ từ đó mà họ tự trói tay, bịt mồm, tước đoạt quyền tự do phản kháng của nhân dân trước làn sóng hồi giáo ồ ạt tràn vào Châu u không ?
Bao giờ Paris mới từ bỏ ảo tưởng về nhân quyền nhân ái, thực sự đối phó với phiến quân để bảo vệ tổ quốc.
Phải đợi đến lúc quốc gia tang tóc dân tây mới chợt nhớ mình còn có quê hương, cùng hát bài quốc ca tưởng niệm nạn nhân vô tội.
Chuyện quốc gia đại sự tôi không đủ trình độ để phân tích cuộc chiến vô tận này, thương cho công dân Pháp, cho chính tôi, phải nộp đủ thứ thuế để nuôi dưỡng một chính thể ngây ngô tin tưởng thế giới đại đồng nhân bản đến quên mất, quân khủng bố « nằm vùng » tại chỗ chờ ngày biến nước Pháp thành quốc gia hồi giáo.
Ngày đó Paris sẽ khóc như mưa vì phải « Adieu, porc, jambon, charcuterie, mon premier et dernier Amour », dân Tây bị cấm vận thịt heo và rượu bia, có khác chi bắt họ đổi giống trở thành Ả Rập.
Nov. 2015 / Đoàn Thị
Khủng bố ở Paris:

Cha gốc Việt trả lời con gây xúc động

Le Petit Journal /Facebook /HXDu11/19/2015




Kể từ đêm 13.11, Pháp và cộng đồng thế giới đã nỗ lực để chứng tỏ tinh thần đoàn kết, nhân văn cũng như lòng dũng cảm trước những vụ tấn công khủng bố đẫm máu làm rung chuyển Paris, khiến 129 người thiệt mạng. Trong đó, một video ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố Pháp và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch Paris đang lan truyền mạnh mẽ, đồng thời được chia sẻ tới bây giờ là hơn 34 triệu lần rồi.
Bé Brandon và Bố Angel Lê với phóng viên
Cuộc đối thoại ngắn nhưng toát lên “tinh thần nhân văn trước những hành động vô nhân đạo” đã làm lay động trái tim hàng triệu người.
Thông điệp “Chúng có súng, còn chúng ta có hoa”, “Hoa là để chiến đấu với súng đạn” thậm chí còn giúp người dân Pháp xoa dịu nỗi đau và củng cố lòng tin trước những mất mát mà họ đang phải gánh chịu sau thảm kịch Paris.
Original Video gốc (không có phụ đề tiếng Anh)
Video có phụ đề tiếng Anh
Cụ thể, phóng viên của chương trình Le Petit Journal, phát triên kênh truyền hình Canal+ đã gặp 2 bố con người Pháp Angel Le – Brandon tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris ở bên ngoài nhà hát Bataclan. Phóng viên đã hỏi Brandon rằng, liệu bé có hiểu lý do những kẻ khủng bố giết người ở Paris đêm ngày 13.11 hay không. Cậu bé Brandon hồn nhiên trả lời “Có ạ, vì họ rất rất xấu xa. Và chúng ta phải rất cẩn thận vì chúng ta sẽ phải dọn nhà đi nơi khác". Chính lúc này, ông bố Angel Le tham gia vào cuộc trò chuyện. Anh đảm bảo với con trai rằng, họ sẽ không rời bỏ Paris vì "nước Pháp là nhà mình".
Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc đối thoại xúc động giữa bố con Angel Le – Brandon theo sau cuộc phỏng vấn với phóng viên chương trình Le Petit Journal:
Phóng viên: Cháu có biết chuyện gì đã xảy ra không? Cháu có biết tại sao những kẻ đó lại làm vậy không?
Bé: Có ạ, vì họ là người rất rất xấu. Những người xấu xa không tử tế chút nào. Và chúng ta phải cẩn thận vì chúng ta sẽ phải dọn nhà.
Bố: Ồ không, đừng lo con ạ. Chúng ta sẽ không dọn nhà đi đâu hết. Nước Pháp là nhà của chúng ta.
Bé: Nhưng ở đây có người xấu mà bố.
Bố: Ừ, nhưng ở đâu cũng có người xấu con ạ.
Bé: Họ có súng, họ sẽ bắn chúng ta vì họ là người rất, rất xấu đấy bố.
Bố: Họ có súng thì chúng ta có hoa.
Bé: Nhưng hoa đâu làm được gì ạ. Hoa là để...để...
Bố: Con xem kìa, ai cũng đến để đặt hoa đấy.
Bé: Vâng, đúng ạ.
Bố: Hoa là để chiến đấu với súng đạn con ạ.
Bé: Là để bảo vệ sao ạ?
Bố: Đúng rồi con.
Bé: Nến cũng vậy sao bố?
Bố: Nến là để tưởng nhớ những người đã ra đi.
Bé: Ồ, Hoa với nến là để bảo vệ chúng ta!
Bố: Đúng rồi con.
Phóng viên: Bây giờ cháu đã cảm thấy yên tâm hơn chưa?
Bé: Rồi ạ.
Người Paris đặh hoa và nến tưởng niệm nạn nhân
Đoạn đối thoại trên sau đó được đăng tải lên Facebook của chương trình Le Petit Journal. Jerome Isaac Rousseau, một người dùng Facebook đã dịch và chèn phụ đề tiếng Anh cho đoạn video "để thế giới thấy một số công dân của chúng tôi tuyệt vời đến nhường nào”.
Theo Telegraph, ông bố Angel Le là người Pháp gốc Việt và hiện sống ở Paris. Anh được ca ngợi vì cách trò chuyện và giải đáp các câu hỏi của cậu con trai nhỏ cực kỳ thông minh và tình cảm.
Facebook Nathalie Deloge viết: “Cảm ơn hai bố con đã giúp tôi lau khô những giọt nước mắt của mình”.
Facebook Ptigwenn Paranthoën: “Tuyệt vời, rất cảm động, thật trong sáng và câu trả lời nhắc đến những bông hoa khiến tôi bật khóc. Không có câu trả lời nào ý nghĩa hơn thế. Người Paris hãy cố lên và tất cả dân Pháp hãy cố lên!”.
Facebook Cléa Molette nhấn mạnh: “Hoan hô ông bố với những câu trả lời ý nghĩa và xúc động. Giải thích cho trẻ hiểu chuyện gì đang xảy ra bằng hình ảnh như vậy rất quan trọng. Tôi thậm chí đã thấy hoa đánh bại súng. Hoan hô cuộc đối thoại này. Thật đẹp, Thật tuyệt vời và rất cảm động.”
Facebook Maxime Plessard viết: “Hoa và nến là để bảo vệ chúng ta.” – Màn trả lời tuyệt vời giữa bố và con trai làm chúng ta mỉm cười. Video rất cảm động với những lời tuyệt đẹp.
Trong khi đó, Facebook Vincent Fontanel bình luận: "Nếu tất cả các ông bố có thể được như ông bố này, thì cuộc chiến sẽ không tồn tại

Saturday, November 14, 2015


   Sinh nhật của bé Bea Joy ở Tacloban, Philippines   .
Hoa tình thương thường mọc lên từ nỗi khổ đau 
Như sáng nay tôi ra đời giữa điêu tàn đổ nát
Bên kia đường 
Chiều hôm qua 
Nhiều bạn chỉ được sinh trước tôi vài giờ đã chết
Biển chiều nay bao xác mẹ đang trôi.

Những xác người trôi khi tôi chưa ngưng tiếng khóc chào đời
Màu nhiệm và đau thương
Lời nguyền và nước mắt
Chảy về đâu bao thây người lạnh ngắt
Trôi về đâu xa lắm hỡi dòng sông
Cho tôi hôn lên mặt đảo một lần
Để nhớ hôm nay là ngày sinh nhật.

Tên tôi là Joy nhưng niềm vui không thật
Vì cuộc đời từ nay sẽ nặng gánh oan khiên
Tôi khóc cho Tacloban, Ormoc, Panay và cho Philippines
Cho hàng triệu đồng bào tôi đang khóc 
Mưa trong lòng người
Mưa trong lòng đất
Đảo chiều nay sao trống vắng vô cùng.

Sang năm và sau này vào ngày sinh nhật của tôi
Xin đừng đặt cho tôi chiếc bánh
Dù ở đâu, hãy thắp lên trong lòng một ngọn nến
Ngọn nến tình người sẽ sáng thiên thu.

Trần Trung Đạo

(Câu chuyện về bé Bea Joy sinh trong ngày bão ở Philipines trong link 

CHÚ ĐẠI BI


http://loiphatday.org/chu-dai-bi


Công đức trì tụng Chú Đại Bi


Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong trăm ngàn muôn ức kiếp sanh tử.
Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che, giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối 10 phương đạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni, 10 phương đạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt.
Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch, báng pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh, bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu, huống chi tội nặng?
Hàng trời, người nào thường thọ trì tâm chú này như tắm gội trong sông, hồ, biển cả, nếu những chúng sanh ở trong đó được nước tắm gội của người này dính vào thân thì bao nhiêu nghiệp nặng tội ác thảy đều tiêu diệt, liền được siêu sinh về tha phương Tịnh Độ, hóa sanh nơi hoa sen, không còn thọ thân thai, noãn, thấp nữa. Các chúng sanh ấy chỉ nhờ chút ảnh hưởng mà còn được như thế, huống chi là chính người trì tụng?
Và, như người tụng chú đi nơi đường, có ngọn gió thổi qua mình, nếu những chúng sanh ở sau được ngọn gió của kẻ ấy lướt qua y phục thì tất cả nghiệp ác, chướng nặng thảy đều tiêu diệt, không còn đọa vào tam đồ, thường sanh ở trước chư Phật, cho nên, phải biết quả báo phước đức của người trì tụng chú thật không thể nghĩ bàn!
Lại nữa, người trì tụng đà ra ni này, khi thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác, tất cả thiên ma ngoại đạo, thiên, long, quỷ thần đều nghe thành tiếng pháp âm thanh tịnh, đối với người ấy khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.
Người nào trì tụng đà ra ni này nên biết người ấy chính là tạng Phật thân, vì 99 ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý. Nên biết người ấy chính là tạng quang minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình. Nên biết người ấy chính là tạng từ bi, vì thường dùng đà ra ni cứu độ chúng sanh. Nên biết người ấy chính là tạng diệu pháp, vì nhiếp hết tất cả các môn các môn đà ra ni. Nên biết người ấy chính là tạng thiền định vì trăm ngàn tam muội thảy đều hiện tiền. Nên biết người ấy chính là tạng hư không, vì hằng dùng không huệ quán sát chúng sanh. Nên biết người ấy chính là tạng vô úy vì thiên, long, thiện thần thường theo hộ trì. Nên biết người ấy chính là tạng diệu ngữ vì tiếng đà ra ni trong miệng tuôn ra bất tuyệt. Nên biết người ấy chính là tạng thường trụ vì tam tai, ác kiếp không thể làm hại. Nên biết người ấy chính là tạng giải thoát vì thiên ma ngoại đạo không thể bức hại. Nên biết người ấy chính là tạng dược vương vì thường dùng đà ra ni trị bịnh chúng sanh.Nên biết người ấy chính là tạng thần thông vì được tự tại dạo chơi nơi 10 phương cõi Phật. Công đức người ấy khen ngợi không thể cùng.


Tuyển Tập Nhạc Thiền Phật Giáo Hay Nhất (Phần 3)





   Con Đường Hoa 10 giờ  





 Con đường hoa này do vợ chồng một bác nông dân già trồng & chăm sóc. Nếu ai có dịp về Long An thì ghé thăm. Ai có ghệ dắt theo chụp hình rất đẹp (Nhớ đến lúc 10h-13h xem hoa nở)
Đc: xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ 

(Chỉ đường) Theo Hương lộ Mỹ Bình: Đi QL1 gần đến Cầu Voi, rẽ vào Hương lộ Mỹ Bình. đến ngã 3 thì rẽ vào (đường đất đỏ). Chạy một chút đến ngã 3 lộ nhựa (đường liên xã) thì rẽ vào. Chạy khoảng hơn 1km, qua cầu là tới. 

Nguồn FB Huy Phan

.


Friday, November 13, 2015

   Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời   .


Vĩnh biệt Ông ! Người Nhạc sỹ lớn của nền âm nhạc Việt Nam, cầu mong Ông tiêu diêu miền cực lạc ! 🙏🙏🙏
Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời, thọ 90 tuổi.
Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời lúc 9 giờ tối, ngày Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015, tại tư gia ở Orange Hill, Orange, California, thọ 90 tuổi. Theo tin của người cháu ruột, là ông Trần Thăng.
Nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1925, tại Thanh Hóa. Trong 60 năm sinh hoạt văn nghệ, nhạc sĩ Anh Bằng để lại một di sản âm nhạc đồ sộ, gồm trên 600 ca khúc, trong đó có khoảng 200 tác phẩm được chính thức trình làng. Trong số này, có những ca khúc nổi tiếng, như “Nỗi Lòng Người Đi,” “Đêm Nguyện Cầu,” “Nửa Đêm Biên Giới,” “Anh Còn Nợ Em,” “Anh Còn Yêu Em”...
Tám năm trước, trước chuyến đi lưu diễn Úc Châu, bác sĩ khám phá ông bị ung thư gan. Sau đó căn bệnh được chữa trị và tạm ngừng. Vài tháng trở lại đây, bệnh tái phát, nhưng chuyển sang loại ung thư khác.
Đầu tháng 11, khi bệnh trở nặng, ông vào bệnh viện cấp cứu. Lúc ấy, các bác sĩ cho biết thời gian còn lại của ông không còn bao lâu nữa.
Nhạc sĩ Anh Bằng ra đi để lại rất nhiều đau buồn cho giới ca sĩ, nghệ sĩ, báo chí, truyền thông, và số đông khán giả, những người yêu thích, ngưỡng mộ dòng nhạc của ông.
Theo nguoiviet.com


      Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời

Chúng tôi vừa nhận được tin buồn là Nhạc sĩ Anh Bằng vừa qua đời tại tư gia vào lúc 9pm giờ Cali. Ông ra đi rất bình an trong sự tiễn đưa của đầy đủ con cháu và người thân. Đây là sự mất mát lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại và của nền âm nhạc Việt Nam.
Đài Truyền Hình SBTN xin được chia buồn cùng gia đình Nhạc sĩ Anh Bằng và nguyện cầu cho linh hồn ông sớm về nhà Chúa.


 NỖI LÒNG NHẠC SĨ ANH BẰNG   .
   
Năm 2009 Văn Đàn Đồng Tâm phát hành tác phẩm „DÒNG NHẠC TRONG LÒNG DÂN TỘC“ để kỷ niệm và vinh danh nhạc sĩ tài hoa lão thành Anh Bằng, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc VN để đời hậu thế. Ông không những thành công rực rỡ qua các bản tình ca tha thiết trữ tình mà còn tuyệt vời với những sáng tác viết cho cuộc chiến, cho thân phận con người và cho những người lính chiến, nhạc của ông đa dạng phong phú với đủ mọi giai điệu khác nhau: Tango, chachacha, Rumba, Boston, Slow, Pop…hùng hồn, lãng mạn, vui tươi, nhưng có những ca khúc làm rơi lệ, làm rung động trái tim người thưởng thức ở mọi giới… Ông định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1975 suốt 38 năm qua ông tiếp tục hăng say sáng tác nhạc với nỗi lòng tràn đầy cảm xúc, âm nhạc gắn liền với thân phận ông như: „Thân tôi làm kiếp con tằm. Tơ vương đến thác, kiếp tằm nhả tơ“.
Sống cuộc đời lưu vong sáng tác của ông có thể chia làm nhiều giai đoạn như buồn cho thân phận người đi, cũng như người ở lại dưới bạo quyền CS. Thời gian phôi phai ông sáng tác nhạc vui hơn và tiếp tục phổ thơ… Năm 2011 trung tâm Asia Entertaiment phát hành DVD kỷ niệm 36 năm viễn xứ chủ đề , ANH BẰNG Dòng Nhạc Lưu Vong“ gồm 24 ca khúc diễn tả tâm trạng nỗi lòng của người Việt yêu quê hương, dân tộc trước thảm hoạ xâm lăng của Trung Cộng chiếm các vùng biển đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. DVD nầy được đón nhận nồng nhiệt của mọi người trong và ngoài nước, theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Nam Lộc về Anh Bằng tâm sự: „Đã là người cầm bút chúng ta có bổn phận phải viết sáng tác, để nói lên điều gì mà người khác không nói được. Dù sự đóng góp của tôi chỉ là hạt muối trên biển cả, nhưng một hạt muối cũng có thể làm cho biển mặn hơn …“ Anh Bằng là một trong những nhạc sĩ thành công về nghệ thuật phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng trên văn đàn. Cả cuộc đời ông gắn bó với âm nhạc, hơn 500 nhạc phẩm đóng góp cho kho tàng văn học nghệ thuật.
Những nhạc phẩm làm người nghe cảm nhận nỗi ray rứt, rung động trái tim khơi dậy lòng yêu nước như: Hãy Đứng Lên, Phải Lên Tiếng, Cả Nước Đấu Tranh… các nhạc phẩm đó như tha thiết mời gọi những trái tim Việt Nam cùng đoàn kết hiệp thông, chia xẻ, và đồng hành với các nạn nhân và gia đình nói riêng, cùng Dân Tộc Việt Nam nói chung trong hoàn cảnh bất công tại quê nhà.
Những buổi sinh hoạt cộng đồng các ca khúc của ông đều được hát vang dội như lời kêu gọi, thúc dục lòng yêu nước của mọi người dâng cao. Dù sống ở xứ người nhưng trái tim của tất cả nhạc sĩ, thi sĩ cùng nhịp đập với quê hương bên kia bờ đại dương xa diệu vợi. Những nhạc sĩ ở Hải ngoại [1] tự do sáng tác để đời những ca khúc đấu tranh và trữ tình với cung bậc trầm bổng, du dương. Dòng nhạc lưu vong luôn cổ vũ tinh thần yêu nước, đánh thức trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước và thể hiện tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam trên khắp thế giới.
Nhạc sĩ Anh Bằng mong ước cùng chúng ta đấu tranh cho Việt Nam một ngày không xa sẽ có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền được tôn trọng.., bỏ qua những tỵ hiềm bé nhỏ, cùng nắm tay nhau đốt lên ngọn đuốc Việt Nam soi sáng những tối tăm, mịt mù trên quê hương và sưởi ấm lòng người viễn xứ. Hơn 37 năm qua chúng ta sống đời lưu vong, trong nước những người yêu quê hương bị bắt bớ, giam cầm, dân oan khắp nơi mất nhà mất đất đã phải vất vưởng lang thang, đói nghèo, khiếu kiện ròng rã nhiều năm mà không hề thấy bóng dáng Công lý ở đâu?.. Chúng ta chỉ mong ước một ngày Việt Nam sẽ thật sự có tự do, no ấm, phú cường :
Đốt đuốc lên! Ta đốt đuốc lên!
Cho tình anh em Việt Nam đoàn kết
Thắp nến lên! Ta thắp nến lên
Xua ngàn tối tăm ra ngoài trái tim cùng một lời nguyền
Đốt đuốc lên! ta đốt đuốc lên!
Cho cờ vàng lên rực cao Tổ quốc
Thắp nến lên! ta thắp nến lên
Cho màu vàng sáng thơm da vàng Việt Nam
Tâm hồn nhạc sĩ Anh Bằng thật đa cảm, phong phú với những giai điệu đem đến cảm xúc cho mọi người, mọi lứa tuổi trong và ngoài nước. Nhạc của ông gắn liền với đời, với thân phận của người Việt Nam, hiện nay trước nạn xâm lăng của ngoại bang những cuộc biểu tình trong nước chống giặc Tàu bị Công an đàn áp bắt bớ, giam cầm khủng bố làm cho người dân phải sợ hãi, phải đối mặt với cuộc đời, phải đối mặt với những nghịch cảnh, họ sống trong cảm giác sợ hãi không dám hòa mình vào dòng đời nhiều tai ương để đập tan chế độ độc tài CS. Chế độ làm người dân hèn nhát, thụ động. Dân tộc muốn tự cứu mình, chỉ còn cách thoát ra khỏi sợ hãi mà thôi. Nếu dân chúng một khi đã vượt qua nỗi sợ hãi cùng đứng lên và phải lên tiếng, như ở Ba lan, Ả Rập (Ai Cập) hàng trăm ngàn người cùng nổi dậy chống lại áp bức, bất công. Nhà cầm quyền có thể đàn áp một vài trăm người nhưng không thể đàn áp cả vạn, cả trăm ngàn như ở các nước Đông Âu biểu tình để giải thể đảng CS độc tài. Tuổi trẻ là tiềm năng, là sức mạnh đủ sức đập tan xiềng xích gông cùm để canh tân đất nước, đưa VN lên ngày vinh quang, tươi sáng. Tuổi trẻ Việt Nam hãy mau tiến lên như nhạc phẩm „Tuổi Trẻ Việt Nam“ của NS Anh Bằng trong Hùng Ca Sử Việt.
Tuổi trẻ mau tiến lên
hào hùng bước theo lời nguyện
Tuổi trẻ dâng hiến cho
hạnh phúc toàn dân
Tuổi trẻ vươn cánh tay
dâng đời sống trên công bình
Bài trừ bao bất công hà hiếp dân mình.
Đừng Sợ Hãi! Hãy vươn lên
Tranh đấu cho quê hương Việt Nam
niềm tin bác ái!
Đừng Sợ Hãi!, Xiết tay nhau..
Mang trái tim yêu thương Việt Nam vào đời!
Tuổi trẻ như mủi tên
nhằm diệt xấu xa bạo quyền.
Tuổi trẻ như nắng mai
bừng sáng màn đêm
Tuổi trẻ như đuốc thiêng
cùng sưởi ấm tim người hiền
Tuổi trẻ như sóng xô
vùi lấp đê hèn………..
Thời gian gần đây nhà cầm quyền CS bắt đầu lo sợ sự „tự diễn biến“ và tỏ ra bối rối khi dân chúng ý thức được quyền con người để thoát khỏi sự kìm kẹp và cai trị của mình, bài học lịch sử ở Balan với Công Đoàn Đoàn Kết không cần nổ tiếng súng nào. Họ đã mở ra kỷ nguyên mới có tự do, dân chủ và nhân quyền đầu tiên tại Ba Lan. Bởi vậy đảng CSVN thường sử dụng các phương pháp hạn chế tin tức, tìm mọi cách để bịt miệng các nhà hoạt động tranh đấu ôn hòa, cổ vũ cho nhân quyền đòi hỏi cải tổ chính trị, dân chủ và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Vì những diễn biến đó CSVN cho là mối đe dọa đối với nhà nước. Họ dựa vào những điều luật soạn thảo mơ hồ về an ninh quốc gia là điều 79 của luật hình sự cấm cản cho rằng những hành vi trên nhằm “lật đổ chính quyền”, để khởi tố những ai thực thi quyền làm người căn bản. Báo chí theo lề phải là công cụ của đảng CS. Người dân biểu tình phản đối Trung Cộng xâm chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bắn giết đồng bào mình thì bị đàn áp, bắt giam, đó là cái hèn của những người cầm quyền chỉ biết vinh thân phì gia. Mong rằng những người còn lương tâm kể cả đảng viên CS biết yêu quê hương và dân tộc VN cần phải lên tiếng mỗi ngày một nhiều hơn để cứu lấy tiền đồ của dân tộc mà tổ tiên bao đời đã hy sinh biết bao là xương máu.
ĐỪNG IM TIẾNG MÀ PHẢI LÊN TIẾNG
Trường Sa là máu của ta.
Hoàng Sa là thịt của ta.
Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại.
Quân bành trướng đừng mong xâm lấn.
Kia, còn bao mồ chôn quân Tống.
Hỏi quân thù?
Hỏi quân thù còn nhớ hay không?
VIỆT NAM nòi giống Lạc Long.
Cùng nhau thề nguyền ĐỒNG TÂM.
Quyết đứng lên dựng xây Tổ Quốc thân yêu TRƯỜNG TỒN.
Không để đất vào tay quân cướp.
Dân tộc ta vùng lên anh dũng.
Sống oai hùng. Sống kiên cường đòi lại Biển Đông.
ĐỪNG IM TIẾNG – MÀ PHẢI LÊN TIẾNG!
Khi quân thù vào cướp QUÊ HƯƠNG.
Đoàn kết lại!. Tiêu diệt bá quyền thâm độc vô biên.
ĐỪNG IM TIẾNG – MÀ PHẢI LÊN TIẾNG!
Khi quân thù giết hại dân ta.
Dòng máu VIỆT đã đổ chan hòa trên biển nước ta.
ĐỪNG IM TIẾNG – MÀ PHẢI LÊN TIẾNG!
ĐỪNG IM TIẾNG – MÀ PHẢI LÊN TIẾNG!
MÀ PHẢI LÊN TIẾNG!!!.
Nhìn lại kinh nghiệm lịch sử cuối thế kỷ 20, đảng CS Balan muốn giải thể Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc/ Solidarität). Ngày 13-12-1981 nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan sử dụng đến biện pháp ban bố tình trạng chiến tranh. Họ để lộ rõ là một chế độ độc tài bạo ngược. Công đoàn bước vào một giai đọan vô cùng khó khăn. Bị đặt ra ngoài vòng pháp luât, bị khủng bố trắng. Hơn 10.000 cán bộ các cấp của Công Đoàn bị bắt, 56 người bị bắn chết hoặc tra tấn đến chết, 4.000 người bị đưa ra các tòa án xét xử với những bản án phi luật pháp. Huy động một lực lượng quân sự hùng hậu, với 70.000 lính, 30.000 công an và nhân viên an ninh, 1.750 xe tăng, 14.000 xe cơ giới, nhiều máy bay trực thăng và vận tải các loại. Nhưng họ không tiêu diệt được lòng yêu nước tiên phong trong cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ và quyền con người tại các quốc gia cộng sản Đông Âu.
Cả Nước Đấu Tranh
Cả nước đứng lên oai hùng,
Cả nước tiến lên không ngừng,
Thề tòan dân thương nhau,
Lời thề ghi bằng máu,
Quật cường đi tranh đấu đuổi quân Tàu,
Ðuổi lũ ác ôn điên rồ,
Cả nước nói lên căm thù,
Thù giặc kia vô lương,
Thù chủ trương bành trướng,
Thù cướp biển quê hương
Ai đã cấm dân hờn quân xâm lăng?
Ai đã bắt quân vội vàng đầu hàng?
Ai cướp bút anh trên trang nhật báo,
Cướp trái tim tôi khi Việt Nam thương đau.
Tổ quốc chúng ta anh hùng,
Cả nước đấu tranh kiên cường,
Vì tình yêu non sông vì tình thương nòi giống, vượt sóng đòi biển Đông…
Tiếng hát của Ca đoàn Ngàn Khơi ASIA DVD
Lời ca tiếng hát đã đi vào lòng người, khơi gợi mỗi chúng ta tình yêu quê hương, yêu tổ quốc, nhất là trong hoàn cảnh dầu soi lửa bỏng hiện nay. Hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị nhà cầm quyền CSVN bắt cuối năm 2011 kết án từ 4- 6 năm tù, nhưng CSVN thất bại không thể bỏ tù lý tưởng của những người yêu nước chống lại nhà cầm quyền bằng tiếng nói lương tâm trước hiện tình đất nước. CSVN khó đối phó hơn khi người dân ý thức về dân chủ và cảm thấy biểu tình là quyền, là ý thức của mình trước mọi vấn đề đang xảy ra trong đời sống xã hội, quốc gia, nhất là vấn đề ấy liên quan đến vận mệnh đất nước vượt sóng đòi biển Đông. Trong dòng nhạc của nhạc sỹ Anh Bằng với hình ảnh quê hương qua những đồi sim, luỹ tre xanh, Hà Nội- Sài Gòn mênh mông gió lộng, hình ảnh đẹp mưa nắng trên quê hương yêu quý và ấp ủ lòng người. Nỗi lòng của NS. Anh Bằng đối với hồn thiêng sông núi và trách nhiệm của mọi người phải chiến đấu để bảo vệ non sông gấm vóc từ Nam quan đến tận mũi Cà Mau.
Tình cảm của nhạc sĩ Anh Bằng trong bạn bè luôn được trân quý như nhiều người đã tâm sự. Dù tuổi gần 90 bị lãng tai (2) nhưng tinh thần còn sáng suốt, minh mẫn… Tôi chưa có dịp gặp người nhạc sĩ tài hoa, vui tính nầy, nhưng cảm nhận được tấm lòng của ông trong năm 2011 đã gởi tặng tôi DVD “Anh Bằng Dòng Nhạc Lưu Vong”, “Anh Bằng Một Đời Cho Âm Nhạc”, và tác phẩm “Anh Bằng Dòng Nhạc Trong Lòng Dân Tộc”. Cầu xin Thiên Chúa ban phước lành cho thiên tài Anh Bằng nhiều sức khoẻ sống đến 118 tuổi tiếp tục sáng tác cho đời và nhìn thấy VN một ngày mới tươi đẹp như ước mơ trong những ca khúc của ông.
Nguyễn Quý Đạị
   Cha tôi: Chết không cần quan tài   


Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ lúc nào, nhưng có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân miền nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30/4/1975.
Khi miền Nam sụp đổ cũng là lúc bất ngờ tất cả nỗi thống khổ đày đọa ập xuống. Nhanh như một cơn cuồng phong thịnh nộ phá nát tan hoang. Mất tất cả!
Ngày 10/06/1975 tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Trước khi đi cái gọi là “học tập cải tạo” 10 ngày, dù với suy nghĩ chỉ là 10 ngày như lời thông báo, cha tôi cũng không có lấy mấy ngàn dằn túi. Ông bảo tôi (lúc đó 19 tuổi) đem 2 chỉ vàng cuối cùng còn lại của gia đình- là đôi bông tai của bà nội tôi để lại- ra tiệm vàng bán. Đó là kỷ vật quý nhất nhưng đành phải bán để mua ít lương thực cho ông mang đi. Hai chỉ vàng lúc ấy bán được 33 ngàn. Ông mua khoảng 2 ngàn đồng lương thực các thứ và dằn túi 1 ngàn. Còn lại 30 ngàn ông dặn ở nhà cố gắng 13 mẹ con dè xẻn ăn uống đợi Ông về.
Mười ngày trôi qua nhanh chóng- không ai trong số cải tạo trở về. Tôi nghĩ đây là một cú lừa mà đã và sẽ được lịch sử ghi lại kỹ hơn. Giá sinh hoạt tăng từng giờ. Buổi sáng 100 đồng 1 ổ bánh mỳ thì chiều đã lên 120. Sau 3 tuần thì 12 anh em tụi tôi và mẹ tôi không còn một đồng nào trong nhà. Chị tôi lớn nhất 21 tuổi còn đang đi học, và em út mới có 2 tuổi. Mười hai con tàu há mồm tuổi đang lớn nuốt bao nhiêu cho đủ! Cơm và thức ăn mỗi bữa mẹ tôi phải chia cho từng đứa. Vài hột cơm sót nơi đáy nồi cũng không yên. Chúng tôi đổ nước vào và cạo sạch không còn một hột. Còn hơn là gạo châu củi quế.
Mẹ tôi và vài đứa em phải đi xâm canh (một hình thức của kinh tế mới để giãn dân), làm ruộng rau muống. Không lên voi nhưng phải xuống chó, mẹ tôi và em tôi ngày ngày vào ruộng hái rau muống xong gánh bộ về tới chợ cách đó 6 cây số để bán. Buổi sáng khoảng 3 giờ khi trời còn mờ mịt hơi sương và giá lạnh, mẹ và em tôi thay nhau gánh bộ cho kịp phiên chợ sáng. 70 bó rau oằn trên vai người phụ nữ nhỏ bé cao 1,45 nặng chưa tới 40Kg.
6kg rau mới đổi được 1 kg gạo. Một tuần mới cắt được một lần chờ cho rau mọc. Những ngày còn lại là cấy rau, nhổ cỏ, trồng khoai mỳ…
Sức ăn trước ngày 30/4/75 của gia đình tôi một bữa là 3 lít gạo, tức 1 tuần 42 lít, khoan nói chuyện thức ăn cá mắm gì hết. Nay 1 tuần chỉ còn 13 lít!
Bắt đầu tháng 7/1975 lần lượt đồ đạc trong nhà mọc cánh nhẹ nhàng, nhanh chóng, lả lướt, bay đi theo chân những kẻ buôn hàng. Từ cái quạt trần, tôn cống, hàng rào, tủ quần áo, đài radio, giường sắt, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay … đều giã từ để về với chủ mới. Hết sạch đồ thì mấy kẻ đi buôn bảo rỡ gạch bông, rỡ bớt tôn ngoài mái hiên, tôn trần nhà bán tiếp.
Bán cho đến khi căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng tênh vì chả còn thứ gì ngoài trừ vài cái nồi nấu bằng củi đen thui cũng đã sứt quai gãy gọng. Buổi tối trải chiếu ngủ dưới đất là xong với cái bụng lép kẹp và cơn đói hành hạ.
Không biết bao lần tôi phải ăn tưởng tượng trong đêm khuya bằng cách hình dung mấy món ăn tầm thường ngày trước như vài con khô, miếng dừa kho, tô canh bầu.. Mơ mà cũng hà tiện không dám mơ thịt cá hải sản.
Bố tôi sau 6 tháng trong trại cải tạo lần đầu được viết thư về, Ông dặn khi lên thăm nuôi, không cần mang theo gì cả vì trong trại có đủ mọi thứ. Hic!
Ông hiểu hơn ai hết, còn cái gì để mà mang cho ông!
Tôi nhớ mãi ngày lên thăm nuôi ông ở trại Thanh Hoá (Hố Nai), cả nhà chỉ có 1 cái xe đạp, còn lại mẹ và các em tôi cuốc bộ 8 cây số mang theo 1 cái giỏ đi chợ lưng lửng với ít thịt kho mắm ruốc, 1 ký đường, 2 hộp sữa và 1 bộ quần áo. Nhìn những người đi thăm nuôi, có người gánh 2 bao đầy mà lòng tôi trào dâng niềm tủi hổ.
Sau đợt đổi tiền ngày 22/9/1975, Chúng tôi như đàn chim vỡ tổ, tất cả bỏ học ngang, vài đứa em nhỏ tiếp tục theo mẹ làm ruộng rau muống, còn lại mỗi đứa một phương trời kiếm sống. Đứa lên Gia Ray vào rừng lấy củi, làm lò than, đứa theo xe lửa bán trà đá, hàng rong, đứa bán thuốc lá.
Hơn 3 năm sau Bố tôi được cho về để nhìn xác nhà tan hoang điêu tàn loang lở, nhìn bầy con xanh khướt, gầy rạc, tản mát. Một chị tôi bệnh tâm thần không người chăm sóc phải lang thang ăn xin đầu đường xó chợ, có lần xin không được, quá đói, chị giựt mấy miếng đậu hũ bỏ chạy, chị bị người ta phang đòn gánh chảy máu lỗ đầu giữa ngày bố tôi được tha về.
Bố không khóc, cũng không nói gì! Qua hàng xóm xin ít bông băng. Lòng ông như xát muối! Có lẽ ông bấy giờ mới thấm sâu mệnh đề “mất Nước là tất cả mất”. Khóc lóc than van ích lợi gì. Giọt nước mắt chỉ làm cho kẻ chiến thắng hả hê say sưa thêm mà thôi.
Rồi theo chủ trương, ông không được ở lại thành phố. Họ hàng nhà tôi đa số cũng là thành phần Ngụy quân, Ngụy quyền nên không ai giúp gì được cho nhau. Cuối năm 1978 Ông lên rừng Gia Ray ngay chân núi, cất túp lều nhỏ bé xiêu vẹo, ngày ngày ông và 2 em tôi sống nhờ rừng.
Ai ở rừng mới biết: ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Và từ đó chuỗi ngày lầm than, buồn thảm lại tiếp tục sau hơn 3 năm trong trại cải tạo. Đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui. Cực khổ nặng nhọc quần quật suốt cả ngày chỉ đủ kiếm vài lon gạo vài con cá khô.
10 năm sau, tôi đã làm ăn khá hơn, mua được chiếc xe máy Mini scootter, lần đầu tiên lên thăm Ông, quà cho Ông chỉ là 1 lít rượu đế nấu bằng rỉ mật. Ông mừng lắm vì tôi đã tương đối ổn định công việc.
Trong bữa cơm hôm đó, Ông nói:
-Bố năm nay 63 tuổi rồi, cuộc đời không dành cho Bố con mình được sống sum họp và đầy đủ. Dù sao các con cũng cố gắng vươn lên để thoát khỏi bệnh tật, đói khát và tù đày.
Rồi Ông chỉ tay dưới chân ngọn núi Chứa Chan:
– Nhớ lời Bố dặn, nếu Bố có chết, các con không cần quan tài làm chi cho tốn kém, cứ bó chiếu vùi thây Bố dưới chân núi là Bố mát mẻ rồi.
Thú thật, lúc ấy nếu tất cả 12 anh em tôi gom lại chắc cũng không đủ tiền mua cái quan tài loại chót. Ông biết và không muốn các con gánh nặng thêm!
Năm 1999, sau bao nhiêu là khó khăn vì không có tiền làm hồ sơ xuất cảnh diện HO, cuối cùng thì 4 bố con tôi cũng tới được Mỹ. Ngày lên đường mẹ tôi và 9 em phải ở lại vì hộ khẩu lung tung không đuợc phái đoàn Mỹ chấp thuận.
Bốn bố con mà hành trang vỏn vẹn có 5 va ly nhỏ và nhẹ tênh, chưa tới 1/3 tiêu chuẩn trọng lượng.
Đến Mỹ 3 anh em tôi phải đi làm ngay sau tháng đầu tiên để kiếm tiền trả nợ lúc làm hồ sơ. Bố tôi thì ăn welfare [nhân trợ cấp xã hội – DCVOnline] vì Ông đã 74 tuổi.
Ban đầu hội thiện nguyện giúp thuê nhà, 4 bố con phải ở chung trong 1 căn apartment 2 phòng ngủ cùng với 2 người nữa là 6 người.
Quá chật, chúng tôi đành ra ở riêng trong khi Bố tôi được chính phủ Mỹ cho ở nhà Housing.
Và từ đó Ông sống cô độc, một thân một mình. Nhưng cũng là lúc Ông làm được một việc lớn nhất, to nhất, ý nghiã nhất kể từ sau ngày 30/4/1975!
Hàng tháng Ông trả tiền điện và tiền nhà chưa tới tổng cộng 80$. Thức ăn thì Ông đi xin các Hội từ thiện miễn phí. Có lần tôi giận Bố kinh khủng. Gia đình tôi cố tình chở Ông vào 1 quán kêu cho Ông mấy món ngon, Ông từ chối, chỉ xin cho 1 diã bánh cuốn là đủ. Ông nói: Ở Việt Nam nhà mình còn quá khổ, Bố không đành ăn ngon bên này nhưng các con đi làm vất vả cần bồi bổ, cứ ăn đi.
Mỗi tháng số tiền dư còn lại gần 400$ Bố để dành và cứ 6 tháng Bố gởi về VN cho Mẹ và 9 đứa con còn ở lại. Chị cả tôi viết thư qua có câu:
“Bố ơi, nhiều lần con phải đi bán máu với số tiền 200 ngàn một lần để có tiền nuôi con. Để có 200 ngàn đồng tiền Việt, tụi cò máu nó đã ăn chặn mấy chặng rồi. Cầm 300$ Bố cho mà con cứ ngỡ trong mơ. Đời con chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế… Phải bán 10 lần máu chỉ mới được 150$ …”
Bố đọc thư không khóc! mặc dù Bố biết chị chỉ cân nặng có… 34 Kg! Hic! Gan góc đến thế là cùng!
Rồi việc phải tới! Một ngày mùa đông năm 2006, tức sau gần 8 năm ở Mỹ. Tự dưng Bố kêu và đưa tôi 8.000$ và một tờ di chúc – nét chữ vẫn còn rất đẹp dù đã có dấu hiệu nghệch ngoạc biểu hiệu của tuổi già – trong di chúc có nói rõ:
Khi bố chết đi, bố đã hỏi cô hoa (người của một hội thiện nguyện) và biết rằng tiền hỏa thiêu không quan tài chỉ mất có 800$ thôi!
Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người bên vn.
Sau đó mấy ngày, Bố đột qụy! Người ta đưa Bố vào trại Dưỡng lão. Rồi Bố hấp hối. Ba anh em tôi họp nhau và quyết định làm theo di chúc của Bố. Và chúng tôi phải ký một hợp đồng với nhà thiêu.
Khi Bố tắt thở, sau 1 tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra, trong phòng người ta bỏ Bố vào 1 cái bao và kéo cái fermeture là xong! Quá đơn giản cho một kiếp người!
Khả năng 3 anh em tôi lúc đó mới đi làm ăn lương 1 giờ 8$ chỉ vừa đủ tiền nhà tiền ăn. Vẫn biết có làm đám tang bỏ Bố vào quan tài bằng vàng với hàng ngàn người tham dự cũng vậy thôi vì Bố đâu biết gì nữa mà sao tôi vẫn cảm thấy xót xa vô bờ. Cuối đời của một sĩ quan, từng chỉ huy hàng mấy trăm lính, từng chỉ huy mấy cung đường sắt, âm thầm, vắng lặng và quạnh hiu. Không ai biết, không ai đưa tiễn! Y như một chiến sĩ vô danh!
Người ta bỏ Bố lên chiếc xe kéo, đẩy ngang chỗ chúng tôi đang đứng, tất cả con, dâu và cháu chỉ có 5 người, họ dừng lại và hỏi chúng tôi có muốn nói gì không. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện lạnh chạy xé dọc sống lưng. Tôi chỉ lắp bắp nói như kẻ không hồn:
– Vĩnh biệt Bố. Từ nay Bố không còn phải hy sinh nữa Bố nhé. Công ơn của Bố cao hơn núi Thái Sơn Bố ạ!
Rồi họ lạnh lùng kéo Bố tôi đẩy lên chiếc xe dài, đi chỗ nào thiêu hay làm gì, ở đâu, chúng tôi không được biết! Họ làm theo hợp đồng.
Tôi không khóc! Không còn nước mắt để khóc!
Hai tuần sau tôi lấy tro cốt Bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt ở dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn ra đầm đìa – vô thức!
Nguồn FB
.